Kết quả thực hiện Chương trình KC08/11-15 (Bộ Khoa học Công nghệ).[08/04/16]

05/04/2016 15:21

21

KẾT QUẢ THỰC HIỆN

CHƯƠNG TRÌNH KC08/11-15

(Bộ Khoa học Công nghệ)

 

Tô Văn Trường

 

Có thể nói 3 lĩnh vực khai thác hợp lý tài nguyên, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề từ xưa đến nay được nhân loại rất quan tâm, tác động mạnh mẽ và gắn liền với sự phát triển từ quy mô vĩ mô đến vi mô của nhu cầu phát triển bền vững kinh tế xã hội. Vấn đề này, càng trở nên nóng bỏng khi mà những hoạt động thiếu kiểm soát của con người đang làm gia tăng đến mức báo động sự suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước KC0/11-15 đã tổng kết đánh giá về mục tiêu, nội dung, kết quả thực hiện rất đáng khích lệ trong suốt 5 năm qua liên quan đến 3 lĩnh vực nói trên.

Khung chương trình giai đoạn tới, cũng đã chỉ ra các mục tiêu, xác định nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu và chỉ tiêu đánh giá rất cụ thể. Trong phạm vi bản tham luận này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm một vài điểm cần suy ngẫm như sau:

-Năm 2016 nếu tính cả nợ gốc và đảo nợ, ngân sách nhà nước phải lo trả nợ 245 ngàn tỷ đồng tương đương hơn 20% tổng thu ngân sách. Nguồn vốn dành cho nghiên cứu khoa học cũng phải “thắt lưng buộc bụng”, do đó trách nhiệm của những nhà quản lý và người làm công tác nghiên cứu khoa học là làm sao sử dụng nguồn kinh phí thực sự hiệu quả vì tất cả cũng là tiền thuế của dân.

- Bộ phận chức năng cần xây dựng phần mềm “TREE” (kiểu rễ cây) quản lý từ gốc đến ngọn ngành các thông tin dữ liệu của các ngành và địa phương đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để những người quan tâm dễ tham khảo, kế thừa, sáng tạo, tránh nghiên cứu trùng lặp, lãng phí.

- Trong nghiên cứu khoa học luôn đảm bảo tính kế thừa, tính mới, tính sáng tạo và ứng dụng trong thực tế. Chỉ tiêu khuyến khích, ưu tiên đưa 20% dự án sản xuất thử nghiệm vào nội dung chương trình 2016-2020 là rất đúng vì huy động được cả nguồn lực của doanh nghiệp KHCN, và có địa chỉ ứng dụng, thương mại hóa trên thị trường.

- Trong nhiệm kỳ tiếp theo cần nâng cao chất lượng của các Hội đồng khoa học từ xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, theo dõi quá trình triển khai đến nghiệm thu, vv… để đánh giá được những nội dung có tính khai phá của mỗi đề tài. Tránh việc chọn những thành viên chỉ do mối quen biết xã hội, thiếu chuyên sâu và bản lĩnh để đóng góp các ý kiến thiết thực (cả mặt được để khuyến khích và khiếm khuyết để có giải pháp khắc phục) cho các đề tài. Điểm khác so với các dự án ở các ngành, kinh phí cho đề tài nghiên cứu và triển khai (R&D) rất hạn chế nên mỗi đề tài cần đặt ra và đạt được một số nội dung có tính chìa khóa cho giải quyết một vấn đề khoa học và thực tiễn có khả năng chuyển giao áp dụng chính là mục tiêu và giá trị cần hướng tới.

- Xưa nay, ngành nông nghiệp thường đưa trước quy hoạch sản xuất lúa, rồi yêu cầu ngành thủy lợi đáp ứng yêu cầu sử dụng nước bằng các giải pháp công trình, khi hậu quả xảy ra mất cân bằng do ô nhiễm nguồn nước ở những thời điểm cực đoan thời tiết lại đổ lỗi cho thủy lợi ! Thực tế nước ta đã được xếp vào các quốc gia thiếu nước, nguồn nước ngoại lai chiếm đến khoảng 70% lượng dòng chảy. Do đó, cần thay đổi tư duy là làm bài toán ngược từ cân bằng nguồn nước, xác định dòng chảy tối thiểu (liên quan đến môi trường sinh thái) để phản hồi với ngành nông nghiệp (sử dụng  nước lớn nhất) điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất.

