Hạn mặn khốc liệt và các giải pháp.[07/03/15]

07/03/2016 08:42

10

HẠN MẶN KHỐC LIỆT

VÀ CÁC GIẢI PHÁP

 

Tô Văn Trường

 

Có nhiều nguyên nhân sâu xa gây ra hạn hán, kiệt, xâm nhập mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2016.  Nhìn lại năm 2015 do mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%.

Mực nước Biển Hồ ở Campuchia rất thấp, trung bình khoảng 1,96m  so với chuỗi số liệu trung bình nhiều năm thời kỳ 1980-2013 và thấp hơn cùng kỳ năm 2014-2015 trung bình gần 1,1 m gây nên hiện tượng nước chảy ngược vào Biển hồ nên lượng nước về ĐBSCL càng ít.

Mặn có nguồn gốc từ biển truyền vào nội đồng bằng con đường sông kênh theo dạng hình nêm tiến sâu dần vào nội đồng theo từng con triều và nó cũng rút lui hoàn toàn ra biển theo từng con triều. ĐBSCL theo chế độ  bán nhật triều, khi triều lên đẩy nêm nước ngọt từ thượng nguồn chảy về dềnh lên và tạo ra nêm ngọt (còn gọi là lăng trụ triều ngọt) từ sông chính theo kênh rạch truyền sâu vào nội đồng, triều rút thì các nêm ngọt  này cũng theo kênh rạch rút theo chảy trở lại sông chính rồi xuôi dòng ra biển.

Hạn kiệt ở ĐBSCL do hiện tượng Elnino gây ra là chính. Cách  đây vài chục năm hiện tượng Elnino và Lanina còn là bí ẩn. Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng chính sự tương tác trong quá trình vận động của các đại hoàn lưu khí quyển và các dòng đại hải lưu trong lòng các đại dương đã tạo ra cơ chế tải nhiệt đến và lấy nhiệt đi của nước biển trong khu vực quanh xích đạo biển Thái Bình Dương  tạo ra hiện tượng Elnino và Lanina. Elnino thường gây ra hạn hán và ít mưa bão và ngược lại Lanina thường gây ra bão lũ cho khu vực Đông Nam Châu Á . Nôm na mà nói cường độ mạnh yếu của chúng được đo đếm qua trị số tăng hoặc giảm của nhiệt độ nước trong khu vực quanh xích đạo biển Thái Bình Dương.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & PTNT ở ĐBSCL xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện ở mức độ cao hơn  trung bình nhiều năm  từ 5-15g/lít, vào sâu trong đất liền từ 50- 90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10-20 km. Dự báo, trong thời gian tới, mặn tiếp tục xâm nhập, ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh, khả năng kéo dài đến đầu mùa mưa (khoảng cuối tháng 5/2016). Ở vụ Mùa và Thu Đông năm 2015, có khoảng 90.000 ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất, trong đó thiệt hại nặng khoảng 50.000 ha. Vụ Đông Xuân 2015-2016, có 104.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất. Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 340.000 ha.

Để ứng phó với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Tổ chức dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn, phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin liên quan để các cơ quan và nhân dân biết và chủ động phòng, tránh hạn hán, xâm nhập mặn.  Xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản và các khu công nghiệp.  Điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.

Theo quan điểm của người viết bài này, Elnino và Lanina đã xuất hiện trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng có từ rất lâu đời, và thường có chu kỳ dài ngắn khác nhau, nhưng là có quy luật khá rõ ràng. Vấn đề cần làm rõ ở chỗ  không phải đòi hỏi chính xác nó xẩy ra lúc nào? mà là các nhà quản lý phải biết đưa các trị số tác động của hai hiện tượng thời tiết này vào quy hoạch ở tần suất bảo đảm để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân.

Chống mặn ở ĐBSCL nên tập trung hình thành hệ thống công trình điều khiển mặn, điều khiển tích ngọt trên các trục kênh chính cấp I, sau đó tùy tình hình diễn biến khí hậu, sản xuất, mặn, ngọt mà suy tính đến các công trình điều khiển mặn-tích ngọt ở các cửa sông chính.

Trước mắt, các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh rạch nội đồng bằng các biện pháp đập tạm, bơm. Đồng thời, ở các vùng mặn nặng như khu vực bán đảo Cà Mâu nên nghĩ đến chuyển đổi các mô hình sản xuất khác, sử dụng  các cây trồng vật nuôi thích ứng với đất và nước nhiễm mặn nặng.

ĐBSCL vựa lúa an ninh lương thực, sản lượng thủy sản và trái cây lớn nhất cả nước lại đang chịu tác động ảnh hưởng kép từ các hồ chứa thủy điện thượng lưu và biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Đấy là chưa kể ảnh hưởng tích nước hồ chứa ở phía Trung Quốc và kế hoạch rẽ nước sông Mekong tưới cho vùng Đông Bắc của Thái Lan càng làm cho tình trạng khô hạn ĐBSCL nguy kịch hơn.

Giải pháp ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL phải là tổng thể kể cả đấu tranh ngoại giao trên cơ sở pháp lý của Hiệp định Mekong MRC 1995, nguyên tắc quản lý tổng hợp lưu vực sông quốc tế, đồng thời phía ta phải chủ động có các giải pháp công trình và phi công trình đáp ứng yêu cầu cuộc sống của người dân.