Quan điểm phát triển trong bảo vệ.[25/07/16]

25/07/2016 09:01

11

QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN TRONG BẢO VỆ




TS Tô Văn Trường

Chuyên gia về Tài nguyên nước và môi trường

 

Ba yếu tố được Liên Hiệp quốc coi như ba cột trụ của một quốc gia là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, và bảo vệ môi trường. Quá trình thực thi nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước là một chuỗi các hoạt động và triển khai liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mọi tầng lớp trong xã hội, và để thực thi nó, nhiều khi phải bắt gặp và xử lý nhiều nghịch lý, nhiều mâu thuẫn. Theo cả nghĩa đen và bóng, chỉ riêng lĩnh vực phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường vẫn luôn tồn tại mâu thuẫn và nghịch lý.

Môi trường sống của Việt Nam đang bị ô nhiễm cả về không khí, tiếng ồn, đặc biệt là môi trường nước. Đấy là chưa kể đến môi trường  văn hoá  xã hội, giáo dục, an ninh vv... Môi trường xuống cấp thì các thành quả về phát triển kinh tế không còn ý nghĩa. Nếu môi trường ô nhiễm, bệnh tật tràn lan, bạo lực phổ biến, sức khoẻ giảm sút, rủi ro bất ổn thường trực thì có nghĩa là sự phát triển của đất nước đang bị đe doạ.

Trên thực tế trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, các nhà quản lý môi trường đã xây dựng các ý tưởng về quy hoạch môi trường. Tuy nhiên, phương pháp luận và sự đồng thuận trong việc lập quy hoạch môi trường chưa cho phép xây dựng các quy hoạch về môi trường.

Theo TS Lê Hoàng Lan phân tích về 2 khái niệm “quy hoạch môi trường” và “quy hoạch bảo vệ môi trường”. Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) lần đầu tiên được luật hóa ở nước ta trong Luật BVMT 2014, theo đó “Quy hoạch bảo vệ môi trường là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững”.

Trong khi đó, quy hoạch môi trường được đề cập trong nhiều quy định và đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Có thể hiểu quy hoạch môi trường là một quy hoạch không gian với mục tiêu trọng tâm là phát triển bền vững. Đó là một quá trình ra quyết định với việc xem xét đồng thời các yếu tố quản trị về môi trường, chính trị, xã hội và kinh tế, nhằm quản lý các mối quan hệ tồn tại trong và giữa các hệ thống tự nhiên và các hệ thống xã hội một cách hiệu quả, minh bạch và công bằng vì lợi ích của tất cả các thành phần của các hệ thống này ở hiện tại và cho tương lai.

Việc đưa ra quy hoạch bảo vệ môi trường cũng là bước lùi tạm thời của những người làm công tác quản lý vì đúng ra phải là quy hoạch môi trường.

Trong những năm vừa qua, nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch về môi trường, đã có rất nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương tiến hành lập quy hoạch môi trường hoặc quy hoạch bảo vệ môi trường. Trên thực tế, các quy hoạch về môi trường này cũng đã đóng góp một phần hữu hiệu trong quản lý và là nền tảng để Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương pháp luận về quy hoạch bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam.

Quy hoạch môi trường là yêu cầu của cuộc sống, bởi vì nó tạo cơ sở giúp các quy hoạch phát triển có được các định hướng phù hợp với các định hướng của quy hoạch môi trường, giảm chi phí và thời gian lập quy hoạch phát triển. Đưa ra các định hướng phát triển phù hợp với môi trường nền và diễn biến môi trường trong kỳ quy hoạch nhằm hài hòa giữa mục tiêu phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử. Quy hoạch môi trường sẽ làm giảm sự mâu thuẫn và chồng chéo giữa các quy hoạch phát triển đã, đang và sẽ thực hiện trong cùng một vùng quy hoạch.

Để khắc phục hạn chế của Luật, việc đưa phân vùng môi trường (thực chất là quy hoạch môi trường) vào nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường trong Luật làm cả một quá trình thuyết phục Chính phủ và Quốc hội. Dự kiến Thông tư quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường ban hành tháng 10/2016 và hướng dẫn kỹ thuật lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh (dự kiến ban hành tháng 12/2016).

Có một nhà tư tưởng của Phương Tây từng viết rằng : “Thiên nhiên là cơ thể hữu cơ và vô cơ của con người ở ngoài con người.  Đó là điển hình của văn hoá Phương Tây coi con người là trung tâm của sự sống, thậm chí con người là tất cả sự sống”. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong khuôn viên của vườn Bách thảo cũ, điển hình của môi trường xanh, sạch, đẹp, rộn tiếng chim ca ngay giữa trong lòng thủ đô đầy khói bụi và ngột ngạt! 

Mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường thiên nhiên, một vấn đề mang tính chất sinh tử không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cà thế giới. Bởi vậy, người ta mới có câu thơ :

" Nếu tàn phá hết thiên nhiên,

Sách đỏ lại sẽ ghi tên CON NGƯỜI "