Hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long & giải pháp khắc phục.[10/05/16]
09/05/2016 14:56
Hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long & giải pháp khắc phục
Gần dây, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gây ra khó khăn và thiệt hại nặng cho sản xuất và đời sống của nhân dân ở nhiều nơi, nhất là , Tây Nguyên & Nam Trung Bộ. Phóng viên các báo (báo giấy, báo mạng,..), các đài phát thanh, truyền hình,.. đã đặt ra nhiều câu hỏi với GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam, về vấn đề này. Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời, cũng là nội dung ý kiến đã phát biểu tại buổi tọa đàm do Ban Tuyên giáo Trung ương & Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 17/3/2016 (mời xem tin trên trang /Web/Content.aspx?distid=4086 của www.vncold.vn) .
Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên & Nam Trung Bộ?
Trả lời: Hạn hán và xâm nhập mặn là hiện tượng tự nhiên xảy ra hàng năm ở nước ta. Tùy điều kiện cụ thể của từng vùng mà thiên tai có mức độ, phạm vi, thời gian, diễn biến... khác nhau. Năm nay, ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên & Nam Trung Bộ, hạn hán gay gắt khi mưa rất ít và hết sớm. Nhiều vùng trong lưu vực sông Mekong ở các quốc gia khác cũng bị hạn nặng nên không có nước về hạ du làm cho mặn thâm nhập trên diện rất rộng ở đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia khí tượng cho rằng hiện tượng El Nino đang tác động mạnh trên phạm vi toàn cầu.
Hỏi: Ở đồng bằng sông Cửu Long còn có thể có các nguyên nhân khác như các công trình xây dựng trên thượng lưu, nguyên nhân chủ quan,..?
Trả lời: Các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc về phía Nam hầu như đã hoàn thành. Đập Jinghong (Cảnh Hồng) ở vị trí cuối cùng trên sông Mekong trước khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc đã vận hành từ năm 2008. Các đập này ở xa và phần lưu vực Mekong của Trung Quốc chỉ 16% diện tích toàn lưu vực (tỷ lệ này cao hơn về mùa khô do băng tuyết tan), ảnh hưởng đến nước ta không nhiều. Các đập thủy điện ở Thái Lan, Lào, Campuchia thì hiện mới chỉ có đập Xayaburi ở Thượng Lào đang thi công, đập Don Sahong ở Hạ Lào giáp Campuchia đang chuẩn bị khởi công. Tuy nhiên, nước sông Mekong về hạ lưu càng ít thêm vì nhiều vùng ven sông ở các quốc gia trên đang cố tận dụng bơm vét để chống đỡ hạn nặng.
Về nguyên nhân chủ quan, hạn hán và xâm nhập mặn đã được cảnh báo từ lâu, song vì những lý do nào đó mà chưa có sự chuẩn bị đối phó chủ động và hiệu quả hơn.
Hỏi: Theo ông thì cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Trả lời: Ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán & xâm nhập mặn liên quan với nhau. Hạn hán xảy ra khi không có mưa, nước trên mặt đất, trong đó có dòng chảy nước ngọt trên sông, khô kiệt và nước ngầm suy giảm. Đồng bằng sông Cửu Long có mặt đất tương đối thấp và bằng phẳng nên lúc này nước mặn xâm nhập trên diện rất rộng.
Để có đủ nguồn nước ngọt cho dân sinh và các hoạt động sản xuất cần nước ngọt thì phải trữ được nước ngọt. Nước ngọt không chỉ cần cho cây lúa mà nó còn cần cho cuộc sống của người dân, cho cây ăn trái, cho chăn nuôi (nuôi tôm cũng cần nước ngọt để điều chỉnh nồng độ mặn trong quá trình sinh trưởng của tôm), cho môi trường & mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Để chủ động đối phó với hạn & mặn với những diễn biến ngày càng phức tạp từ trên thượng nguồn và biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở hạ du. Các biện pháp phi công trình như chuyển đổi mục đich & nội dung sản xuất nông nghiệp, bố trí dân cư thích hợp,…là hết sức quan trọng. Ở đây tôi chỉ nêu một số ý kiến về các biện pháp công trình.
Có thể từ nước ngầm, từ tái chế nước thải và tận dụng những chỗ chứa nước ngọt trên mặt đất trong phạm vi nhỏ, trong gia đình (ao, bể,…). Nước ngầm dùng cho sinh hoạt nơi ít dân cư thì chỉ cần lượng nước nhỏ nhưng nếu dùng cho sản xuất như nông nghiệp, thủy sản,… thì lượng nước cần rất lớn. Cho đến nay, nguồn nước ngầm chưa được khảo sát, đánh giá đầy đủ mà nhiều nơi đã khai thác tùy tiện dẫn đến hậu quả tai hại. Các chuyên gia trong và ngoài nước đã cảnh báo mặt đất bán đảo Cà Mau bị sụt lún do khai thác bừa bãi nước ngầm để nuôi tôm. Ở một số quốc gia, khi nước ngầm sụt giảm, người ta còn phải bơm nước ngọt xuống để cải thiện tình hình.
Đã có một số phương án được đề xuất để trữ nước ngọt trên mặt đất: (i) trữ trong các sông, các kênh rạch; (ii) đào hồ trong đồng bằng; (iii) làm đập trong vịnh. Phương án (i) tận dụng các sông, kênh, rạch có sẵn nhưng cần làm nhiều cống ngăn mặn vùng ven biển và việc phân ranh mặn ngọt là cố định. Phương án (ii) có hiệu quả rất hạn chế do địa hình rất bằng phẳng, lượng nước trữ được rất nhỏ mà tốn nhiều diện tích. Phương án (iii) có thể thực hiện ở vịnh Rạch Giá, nơi có các điều kiện thuận lợi để tạo hồ nước ngọt lớn tới gần 3 tỷ m3.
Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về việc xả nước từ các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong?
Trả lời: Các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc (phần phía Nam) coi như đã xong với một số đập & hồ chứa rất lớn. Trong thời gian 15/3 – 10/4, Trung Quốc thông báo xả khoảng hơn 2000m3/s. Thoạt nghe thì cũng có thể coi đây là một cử chỉ có tính ‘hợp tác’. Tuy nhiên, cần hiểu ‘xả’ nghĩa là cho tuabin thủy điện chạy với công suất và lưu lượng nhất định, nước qua đó chảy xuống hạ du. Lượng nước này còn nhằm duy trì tuyến giao thông thủy theo sông Mekong từ Vân Nam xuống Savanakhet (Lào) mà hơn mười năm trước, Trung Quốc đã phá ghềnh thác để thông tuyến. Như vậy lượng nước 2000m3/s không hẳn vì giúp chống hạn & mặn ở hạ du mà còn có các mục đích khác. Thực ra, đấy chỉ là một lượng nước nhỏ, giả sử như không bị tổn thất gì mà toàn bộ chảy vào đồng bằng sông Cửu Long thì nó cũng chỉ bằng lưu lượng năm ít nước về mùa khô tại đây nên không thể đẩy được mặn, huống hồ những vùng ven sông ở phía trên, như Thái Lan, cũng đang bị hạn rất nặng và chắc chắn là người ta phải tranh thủ lấy nước với mức tối đa. Vì vậy, chúng ta không thể trông đợi gì ở các quốc gia khác mà cần khẩn trương có các biện pháp đối phó ngắn hạn cũng như lâu dài một cách chủ động.
PV.