Đập trên hạ lưu Mekong: Cuộc khủng hoảng nước xuyên biên giới.[19/05/16]
17/05/2016 09:26
Đập trên hạ lưu Mekong: Cuộc khủng hoảng nước xuyên biên giới
Dòng sông chung của hàng triệu người
Mekong là một trong những con sông lớn của thế giới. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mekong chảy qua sáu nước trước khi hình thành nên đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam và đổ vào Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc đã xây dựng vài đập ở thượng lưu nhưng phần hạ lưu - chảy qua Thái Lan, Lào, Cămpuchia và Việt Nam - vẫn duy trì dòng chảy tự nhiên.
Hơn 60 triệu người dân sống phụ thuộc vào hạ lưu sông Mekong cùng nguồn thực phẩm, thu nhập, sức khỏe, cũng như bản sắc văn hóa của mình. Tuy nhiên, chính phủ bốn nước đã tái khởi động các kế hoạch xây dựng một loạt các con đập lớn ngăn sông để sản xuất điện, mặc dù vẫn có những lựa chọn khác tốt hơn.
Mặc dù kế hoạch xây dựng một loạt các đập trên hạ lưu sông Mekong đã có từ những năm 1950 nhưng chiến tranh và bất ổn trong khu vực khiến các đề xuất này không thể thực hiện được trong nhiều thập kỷ. Nhưng nay mọi việc đã thay đổi.
Vào những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng chuỗi đập lớn trên thượng nguồn sông Mekong. Giữa những năm 2000, nhiều công ty của Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia lập lại kế hoạch xây dựng 11 dự án thủy điện lớn trên dòng chính hạ lưu sông Mekong. 9 trong số những con đập được đề xuất sẽ xây tại Lào và 2 đập tại Campuchia. Hầu hết nguồn điện sản xuất sẽ được bán cho Thái Lan và Việt Nam.
Khi dự án xây dựng các con đập được đề xuất lần đầu tiên, người ta vẫn chưa có sự hiểu biết sâu sắc về sự phụ thuộc của con người vào sông Mekong và hệ sinh thái. Những rủi ro về kinh tế, xã hội và môi trường chưa được hiểu đúng mức. Hiện nay các mối đe dọa gây ra bởi những con đập này đã trở nên rõ ràng hơn, dẫn đến căng thẳng giữa những người được hưởng lợi từ đập và những người sẽ phải chịu ảnh hưởng.
Sông Mekong nuôi sống hàng triệu người
Hạ nguồn sông Mekong là một nguồn đảm bảo an ninh lương thực chính ở Đông Nam Á. Trong số 60 triệu người dân sống trong lưu vực sông, khoảng 80% phụ thuộc trực tiếp vào sông vì lương thực và sinh kế của mình.
Dòng sông này có nguồn thủy sản nội địa lớn nhất và có sản lượng nhiều nhất trên thế giới. Các nhà khoa học đã xác định được khoảng 850 loài cá, nhưng ước tính có hơn 1.000 loài trên thực tế. Hơn một phần ba các loài này di chuyển hơn 1.000 km dọc theo con sông để kiếm ăn và sinh sản. Ở một số vùng, vào mùa di cư cao điểm, lưu lượng cá có thể lên đến 3 triệu con mỗi giờ, khiến cho sông Mekong trở thành vùng di cư lớn nhất thế giới.
Cá là nguồn cung cấp đạm chính cho nhiều người dân trên khắp khu vực. Nghiên cứu của WWF và Đại học Quốc gia Úc cho thấy nguồn thay thế loại đạm này sẽ rất khó khăn. Đơn giản là vì không có đủ đất và nước sẵn có trong khu vực sông cho việc phát triển chăn nuôi để thay thế nguồn đạm từ cá ở sông Mekong.
Giá trị kinh tế của ngành thủy sản từ sông Mekong là rất lớn. Mỗi năm, cá ở sông Mekong có giá trị ròng từ 3,9 tỷ đến 7 tỷ đô-la Mỹ, nhưng tổng giá trị kinh tế còn cao hơn nhiều. Số liệu thống kê này chưa gồm giá trị tạo ra bởi rất nhiều người buôn bán cá ở chợ, vận chuyển cá đến các thành phố, chế biến thức ăn và làm ra các sản phẩm và nguyên liệu khác. Con số này cũng chưa bao gồm hàng triệu người dân sống dọc theo sông tự đánh bắt cá và sống chủ yếu không dùng tiền mặt.
Dòng sông còn cung cấp nhiều nguồn thực phẩm khác. Hàng triệu người dân trồng rau trong các khu vườn ven sông. Các ngành nông nghiệp và trồng lúa có năng suất cao của khu vực Đông Nam Á phụ thuộc vào chất dinh dưỡng vận chuyển từ phía bắc sông Mekong. Vùng đồng bằng ngập lũ, các đầm lầy trầm tích và các chất dinh dưỡng giữ cho đất được màu mỡ và ngăn chặn xói mòn đất.
Ai sẽ gánh chịu hệ quả từ việc xây dựng các đập?
Trong năm 2010, Ủy hội sông Mekong đã công bố Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược, xem xét những gì sẽ xảy ra nếu mười một đập ở hạ lưu sông Mekong được xây dựng. Nghiên cứu được tiến hành bởi nhiều nhà khoa học hàng đầu của khu vực, các quan chức chính phủ và công chúng. Trước khi thực hiện các nghiên cứu này, chính phủ các nước trong lưu vực sông Mekong chưa có sự hiểu biết đúng mức về các chi phí môi trường và xã hội nếu xây dựng các con đập này.
Đánh giá Môi trường Chiến lược kết luận rằng 11 con đập sẽ biến hơn một nửa dòng chảy tự do ở hạ lưu sông Mekong thành các hồ chứa tù đọng. Các con đập này sẽ ngăn chặn sự di cư của cá và thay đổi môi trường sống tự nhiên của chúng. Theo đó, các loài cá sông Mekong sẽ bị suy giảm ước tính từ 26 đến 42%, dẫn đến thiệt hại khoảng 500 triệu đô-la Mỹ mỗi năm. Hơn 100 loài sẽ có nguy cơ tuyệt chủng.
Ước tính khoảng 106.000 người dân sẽ bị mất nhà cửa và an ninh lương thực của hơn hai triệu người sẽ bị đe dọa. Hàng triệu người khác sẽ phải hứng chịu các tác động lên nguồn lương thực, thu nhập và lối sống của mình.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các hồ chứa sẽ làm ngập lụt hơn một nửa các khu vườn bên bờ sông và nhiều vùng đất canh tác của nông dân. Các con đập sẽ chặn các chất dinh dưỡng và trầm tích chảy xuống dòng sông, ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất nông nghiệp trong khu vực.
Theo Đánh giá Môi trường Chiến lược, các đập ở vùng thượng nguồn của Trung Quốc dự kiến là sẽ làm giảm lưu lượng trầm tích xuống khoảng 50% và sẽ còn giảm thêm nữa nếu các đập hạ lưu sông Mekong được xây dựng, chỉ còn lại khoảng 25% so với mức ban đầu. Điều này sẽ làm mất ổn định đường bờ biển và vùng ngập lũ của đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa vựa lúa và nông sản của Việt Nam.
Cửu Long
(theo ‘International Rivers’)