Sáng kiến hay tối kiến?[21/03/16]

18/03/2016 16:57

10

 

Sáng kiến hay tối kiến?

 

 

Nhiều người, kể cả giới quản lý, nông dân và nhà báo hồ hởi trước thông tin Việt Nam  gửi công hàm đề xuất, phía Trung Quốc hứa sẽ xả nước từ thủy điện để cứu nguy hạn kiệt cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Về ảnh hưởng của thủy điện Trung Quốc đối với Việt Nam, nên xét về hai mặt điều kiện tự nhiên và tác động của phát triển.

Về tự nhiên có ảnh hưởng đến Việt Nam , mặc dù lượng nước đóng góp của Trung Quốc và Myanmar vào sông Mekong chỉ chiếm khoảng 18%. Nguồn nước mưa ở hạ lưu vực mới là chủ yếu. Biến đổi khí hậu ở miền núi và châu thổ làm cho quy luật khác đi và khác theo hướng cực đoan, cộng thêm sự "mù tịt" về thông tin quy trình vận hành các hồ chứa ở thượng nguồn Trung Quốc càng làm cho các nước ở hạ lưu lúng túng, bị động trong đối phó với thiên tai. 

Về tác động của phát triển: Thủy điện vận hành nói chung có quy luật của nó. Phát điện mới có tiền, muốn phát điện phải xả nước, lợi dụng cột nước biến thế năng thành động năng. Thủy điện Trung Quốc  vận hành điều tiết trong mùa khô (tháng nhiều, tháng ít) ảnh hưởng đến việc  sử dụng nước ở hạ lưu. Điều tiết ngày đêm trong mùa khô (ban ngày + ban tối là cao điểm thì xả nhiều, ban đêm + mờ sáng là thấp điểm thì không xả)  gây tác động dữ dội đến mực nước sông ở hạ du đập.  Điều tiết ngày đêm chỉ tác động đến mực nước sông, chứ lưu lượng xả bình quân ngày là không đổi. Trong mùa lũ, thì thủy điện tích nước, có tác dộng đến quy mô lũ, tần suất mùa nước nổi ở ĐBSCL (như tôi phân tích trong nhiều bài báo đã đăng tải).

Lâu nay, Trung Quốc chỉ cung cấp mực nước lũ ở trạm thủy văn hạ lưu đập thủy điện Jinhong (nếu tôi nhớ không nhầm thì vào 7 giờ sáng và 7 giờ tối từ 15/6-31/10). Họ cố tình lờ tịt cái chúng ta cần nhất là các thông tin về mùa kiệt (mực nước, lưu lượng xả, thời gian xả) vv...Hay nói cách khác chúng ta cần quy trình vận hành cả năm của các đập thủy điện TQ.

Thập niên 60 với sự giúp đỡ của Ấn độ phía Campuchia có ý tưởng xây đập dâng ở Tongle Sap vào Biển Hồ. Nhiều nhà khoa học phản đối vì tác động xấu đến việc điều tiết tự nhiên của Biển hồ cả năm (mùa lũ đến 80 tỷ m3) từ sông Mekong chảy vào Biển Hồ, tác động xấu đến thủy sản và điều tiết nước cho ĐBSCL. Thỉnh thoảng lại nghe thấy một vài người nhắc đến công trình đáng sợ này? 

Có thông tin Trung Quốc viện trợ  cho Campuchia 800 triệu đô la để xây đập (Lower Sesan 2) ngay dưới Srepok tương lai nguy hại cho VN như thế nào còn là câu hỏi bỏ ngỏ?

Mặc dù nói ra sẽ đụng chạm đến nhiều người, theo tôi hiểu Việt Nam gửi công hàm đề nghị TQ xả nước thủy điện (Ủy hội sông Mekong (MRC) không có ý kiến) chẳng khác gì mua lấy nợ vào thân, mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu vì dọc đường hơn 4000 km các nước Thái Lan, Lào, Campuchia sẽ sử dụng trước vv...Nước về đến Việt Nam  coi như "gãi ghẻ'!  

Đằng nào thì Trung Quốc  cũng phải xả nước (tháng 1/2016 họ chủ động xả) trong 10 ngày theo quy trình của họ. Nay thì họ có cớ tuyên bố xả nước theo yêu cầu của Việt Nam , vô hình dung  ta phải chịu ơn họ. Lời kiến nghị của VN là tối kiến, không phải sáng kiến. Điều chúng ta cần yêu cầu là Trung Quốc  thông báo quy trình vận hành thủy điện cả năm (lũ và kiệt) chứ không phải là giải pháp tình thế như vừa qua. 

Tô Văn Trường

 

BBT. Xin lưu ý thêm rằng để duy trì giao thông thủy trên đoạn  sông Mekong từ sau đập Jinhong (Cảnh Hồng) đến Lào & Thái Lan mà mấy năm trước Trung Quốc đã phá ghềnh đá tạo luồng thì đập này phải hoạt động và xả nước về hạ du. Như vậy việc xả lũ từ các đập thủy điện Trung Quốc không chỉ để ‘cứu nạn’ cho hạ du. Và cũng không nên quên câu ca dao ‘..Mấy đời bánh đúc có xương..’