Về những dự án liên quan đến sông Hồng.[13/05/16]

12/05/2016 13:50

12

Về những dự án

liên quan đến sông Hồng

 

Gần đây, nhiều ý kiến về 2 dự án liên quan đến sông Hồng đã được nêu trên công luận. Phóng viên các báo (báo giấy, báo mạng,..), các đài phát thanh, truyền hình,.. đã đặt ra nhiều câu hỏi với GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam, về việc đánh giá các dự án đó, liệu có sự chồng chéo hay lẫn lộn gì chăng? Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời.

Hỏi: Xin cho biết sự khác nhau giữa dự án ‘Thủy lộ xuyên Á’ và dự án ‘Khắc phục tình trạng suy kiệt ở hạ du sông Hồng vào mùa khô’ khi cùng có chuyện xây dựng đập trên sông Hồng?

Trả lời:  Hoàn toàn khác nhau.

Theo tin được đăng trên các báo, dự án ‘Thủy lộ xuyên Á’ sẽ xây dựng 6 đập trên sông Hồng tạo tuyến giao thông thủy thuận lợi từ Lào Cai tới Việt Trì, nạo vét sông Hồng ở hạ du, nối tỉnh  Vân Nam (Trung Quốc) với đồng bằng sông Hồng và cảng Hải Phòng. Làm 6 nhà máy thủy điện tại các đập với tổng công suất 228MW. Các công trình được thực hiện theo thể thức BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành). Dự án đã được nộp tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lấy ý kiến các bộ hữu quan và các địa phương, và đã được nhanh chóng trình Chính phủ. Tuy nhiên có rất nhiều ý kiến phản đối của công  luận, trong đó có các chuyên gia. Chính phủ đã thông báo chưa xem xét.

Đề xuất ‘Khắc phục tình trạng suy kiệt ở hạ du sông Hồng vào mùa khô’ chưa hình thành  dự án, mới chỉ là một số khảo sát, tính toán sơ bộ và kiến nghị của một số chuyên gia nhằm giải quyết những khó khăn do lòng sông bị xói sâu nghiêm trọng tại nhiều vị trí ở hạ du sông Hồng. Không thể lấy nước tưới, thuyền bè không di chuyển được, sông bị cạn kiệt làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng và cảnh quan đô thị quá xấu xí, nhất là đoạn sông qua nội đô Hà Nội. Trong mấy tháng mùa khô, hạ du sông Hồng như là con sông ‘chết’. Theo đề xuất, có thể làm mấy đập tạm và thấp ở lòng sông đủ để lấy nước vào các cống đầu mối hệ thống thủy lợi hiện có như Sông Đáy, Sông Nhuệ, Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải,…Chính phủ , Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Khoa học Công nghệ đang cho tiến hành các nghiên cứu cần thiết.

Hỏi: Ông có ý kiến thế nào về dự án ‘Thủy lộ xuyên Á’?

Trả lời: Tôi chưa được xem bản đồ án thiết kế mà chỉ nhận được thông tin trên báo chí nên chỉ có thể nêu vài ý kiến sơ bộ. Làm công trình để giao thông thủy và phát điện là chuyện bình thường khi khai thác nguồn lợi ở mỗi dòng sông. Sông Hồng là sông Cái ở miền Bắc và hệ thống sông Hồng được nghiên cứu ngay sau năm 1954. Những công trình thủy điện trên các sông Đà, sông Lô,.. và nhiều sông nhánh khác đã được xây dựng. Những hệ thống thủy lợi lớn được xây dựng trên toàn vùng đồng bằng. Các công trình trên sông Thao từ Việt Trì lên Lào Cai chưa được đưa vào qui hoạch vì  chưa thấy hiệu quả, giá thành cao, ngập lụt nhiều, ảnh hưởng bất lợi đến nước ở hạ du. Hơn nữa, nhu cầu giao lưu hàng hóa của vùng núi ven sông còn rất ít. Hưởng lợi nhiều nhất là tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đúng như tên gọi là ‘xuyên Á’ được công bố rộng rãi trên báo chí. Có thể thấy viễn cảnh trong tương lai không xa, chủ đầu tư được làm chủ sông Hồng, rồi sau đó đến lúc cần tiền thì chuyển nhượng sông Hồng cho chủ đầu tư khác, chắc là người nước ngoài. Chúng ta mất sông Hồng, nơi ‘lắng hồn núi sông ngàn năm’ và dự án ‘xuyên Á’ sẽ trở thành con dao xuyên trái tim dân tộc Việt.     

Hỏi: Thế còn về đề xuất ‘Khắc phục tình trạng suy kiệt ở hạ du sông Hồng vào mùa khô’?

Trả lời: Ở trên, tôi đã giới thiệu đôi nét sơ bộ về đề xuất này. Một số khảo sát và phân tích chi tiết hơn về thực trạng hạ du sông Hồng vào mùa khô đã được đăng trên báo (trong đó có website www.vncold.vn ) và trình bày tại các hội thảo khoa học của Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Đập lớn & PT Nguồn nước Việt Nam. Rất nhiều ý kiến đồng tình. Tuy nhiên cũng có ý kiến khác. Có thể một phần do thông tin chưa đầy đủ. Hiện công việc nghiên cứu đang xúc tiến và sẽ có thêm nhiều dịp thảo luận kỹ lưỡng và rộng rãi hơn nữa. Mong bạn đọc tiếp tục theo dõi và cho ý kiến.

PV.