- Tôi suy nghĩ nhiều về ngành trồng lúa và vai trò ý nghĩa của công tác nghiên cứu khoa học (vì trồng lúa sử dụng tài nguyên nước nhiều nhất, rủi ro lớn) và cũng gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Nghề trồng lúa đang và sẽ trong bối cảnh chịu áp lực lớn (i) Lúa nước thải khí hậu nhà kính rất nhiều, nên phải giảm; (ii) Sản xuất nhỏ không có lãi, không thể làm giầu bằng lúa; và (iii) Thiếu và không chủ động nước ngọt, kiểm soát xâm nhập mặn.

Vậy cần phải:

Qui hoạch lại vùng trồng lúa. Trước hết phân ra các loại hình: (i) Thuận lợi nhất (về đất, nước, hạ tầng sẵn có, ít nguy cơ mặn; có khả năng sản xuất qui mô lớn,…); (ii) Ít thuận lợi hơn; và (iii) Không thuận lợi.

Giảm theo lộ trình: Trước hết, giảm vụ và/hoặc chuyển đổi nhanh loại (iii) Không thuận lợi sang cây trồng ít cần nước (hoa mầu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Thứ đến giảm loại hình (ii). Sao cho sau 1 giai đoạn nhất định thì chỉ giữ lại khoảng 2,5 triệu ha đất lúa toàn quốc, trong đó ĐBSCL khoảng 1,5 triệu ha (?). Sản lượng thóc giảm đi trong phạm vi lượng thóc làm gạo xuất khẩu; còn thóc dự trữ quốc gia vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực chắc chắn.

Việc rà soát này phải làm đồng thời quy hoạch nông nghiệp với quy hoạch  thủy lợi. Thậm chí công tác nghiên cứu khoa học phải đi trước vì sản phẩm kết quả của nghiên cứu khoa học là cơ sở đầu vào cho công tác quy hoạch.

Theo tôi biết, Liên Hiệp Quốc (mà đại diện là UNEP + IRRI) đã soạn thảo Chương trình và tổ chức Diễn đàn Lúa Gạo Bền vững (SRP). Cơ cấu có Assembly + Secretary; có các bộ Tiêu chuẩn; Bộ Chỉ số Thực hiện & Giám sát. Đã có 31 thành viên tham gia, bao gồm đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân, NGO (cả các nước sản xuất & các nước Tiêu thụ). Chiến lược SRP rất toàn diện, mang tính toàn cầu. Việt Nam có 2 thành viên bình đẳng (Bộ Nông nghiệp + Lộc Trời).

Đây là hướng đi tốt, bền vững mà VN cần quyết tâm thực hiện trong các vùng được qui hoạch là “Vùng Lúa”. Đề tài nghiên cứu khoa học cần hướng vào đây để giải quyết những vấn đề mới đặt ra cho đất nước.

- Lĩnh vực môi trường, các đề tài nghiên cứu xưa nay nặng về giải quyết các hậu quả, chưa quan tâm đến kiến nghị chính sách và giải pháp phòng ngừa, xử lý đầu vào, các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

- Các đề tài về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nếu được triển khai ở các Chương trình khác cần hướng đến giải quyết các nhiệm vụ trong Chương trình, chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt và cam kết quốc tế về bảo đảm cung cấp nguyên liệu khoáng sản cho phát triển kinh tế, tránh khai thác xuất khẩu nguyên liệu thô, tích cực phát triển nguồn năng lượng tái tạo vv…

 - Trong quá trình thực hiện Chương trình KC08/16-20 cần chủ động khuyến khích các thành viên tích cực hơn nữa  tham gia phản biện xã hội kịp thời về các vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự liên quan đến lĩnh vực chúng ta đang làm để quảng bá cho thương hiệu của chương trình và cũng là hành động thiết thực đóng góp vào triển khai, hoạch định chủ trương, chính sách phát triển đất nước.  

Sự thành công của chương trình KC08/11-15 nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các cơ quan tham mưu giúp việc của Bộ, Văn phòng các chương trình, các cơ quan chủ trì  và sự nỗ lực của các chủ nhiệm 34 đề tài, 2 dự án sản xuất thử nghiệm và 5 đề tài tiềm năng.