‘Ngọt hóa’ Đồng bằng sông Cửu Long đâu chỉ cho cây lúa![19/03/16]

17/03/2016 15:36

13

‘Ngọt hóa’

Đồng bằng sông Cửu Long

đâu chỉ cho cây lúa!

 

Những năm sau giải phóng, do phải đảm bảo an ninh lương thực nên việc phát triển thủy lợi nhằm thau chua, rửa mặn, ngăn mặn giữ ngọt để trồng lúa là phù hợp. Chính GS Võ Tòng Xuân cũng là một trong những người đi đầu trong việc phát triển cây lúa ở ĐBSCL thời gian đó. Nhận thức là cả quá trình, ngành thủy lợi là phục vụ cho quy hoạch sản xuất, lúc đầu chỉ biết ngăn mặn (làm đập) trồng lúa. Sau đó, khi thấy vùng ven biển có điều kiện nuôi tôm sú nên đã coi mặn cũng là tài nguyên nên đã đổi tư duy ngăn mặn (làm đập) sang kiểm soát mặn (cống 2 chiều).

Tuy nhiên, khi an ninh lương thực đã đảm bảo, việc thay đổi cơ cấu cây trồng để làm tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đã làm thay đổi quan điểm phát triển thủy lợi. Ở những vùng có điều kiện phát triển thủy sản chúng ta đã tiến hành phân gianh mặn ngọt và đưa ra những giải pháp điều tiết nguồn nước cho phù hợp với từng loại cây con. Như vậy, phát triển thủy lợi đâu phải bằng mọi giá chỉ để phát triển cây lúa.

Ai cũng biết rằng việc nuôi tôm hoặc các loại thủy sản khác có giá trị gấp nhiều lần cây lúa. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng nuôi thủy sản được vì cần vốn lớn, gặp năm thời tiết bất thường hay do môi trường nước ô nhiễm, rủi ro lớn dễ phá sản, chưa kể sản phẩm không có đầu ra thì thủy sản cũng biến thành thủy hại. Cá tra một mình một sân chơi nhưng giá bán hiện nay còn thấp hơn giá thành sản phẩm?

Năm nay là năm xảy ra hạn nặng lịch sử, việc thiếu nước đâu chỉ ở Việt nam mà ngay cả các nước thượng nguồn như Thái Lan, Lào, Campuchia  cũng chung số phận. Việc lúa chết nhiều, dân thiếu nước sinh hoạt do thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập sâu mà báo đài đưa tin nhiều cũng là bình thường vì nó là vấn đề thời sự nóng cũng như khi tôm chết nhiều hay những thành công trong việc làm giàu từ thủy sản họ cũng đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng đấy thôi.

Nhìn chung, ý kiến của Gs Võ Tòng Xuân rất đáng suy ngẫm nhưng nhiều chỗ không chuản xác. Ví dụ, đừng quên rằng ngay cả vùng mặn nuôi tôm sú cũng cần phải có nước ngọt vì thời ký đầu con tôm cần độ mặn khoảng 20 phần nghìn, đến giữa thời kỳ sinh trưởng, tôm  chỉ cần độ mặn 10 phần nghìn, do đó phải có nước ngọt pha loãng với nước mặn. Thực tế đang diễn ra ở ĐBSCL nhiều nơi như hàu ở Bình Đại Bến tre, tôm sú ở Sóc Trăng đang chết hàng loạt vì hạn, mặn quá nồng độ cho phép, do không có nước ngọt để pha loãng.  Đấy là chưa nói dù ở bất cứ vùng nào cũng cần phải có nước ngọt cho dân sinh cho nên không thể nói ngọt hóa chỉ cho cây lúa như Gs Xuân bình luận. 

Tôi đồng ý với Gs Xuân là phải chuyển đổi cơ cấu thời vụ cây trồng thích nghi với điều kiện tự nhiên của tùng vùng. Nước mặn cũng là tài nguyên, việc trồng lúa cũng nên giơí hạn ở những vùng có điều kiện thuận lơi về nguồn nước và vẫn phải có giải pháp thủy lợi để đảm bảo nước khi có những biến động bất thường.  Xin lưu ý, ở những vùng khác nên chuyển đổi phát triển cây, con phù hợp và phải có quy hoạch, tránh phát triển tràn lan theo phong trào, nhất là yêu cầu mặn ngọt theo kiểu sản xuất “da báo, xôi đỗ” thì không có công trình nào thích ứng nổi.

Tôi không đồng ý với giáo sư Xuân là chỉ vì hiện tượng mà qui kết lỗi cho ngành nào đó vì việc phát triển từng ngành đều trải qua từng thời kỳ, nên việc thay đổi cho phù hợp cũng đòi hỏi như vậy. Vì vậy, dự án rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ đáp ứng phần nào nỗi bức súc của giáo sư Xuân.

Tôi thấy cần nhất đối với  VN lúc này là vấn đề thể chế, chính sách và con người phải có tầm nhìn, biết làm gì, làm như thế nào, khi nào cho thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và tác động của các thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.

Tô Văn Trường