Hội thảo: lập quy hoạch tài nguyên nước 14/07/2016.[20/07/16]
20/07/2016 14:18
Hội thảo LẬP QUI HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC 14/7/2016
Ngày 14/7/2016, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý về đề cương Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Hơn 150 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu có liên quan; đại diện các Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Đan Mạch, CHLB Đức; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khai mạc & cùng Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đồng chủ trì Hội thảo. TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trình bày tóm tắt Báo cáo tổng quan về lập nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình,
Các đại biểu đã tham gia góp ý. GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đã phát biểu, trong đó lưu ý:
“… Hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình được khảo sát và qui hoạch qua nhiều thời kỳ từ năm 1954 tới nay, tên gọi khác nhau chút ít song mục tiêu và nội dung thì nói chung giống nhau. Điều chỉnh, bổ sung, cập nhật quy hoạch là việc bình thường mà các cơ quan quản lý nhà nước cần làm. Tuy nhiên hiện nay có dư luận cho rằng việc lập qui hoạch tài nguyên nước được đặt ra lúc này là để hợp thức hóa dự án ‘Thủy lộ xuyên Á’ vốn chưa có trong các qui hoạch trước đây. Tôi đã đọc rất nhiều bài trên các báo, báo giấy & báo mạng, song chưa thấy ý kiến nào tán thành dự án này….
…Khi chúng ta có qui hoạch thì việc đầu tư các dự án sẽ dựa vào đó. Trong cơ chế thị trường, nhiều thành phần kinh tế có thể đầu tư. Tuy nhiên, đối với tài nguyên nước, đối với các dòng sông thì phải có sự phân biệt ngay trong qui hoạch là loại nào có thể do tư nhân đầu tư, loại nào thì không vì chủ dự án là tư nhân thì họ có thể đem nhượng, bán,.. rồi dự án có thể sẽ vào tay nước ngoài, dòng sông trở thành tô giới của nước ngoài, chúng ta mất chủ quyền, an ninh quốc gia. Một số loại kết cấu hạ tầng khác thường chỉ có một mục đích, chẳng hạn, đường cao tốc chỉ nhằm cho xe cộ đi lại nên có thể được đầu tư từ nhiều nguồn. Nhưng dòng sông gắn với cuộc sống của nhiều người, nhiều triệu người, với sự phát triển của mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an nguy và sự hưng thịnh của đất nước,… Những dòng sông không thể bị biến thành tô giới của nước ngoài, không thể bị đem bán chác…”
Kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ lời cảm ơn sự có mặt và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu .
PV
…