Hỏi đáp: Sông Mekong và Công ước UNWC 1997.[26/01/16]
25/01/2016 13:43
Hỏi đáp: Sông Mekong và Công ước UNWC 1997 Tô Văn Trường
Hỏi: Công ước Liên hiệp quốc về ‘Dòng chảy của các sông’ (United Nations Watercourses Convention – UNWC) đã được ban hành năm 1997 có giúp được gì cho việc yêu cầu các nước tuân thủ những chuẩn mực khi lập các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong?
Đáp:
Theo tôi biết, Việt Nam là nước thứ 35 phê chuẩn UNWC. Công ước đã chính thức có giá trị hiệu lực và trở thành nguồn luật quốc tế áp dụng cho các nguồn nước quốc tế.
Ngay từ khi Công ước còn đang ở dạng dự thảo, 4 nước hạ lưu sông Mekong (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ) đã nghiên cứu, vận dụng nhiều quy định và đưa vào Hiệp định Mekong (MRC) ký năm 1995 (Ví dụ quy định về "notification, prior consultation...."). Do đó, tinh thần cơ bản của các quy định của Công ước hoàn toàn có thể áp dụng trong lưu vực sông Mekong. Riêng về thủy điện trên dòng chính Mekong, MRC đã có các bộ Thủ tục là các quy đinh rất cụ thể về khối lượng nước và chất lượng nước mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ.
Theo tôi biết UNWC 1997 đối với Việt Nam là công ước thứ 35 được phê chuẩn và trở nên có hiệu lực. Theo luật, chỉ có hiệu lực với những nước nào đã ký và phê chuẩn, còn với những nước ký mà chưa phê chuẩn thì việc ràng buộc của UNWC 1997 không rõ như Hiệp định Mekong, mặc dù UNWC 1997 sẽ được dùng làm tài liệu tham khảo khi có mâu thuẫn hơn là dùng Quy ước Helsinki.
Do đó, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước là khẳng định rõ lập trường của VN, để cho các đối tác biết và tạo thêm sức mạnh của VN trên bình diện luật pháp quốc tế.
Trong lưu vực Mekong thì ngay từ khi thương lượng với nhau, vẫn viện dẫn những qui tắc của UNWC và Quy ước Helsinki. Không ai phản đối việc viện dẫn, nhưng các bên đều hiểu rõ tinh thần của UNWC 1997 và không ai chống đối tinh thần đó trong khi muốn bảo vệ quyền lợi quốc gia của họ.
Do đó, việc áp dụng UNWC 1997 vào các dự án Mekong cần phải khôn khéo mà hướng MRC vào chỗ đồng thuận. Vì các nước khác chưa phê chuẩn UNWC 1997, MRC không thể trực tiếp qui hoạch các dự án Mekong theo UNWC 1997. Mọi quốc gia MRC đều hiểu rõ Hiệp định Mekong 1995 có thể giúp các quốc gia MRC dung hòa lợi ích hợp tác của nhau. UNWC 1997 có hiệu lực đã tạo thêm sức mạnh tinh thần cho Việt Nam trong khi thương lượng với các nước MRC.
Nói tóm lại: Các nước chưa phê chuẩn công ước, thì họ sẽ dựa vào lý do là chính phủ họ chưa chấp thuận thì các điều khoản của UNWC 1997 khác các điều khoản của Hiệp định MRC 1995 chỉ có thể dùng để tham khảo chứ không ràng buộc được việc tuân thủ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Campuchia, Lào và Thailand đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định MRC 1995, như vậy đã được coi là tán thành tinh thần của UNWC 1997 qua các quy định nêu tại Công ước.