Các giải pháp khôi phục biển miền Trung.[27/07/16]

25/07/2016 09:11

11

Các giải pháp khôi phục biển

miền Trung

 

Tô Văn Trường

 

Đến nay, bước đầu Formosa nhận tội, xin lỗi và đền bù, tháo được "ngòi nổ" bức xúc trong dân chúng sau 84 ngày chờ đợi là điều cần ghi nhận. Nói về thiệt hại môi trường, cần đưa ra những số liệu định lượng & dữ kiện (định tính) tương đối tin cậy được về môi trường trước và sau khi xẩy ra thảm họa để so sánh và tính toán.

Tuy nhiên, người dân quan tâm nhất lúc này là cần chỉ ra biển đã an toàn chưa, và các biện pháp xử lý để không tái diễn thảm họa cá chết như vừa qua ở miền Trung.

Công việc cần làm hiện nay, là khảo sát đánh giá những mức độ  bị hủy hoại môi trường biển dọc theo ven bờ biển 4 tỉnh bị ô nhiễm để có kế hoạch tương đối sát thực khu vực nào thì có thể để môi trường tự làm sạch và tự phục hồi, khu vực nào cần sự hỗ trợ của con người và khu vực nào hoàn toàn phải phục hồi nhân tạo. Không thể chỗ nào cũng "làm sạch biển....trồng san hô..."

Cách để đánh giá môi trường biển bây giờ, không phải chỉ đánh giá mức độ ô nhiễm, vì thời gian qua quá lâu rồi, chỉ còn tồn dư và ô nhiễm thứ cấp mà cần đánh giá mực độ bị hủy hoại là quan trọng hơn. Cách đánh giá mức độ ô nhiễm bài bản, khoa học nhất có thể áp dụng phương pháp kinh tế học, sử dụng công cụ lượng giá dịch vụ hệ sinh thái.

Trước mắt, thì có thể làm ngay thông qua phân lô, lấy mẫu, phân tích và đánh giá. Còn đánh giá mức độ hủy hoại thì có nhiều cách khác nhau nhưng sát thực nhất là tính phần trăm số sinh vật biển bị hủy hoại tại chỗ và mật độ sinh vật biển có trong hiện trạng (các loài san hô, sao biển, nhím biển, giun/lươn biển và động vật hai vỏ được quan tâm đầu tiên). Phân tích các mẫu trầm tích cũng là cách hữu hiệu để xác định mức độ ô nhiễm của kim loại nặng.

Không cần có phenol hay xyanua hay độc chất khác hấp phụ trên huyền phù Fe(OH)3 thì việc "tấm chăn khổng lồ" Fe(OH)3 lắng xuống bao phủ cũng làm san hô không hô hấp được mà chết. Tuỳ theo đặc điểm của từng hệ thuỷ sinh đặc thù mà hình thành các chương trình phục hồi thích hợp. Rặng san hô đem lại điều kiện thủy sinh vô cùng quan trọng cho các loài sinh vật biển nên điều cần làm ngay là sớm khôi phục lại các rặng san hô bị hủy hoại. Nếu cần thiết, khoanh vùng bảo tồn để chính người dân tham gia giám sát, bảo vệ, đặc biệt là vùng có san hô đen (quý hiếm).

TS Nguyễn Xuân Quang giới thiệu theo tạp chí khoa học Equator Initiative 2013 của UNDP đã công bố trường hợp nghiên cứu thành công của việc khôi phục rặng san hô tại Vịnh Pemuteral Coral của Indonesia.

Ở đây, họ đã dùng một dạng công nghệ vườn ươm san hô "Biorock" có dùng dòng điện điện áp thấp phối hợp với kết cấu khung thép làm cơ sở cho san hô bám vào và phát triển. Công nghệ Biorock được phát triển bởi nhà khoa học biển Wolf Hilbertz và nhà sinh học biển Thomas J. Goreau. Họ sử dụng các dòng điện điện áp thấp trên kết cấu khung thép dưới nước để khuyến khích sự phát triển của cuộc sống ở rạn san hô. Các khoáng chất nguyên nhân dòng điện hòa tan trong nước biển được kết tủa và dính vào các kết cấu thép. Dần dần, lớp cacbonat canxi xây dựng xung quanh các ống thép. Kể từ khi các lớp cacbonat canxi hình thành rất giống với bề mặt rạn tự nhiên, san hô làm để rạn Biorock rất dễ dàng.

Các kết cấu thép được neo vào đáy biển, và có thể được cung cấp bởi các tấm năng lượng mặt trời, tuabin gió, máy phát sóng hoặc máy biến áp trên đất liền. Bởi vì Biorock không đòi hỏi kỹ thuật xây dựng tinh vi hay nguyên liệu đầu vào quan trọng, nó là đặc biệt rất thích hợp để phát triển xa vùng có nguyên liệu và bí quyết kỹ thuật có thể được cung cấp đủ. Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng Biorock có thể giúp chống lại một số các yếu tố gây ra san hô chết hết, bao gồm cả nhiệt độ cao và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, san hô thường mọc hai đến sáu lần nhanh hơn trên Biorock hơn san hô tự nhiên, trong khi tỉ lệ sống sót cao hơn từ 16 đến 50 lần, thậm chí sau một thời gian kéo dài của nhiệt độ nước cao.

Ngoài các biện pháp xử lý ô nhiễm nói trên, về công tác giám sát cần rà soát, kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn xả thải ra môi trường biển ở miền Trung (không chỉ riêng Formosa). Chỉ khi nào nước thải đạt quy chuẩn về môi trường mới được thải ra biển.

Theo tôi hiểu, nên học hỏi phương pháp giám sát sinh học bằng các thuỷ sinh vật đặt tại đầu xả nước thải (theo kiểu của EPA) và theo dõi bằng camera, nếu thấy cá chết là có vấn đề (thời điểm cá chết có thể thấy do quan sát trực tiếp hoặc qua xem lại dữ liệu ghi trong ổ cứng). Chú trọng phát triển các phương pháp giám sát bằng tiêu chuẩn môi trường xung quanh.

Biện pháp dù gắt gao đến mấy nhưng nhà quản lý doanh nghiệp không có đạo đức môi trường (kiểu Vedan trước đây và Formosa bây giờ, cũng như nhiều doanh nghiệp VN  trong thời gian qua) thì việc quản lý sẽ gặp khó khăn. Cần phải lập danh sách đen để chú ý đặc biệt tới các doanh nghiệp loại này.

Biện pháp thiết thực và khôn ngoan nhất, cần phải giám sát chặt chẽ việc xử lý cả chất thải rắn, thải khí cũng như nước thảiyêu cầu bắt buộc Formosa phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn môi trường (cập nhật) của VN và quốc tế thì Formosa phải tự cân đối bài toán kinh tế “lời lỗ” để quyết định tiếp tục sản xuất hoặc tự đóng cửa.