Kẹt xe ở Thành phố Hồ Chí Minh (2).[22/02/16]
22/02/2016 14:10
Kẹt xe ở Thành phố Hồ Chí Minh (2)
TS Nguyễn Bách Phúc
Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON
Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI
Tại sao người dân Tp.HCM chỉ “thích” đi xe gắn máy mà “không thích” đi xe công cộng?
1. Nếu dân Tp.HCM bỏ xe gắn máy, đi xe buýt, thì nạn kẹt xe giảm được 4 lần, tức là giảm 400%.
Kẹt xe là gì? Đơn giản chỉ là số lượng xe trên mặt đường quá nhiều, mỗi xe chiếm 1 khoảng diện tích của mặt đường, càng nhiều xe diện tích chiếm dụng càng lớn, kẹt là lúc diện tích chiếm dụng phủ hết diện tích mặt đường.
Xe gắn máy bình quân rộng 0,7 mét, dài 2 mét, khi chạy trên đường phải có khoảng cách an toàn tối thiểu với xe bên cạnh là 0,5 mét, với xe phía trước là 2 mét. Như vậy diện tích 1 xe gắn máy chiếm dụng mặt đường khi lưu hành là (0,7m + 0,5m) x (2m + 2m) = 4,8m2. Xe gắn máy có thể chở 1 hoặc 2 người, chúng tôi đã đếm thử ngẫu nhiên trên đường, thấy rằng bình quân cứ 5 xe đi một người thì có 1 xe đi 2 người, vậy bình quân gần đúng 1 xe gắn máy chở : (5 xe x 1 người + 1 xe x 2 người) / ( 5 xe + 1 xe) = 7 người/6 xe = 1,17 người/xe. Như vậy bình quân một người đi xe gắn máy sẽ chiếm dụng diện tích mặt đường là 4,8m2/1,17 người = 4,1 m2/người.
Một xe buýt trung bình chở 45 người, rộng 2,5 mét, dài 9 mét, khi chạy trên đường phải có khoảng cách an toàn tối thiểu với xe bên cạnh là 0,5 mét, với xe phía trước là 3 mét. Như vậy diện tích 1 xe buýt chiếm dụng mặt đường khi lưu hành là (2,5m + 0,5m) x (9m + 3m) = 36m2. Như vậy bình quân một người đi xe buýt sẽ chiếm dụng diện tích mặt đường là 36m2/45 người = 0,8 m2/người.
Rõ ràng rằng diện tích mặt đường mà một người đi xe gắn máy chiếm dụng lớn hơn so với 1 người đi xe buýt là 4,1m2/0,8m2 = 5,13 lần. Từ kết quả này có thể dễ dàng nhận ra, nếu mọi người không đi xe gắn máy như hiện nay mà tất cả đều đi xe buýt thì mức độ kẹt xe sẽ giảm đi hơn 5 lần, chính xác là 513%.
Hóa ra nếu làm được việc này, vẫn ngần ấy con người đi lại, vẫn đường phố ấy của chúng ta, chẳng những không kẹt xe mà còn rộng thênh thang !
2. Tại sao dân các nước tiên tiến thích đi xe công cộng ?
Các thành phố lớn ở các nước tiên tiến có một hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh gồm : xe buýt động cơ diezen, loại nhỏ cỡ 12 chỗ ngồi và loại lớn từ 45 chỗ ngồi trở lên, xe buýt chạy điện (troleibus), xe điện bánh sắt (tramvai), tàu điện ngầm (metro)
Ưu việt lớn nhất của hệ thống xe buýt này là phủ gần hết mọi con đường lớn nhỏ của thành phố, từ chỗ ở đến trạm xe công cộng gần nhất thường là dưới 300 mét. Người dân chỉ phải đi bộ không đầy 300 mét từ nhà đến bến xe công cộng, cũng như từ bến xe công cộng cuối cùng đến đích.
Ưu việt thứ hai của hệ thống xe buýt này là giờ giấc xuất phát tại các bến đỗ là khá chính xác, hành khách có thể chủ động tính toán thời gian của mình theo đúng giờ giấc của bến xe, vì vậy hầu như không phải chờ đợi ở các bến xe.
Ưu việt thứ ba, đối với những tuyến xe công cộng phục vụ những con đường nhỏ, thưa thớt dân cư, chính quyền địa phương có chế độ trợ giúp cho hãng vận tải công cộng, để họ có thể yên tâm phục vụ. Đồng thời những tuyến này phải đảm bảo nghiêm ngặt giờ giấc tại các bến đỗ.
Cũng vì hệ thống xe công cộng quá tốt, thỏa mãn nhu cầu của người dân nên ở đó người ta ít sử dụng taxi, không có tình trạng các hãng taxi mọc lên như nấm và cạnh tranh nhau quyết liệt như ở chúng ta.
3. Tại sao dân thành phố HCM “không thích” đi xe buýt?
Đơn giản là sử dụng xe buýt tại thành phố chúng ta nói chung là vô cùng bất tiện.
Thứ nhất, chúng ta chỉ có những tuyến xe buýt lớn, chỉ chạy theo những trục đường lớn của thành phố, mà không có những tuyến xe buýt phủ khắp thành phố. Điều này sẽ gây ra hai cản trở lớn cho cư dân: Phải đi rất xa từ nơi xuất phát đến bến xe buýt, và cũng phải đi rất xa từ bến xe buýt cuối cùng đến đích. Những tuyến này chỉ thuận lợi cho cư dân có những chuyến đi với điểm xuất phát và điểm đích đều nằm dọc theo các tuyến đó, khoảng cách đến con đường dưới 300 mét.
Những cư dân ở xa các tuyến xe buýt sẽ đi đến các tuyến xe buýt bằng cách nào, chạy xe đạp hay xe gắn máy đến thì sẽ gửi vào đâu, hay đi xe ôm hoặc taxi, mỗi lần xuất phát tốn bao nhiêu tiền cho xe ôm hoặc taxi?
Lại còn nông nỗi, khi xuống bến xe buýt cuối cùng, sẽ đi bằng cách nào để đến đích, chắc sẽ lại thuê taxi hoặc xe ôm.
Đơn giản chỉ có vậy cho nên dân thành phố Hồ Chí Minh “không thích” đi xe buýt mà chỉ “thích” đi xe gắn máy cá nhân.
Theo báo cáo của Bộ GTVT trình Chính phủ, thì năm 2013 số lượng hành khách xe buýt của thành phố HCM chỉ chiếm 7% - 8% tổng số hành khách lưu thông trên đường phố. Thống kê này hoàn toàn phù hợp với tổng diện tích mặt đất dọc theo các tuyến xe buýt của thành phố với chiều rộng mỗi bên 300 mét, chiếm khoảng 10% diện tích mặt đất của Tp.HCM.
Với hệ thống xe buýt này, cho dù chúng ta có rất nhiều giải pháp để vận động người dân đi xe buýt như: Trợ giá vé, nâng cao chất lượng xe, nâng cao tinh thần và thái độ phục vụ, tuyên truyền vận động “Nào ta cùng buýt”, thì người dân vẫn cứ thích đi xe gắn máy, tỷ lệ người đi xe buýt vẫn ko tăng thêm.