Trung Quốc phải chấm dứt nhúng tay vào thủy điện và gây mâu thuẫn tại khu vực Hạ Lưu Mekong.[23/02/16]
22/02/2016 14:16
Trung Quốc phải chấm dứt nhúng tay vào
thủy điện và gây mâu thuẫn tại khu vực
Hạ Lưu Mekong
Quỹ Hệ Sinh thái Việt
Tháng 2, 2016
Bốn quốc gia Hạ lưu Mekong (LMB)- Lào, Thái Lan,Campuchia và Việt Nam đã ký Hiệp ước quốc tế sông Mekong năm 1995. Mục đích cơ bản của hiệp định 1995 là: “Sự hợp tác giữa các quốc gia hạ lưu Mekong để nhằm đạt được tiềm năng lợi ích một cách bền vững và ngăn ngừa việc sử dụng phí phạm nguồn nước trong lưu vực.”
Bốn quốc gia LMB đã ký thêm cam kết về Thể lệ Mekong (Mekong Procedure) năm 2003, mục đích quy định việc hợp tác phải qua tiến trình tham vấn trước và thỏa hiệp, theo đó” “thỏa hiệp trước không phải là quyền phủ quyết và cũng không phải là quyền đơn phương sử dụng nước bởi bất cứ thành viên nào bất chấp những nước khác trong lưu vực.”
Theo tờ Vientiane Times, ngày 5 tháng 1, 2016 Lào đã tổ chức một buổi lễ theo nghi thức Phật giáo để đánh dấu việc khởi động xây dựng dự án thủy điện Don Sahong. Phụ tá bộ trưởng năng lượng và khoáng sản ông Viraphonh Viravong đã tuyên bố rằng” “nhà thầu đã thực hiện dự án này theo đúng kế hoạch và được sự hậu thuẫn không những của dân cư địa phương mà còn bởi những người nước ngoài, những nhà khoa học và những chuyên viên về thủy lực.” Lời tuyên bố này không chính xác và việc nói sai sự thật tại một buổi lễ theo nghi thức Phật giáo là một hành động rất đáng tiếc từ một viên chức Phật giáo Lào.
Bốn nước hạ lưu sông Mekong đã không hợp tác tốt để đạt mục đích của hiệp định họ đã ký kết, thay vào đó các thành viên không những cố gắng tránh né thi hành hiệp định đứng đắn mà còn cố ý vi phạm đi ngược thông lệ quốc tế. Lào đã tiến hành xây đập Xayaburi vào tháng 3, 2012 và đập Don Sahong vào tháng 1, 2016. Lào có kế hoạch xây bốn đập khác nữa trên dòng chính hạ lưu sông Mekong bất chấp những tác động nghiêm trọng xuyên biên giới xuống Campuchia và Việt Nam. Nghiên cứu Đánh giá Tác động Môi trường năm 2010 của ICEM, Đánh giá các Kịch bản Phát triển toàn Lưu vực năm 2011 của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission – MRC) và Cách Tiếp Cận Phát Triển Tài Nguyên Nước năm 2011 của Đại học Portland đều kết luận rằng những dự án thủy điện tại hạ lưu Sông Mekong không khả thi về kinh tế và không bền vững về môi sinh.
Theo một báo cáo từ đại học Mae Fah Luang do OXFAM bảo trợ, với kịch bản của 11 con đập LMB, Lào và Thái sẽ được hưởng $14 tỉ lợi tức và Campuchia và Việt Nam phải gánh chịu $36 tỉ thiệt hại (250% lợi tức). Tác nhân xây đập, Lào sẽ được hưởng $2 tỉ lợi tức trong khi thiệt hại cho láng giềng gấp 14 lần số lợi tức đó. Lào có thể chia chác số lợi tức này cho 5 triệu dân Lào, nhưng đó vẫn là hành động thiếu lương tâm.
Lào là một quốc gia có truyền thống Phật giáo sao lại có thể can tâm gây thiệt hại nặng nề như thế trên kế sinh nhai của 30 triệu người Việt và Campuchia, gấp sáu lần dân số nước Lào.
Lào không thể hành động gây thiệt hại bất chấp những nước láng giềng như thế nếu không có sự yểm trợ về tài chính, kinh tế, kỹ thuật và chính trị từ Trung Quốc. Trung Quốc là nhà thầu cho dự án thủy điện Pak Beng, Pak Lay và Sanakham. Trung Quốc còn là nhà thầu về kỹ thuật và quản trị cho dự án Don Sahong. Xét rằng số tỉ lệ lợi bất cập hại, sự phân bố lợi tức và thiệt hại đầy phi lý, tác động xuyên biên giới nghiêm trọng, và hậu quả môi sinh không bền vững:
Quỹ Hệ Sinh thái Việt (Viet Ecology Foundation) mãnh liệt phản đối hành động đơn phương xây dựng các đập LMB của chính phủ Lào và sự vi phạm hiệp định Mekong 1995. Viet Ecology Foundation kêu gọi tất cả dân cư Campuchia và Việt Nam gây áp lực lên chính quyền chặn đứng những dự án thủy điện của Lào và tránh tai họa giáng xuống hạ lưu.
Quỹ Hệ Sinh thái Việt kêu gọi sự quan tâm của thế giới về việc Trung Quốc đang đứng sau những dự án thủy điện trên đất Lào. Chúng tôi mãnh liệt phản đối Trung Quốc đã xuất cảng việc phát triển hủy hoại môi sinh từ Vân Nam xuống hạ du và gây mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực.