Bangkok thừa nhận bất lực trong việc điều chỉnh một đập mới ở Lào.[01/08/16]
01/08/2016 10:35
Bangkok thừa nhận bất lực trong việc điều chỉnh một đập mới ở Lào
Pratch Rujivanarom
25/7/2016
BBT. Báo ‘The Nation’ (‘Dân tộc’ (Thái Lan)) có bài phản ảnh sự bất bình trong công chúng Thái Lan về việc xây đập Pak Beng (Lào). Xin trích và chuyển tới bạn đọc. Mời tham khảo thêm nguyên văn trong phần tiếng Anh (/En/Web/Content.aspx?distid=653 ). Đập này cũng đã được đề cập đến trên website (/Web/Content.aspx?distid=4193).
ooo
Tiểu ban về Quyền của Cộng đồng thuộc Ủy ban Nhân quyền Quốc gia (The National Human Rights Commission - NHRC) 's đã sắp xếp một cuộc họp về việc vi phạm quyền con người liên quan đến các dự án đập thủy điện sắp tới trên sông Mekong và sông Salween.
Phó Tổng giám đốc Cục Thuỷ lợi Phadon Thavornkritrat, cho rằng chỉ còn có cách thông qua Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission - MRC) để điều chỉnh các dự án trên dòng chính sông Mekong nhưng Lào vẫn chưa hề thông báo gì với Ủy hội về ý định của mình khởi động công việc ở đập Pak Beng.
Ông nói thêm: "Có những lo ngại rằng công trình đập Pak Beng sẽ bắt đầu sớm, nhưng hiện nay, bước đầu tiên để khởi động dự án vì xúc tiến một dự án trên dòng chính sông Mekong cần phải được xem xét thông qua các Thông báo (Notification), Tham vấn trước và Thỏa thuận (Prior Consultation and Agreement - PNPCA). Chính phủ Thái Lan không có thẩm quyền để phản đối một con đập được xây dựng bên trong lãnh thổ nước Lào. Lúc này, chúng ta chưa thể bày tỏ mối quan ngại của mình về dự án của họ, vì họ vẫn chưa Thông báo ý định khởi động dự án đến Ủy hội."
Tuy nhiên, nhiều người từ Chiang Rai đã phản đối việc hạn chế hành động trong khuôn khổ thủ tục PNPCA và kêu gọi lập các quy tắc nghiêm ngặt mới để điều chỉnh các dự án trên dòng chính sông Mekong.
"Chúng tôi không tin tưởng vào MRC nữa. Chúng ta cần một cơ chế mới để hoàn toàn có thể kiểm tra các dự án và có đủ quyền lực ngăn chặn những mối nguy hại. Các thủ tục PNPCA chỉ là con tem để phê duyệt dự án. Nó không thể thực sự bảo vệ con sông quốc tế của chúng ta do phát triển gây hại ", Niwat Roikaew, Chủ tịch Nhóm Bảo tồn Rak Chiang Khong, nói….
"Thiệt hại do các đập gây ra đối với hệ sinh thái sông là không thể đảo ngược và sinh kế của người dân sẽ bị tiêu hủy mãi mãi nếu chúng ta không làm gì để ngăn chặn những đập nước," ông nói tiếp…
Giảng viên Chainarong Sretthachau tại Đại học Maha Sarakham cho rằng các quan chức thường không quan tâm đến việc bảo vệ sông Mekong và những người bị thiệt thòi sống phụ thuộc vào sông. Ông đề nghị đại diện của Thái Lan tại MRC nên là người từ vùng sông Mekong chứ không chỉ là các quan chức ở Bangkok.
Thongsuk Inthawong, trưởng làng Ban Huai Leuk ở Wiang Kaen Chiang Rai, nói rằng mối đe dọa của đập đến thôn làng nằm gần tuyến đập bao gồm nguy cơ lũ lụt và tàn phá môi sinh làm tổn thương nặng nề những người dân sống phụ thuộc vào sông với nghề cá và nghề nông.Thongsuk cho biết không chỉ những người ở bên Thái Lan sẽ phải chịu khổ sở mà ít nhất 14 ngôi làng ở Lào cũng bị ảnh hưởng. Ông nói thêm một số làng đã bị giải tỏa cho công trường đã bắt đầu hoạt động.
Pak Beng Dam là một dự án đập thủy điện thuộc sở hữu của Công ty Trung Quốc ‘Đại Đường’ (Datang International Power Generation Co.) hợp tác với chính phủ Lào. Đập được xây dựng ở huyện Pakbaeng, tỉnh Oudomxay, 80 km về phía hạ lưu từ Ban Huai Leuk.