Tình hình xâm nhập mặn năm 2015-2016 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Miền Trung, Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp khắc phục.[03/03/16]
01/03/2016 13:47
Tình hình xâm nhập mặn năm 2015-2016 vùng Đồng bằng sông Cửu Long,
hạn hán ở Miền Trung, Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp khắc phục
Từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tính riêng năm 2015, ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đã có gần 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình và các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
I. HIỆN TƯỢNG El NINO
Theo các quan sát mới nhất về nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương (một trong những yếu tố chính để đánh giá cường độ của El Nino), chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực này đang ở mức 2,3oC.
Dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục duy trì và có khả năng đạt giá trị cao nhất (khoảng 2,2-2,4oC) vào tháng 3/2016 và giảm dần về cường độ trung bình vào những tháng đầu mùa hè. Như vậy, ngoài cường độ mạnh, El Nino 2014-2016 là một trong những El Nino kéo dài nhất trong lịch sử.
Trong các năm El Nino mạnh, nền nhiệt độ trung bình ở hầu hết các khu vực của nước ta có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Trong những tháng mùa đông, hiện tượng rét đậm - rét hại thường ít hơn TBNN và không kéo dài. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN ở các khu vực của nước ta, đặc biệt là Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Lượng mưa ở Trung Bộ có thể thiếu hụt đến 30-60% ngay trong những tháng mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng thường diễn ra trên diện rộng trong mùa khô kế tiếp. Tuy nhiên, những kỷ lục về mưa lớn trong thời đoạn ngắn thường xuất hiện trong các năm El Nino mạnh.
Lượng dòng chảy các sông suối trong các năm El Nino mạnh và kéo dài thường thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%, một số nơi hụt tới 80%. Trên nhiều lưu vực sông, xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử.
II. TÌNH HÌNH NGUỒN NƯỚC, HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN
Do lượng mưa năm 2015 thấp, dung tích trữ của một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện bị thiếu hụt so với TBNN, một số diện tích cây trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 đã bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến vụ Hè Thu năm 2016.
1. Khu vực Bắc Trung Bộ
Lượng nước tưới phụ thuộc vào lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Hiện tại, lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi đạt trung bình khoảng 70-75% dung tích thiết kế (DTTK); các hồ chứa thủy điện có dung tích trữ tương tự cùng kỳ năm 2015.
Với lượng nước trữ hiện tại của các hồ chứa thủy lợi, có khả năng bảo đảm cung cấp nước cho vụ Đông Xuân. Trong thời gian mùa khô (từ cuối năm 2015 đến hết tháng 7/2016), nếu nắng nóng gay gắt, hạn hán có khả năng xảy ra, tập trung ở các khu tưới của các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp và lấy nước từ dòng chảy sông, suối tự nhiên và các vùng không có nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Các hồ chứa thủy điện cần có kế hoạch phát điện hợp lý, phù hợp với nhu cầu của sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh có nguy cơ xảy ra hạn hán là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị.
2. Khu vực Nam Trung Bộ
Mùa khô ở khu vực này đã bắt đầu từ cuối tháng 12/2015 và kéo dài đến hết tháng 8 năm 2016. Lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh chủ yếu từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Hiện tại, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi từ Đà Nẵng đến Phú Yên đạt từ 60-80% DTTK; các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạt 30-50% DTTK; dung tích trữ các hồ chứa thủy điện có dung tích trữ tương tự hoặc thấp hơn cùng kỳ năm 2015, một số hồ chứa có dung tích thấp là: Đại Ninh 71 triệu m3 (đạt 28% so với DTTK), Hàm Thuận 334 triệu m3 (đạt 64% DTTK), Sông Ba Hạ 37,59 triệu m3 (đạt 22% DTTK), Ka Nak 114,29 triệu m3 (đạt 40% DTTK).
Do lượng nước của các hồ chứa bị thiếu hụt, một số tỉnh đã bị ảnh hưởng của hạn hán ngay từ vụ Đông Xuân 2015-2016. Đến thời điểm này, đã có tổng cộng gần 23.000ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước (Khánh Hòa 1.800ha, Ninh Thuận 5.770ha, Bình Thuận 15.400ha), trong thời gian tới sẽ có khoảng 3.000 ha lúa và cây lâu năm ở tỉnh Bình Thuận bị thiếu nước.
Hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài đến vụ Hè Thu 2016, dự kiến ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ có khoảng 40.000ha đất lúa phải dừng sản xuất (Khánh Hòa 10.000ha, Ninh Thuận 10.000ha, Bình Thuận 20.000ha). Tình trạng hạn hán, thiếu nước cho cây trồng sẽ ảnh hưởng đến các địa phương khác trong khu vực. Ngoài ra, nước sinh hoạt cho người dân bị thiếu hụt, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên.
Nam Trung Bộ là khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng nặng của hạn hán (bắt đầu từ vụ Hè Thu năm 2014); năm 2016, hạn hán đã xảy ngay từ vụ Đông Xuân ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa (Bình Thuận đang là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất trong khu vực) và khả năng xảy ra gay gắt, trên diện rộng ở vụ Hè Thu.
3. Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
Khu vực này mùa khô sẽ tiếp tục đến hết tháng 4/2016. Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi đang có dung tích trữ thấp hơn thiết kế, đạt từ 50-60% DTTK, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Trong đó, đa số hồ chứa nhỏ sẽ không đủ cung cấp cho giai đoạn cuối vụ Đông Xuân (vụ Hè Thu và vụ Mùa trong thời gian mùa mưa). Các hồ chứa thủy điện hiện có lượng nước trữ thấp hơn DTTK; tuy nhiên, chủ yếu bổ sung nước cho khu vực Nam Trung Bộ (thuộc các lưu vực sông Ba-Bàn Thạch, Cái Phan Rang, La Ngà-Lũy). Hồ chứa thủy điện Buôn Tua Shra bổ sung nước cho một số vùng thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông có mức trữ hiện tại là 356 triệu m3 (đạt 69% DTTK), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, do đó cần có kế hoạch điều tiết phù hợp với nhu cầu dùng nước cho hạ du.
Ở khu vực này, khả năng hạn hán sẽ xảy ra ở những vùng hồ chứa nhỏ phụ trách và vùng ngoài công trình thủy lợi phục vụ tưới (có diện tích tương đối lớn). Chỉ tính riêng các tỉnh Tây Nguyên, diện tích được tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi chỉ được 30% diện tích canh tác (cây trồng cạn được 21-25%, tùy theo địa phương và điều kiện nguồn nước của từng năm). Đến thời điểm này, ở vụ Đông Xuân năm 2015-2016, tổng diện tích phải dừng sản xuất là 2.865 ha (Gia Lai 2.650 ha, Đắk Nông 215 ha). Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước khoảng 180.000 ha (Đắk Lắk 70.000 ha, Lâm Đồng 45.000 ha, Bình Phước 36.000 ha, Đắk Nông 22.000 ha, Kon Tum 5.000 ha,...v.v.); trong đó, riêng cây cà phê bị hạn khoảng 100.000 ha. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt khả năng xảy ra ở một số địa phương, nặng nhất là Đắk Lắk (khoảng 25.000 hộ bị ảnh hưởng).
Hạn hán ở khu vực Tây Nguyên
Tình trạng hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ phụ thuộc vào lượng mưa trong mùa khô, thời điểm hạn hán gay gắt, trên diện rộng diễn ra vào tháng 4/2016.
4. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm gần 2 tháng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tình trạng xâm nhập mặn hiện nay như sau:
- Khu vực sông Vàm Cỏ: Độ mặn lớn nhất đạt 8,1÷20,3 g/l, cao hơn TBNN từ 5,9÷6,2 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l (mức bắt đầu ảnh hưởng đến cây lúa) lớn nhất 90÷93 km, sâu hơn TBNN 10÷15 km.
- Khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền: Độ mặn lớn nhất đạt 14,6÷31,2 g/l, cao hơn TBNN từ 3,2÷12,4 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất 45÷ 65 km, sâu hơn TBNN 20÷25 km.
- Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu: Độ mặn lớn nhất đạt 16,5÷20,5 g/l, cao hơn TBNN từ 5,9÷9,3 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất 55÷60 km, sâu hơn TBNN 15÷20 km.
- Khu vực ven biển Tây (trên sông Cái Lớn): Độ mặn lớn nhất đạt 11,0÷ 23,8 g/l, cao hơn TBNN từ 5,1÷ 8,4 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất 60÷65 km, sâu hơn TBNN 5÷10 km.
Trong thời gian tới, mặn tiếp tục xâm nhập, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, khả năng kéo dài đến đầu mùa mưa (khoảng cuối tháng 5/2016). Cụ thể, như sau:
- Các vùng cách biển đến 45 km: Nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và nước sinh hoạt.
- Các vùng cách biển từ 45÷65 km: Có khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập. Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu. Tuy nhiên, vào thời kỳ triều kém và chân triều có khả năng xuất hiện nước ngọt.
- Các vùng cách biển xa hơn 70÷75 km: Tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần lưu ý trong các đợt triều cường, và vẫn là vùng xâm nhập của nước mặn nồng độ dưới 4g/l, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng. Ở vụ Mùa và Thu Đông năm 2015, có khoảng 90.000 ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất, trong đó thiệt hại nặng khoảng 50.000 ha (Kiên Giang 34.000 ha, Sóc Trăng 6.300 ha, Bạc Liêu 5.800 ha,..). Vụ Đông Xuân 2015-2016, có 104.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất (chiếm 11% diện tích gieo trồng 8 tỉnh ven biển - đang bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn). Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 340.000 ha (chiếm 35,5% diện tích 8 tỉnh ven biển).
Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nhất của hạn hán, xâm nhập mặn và còn tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới, thời điểm xâm nhập lên cao nhất là khoảng giữa tháng 3/2016.
III. GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN
1.