Báo động đập Pak Beng!![16/08/16]
15/08/2016 09:39
v Đập Pak Beng: SOS!! … Phải thấy rằng, sông Mekong không chỉ là vấn đề song phương giữa hai nước Lào và Việt Nam, mà cốt lõi là một sách lược Việt Nam đối với Trung Quốc trong toàn cảnh địa - chính trị hiện nay: từ Biển Đông tới lưu vực sông Mekong, và còn phải kể tới “đạo quân thứ năm” là tràn ngập những công nhân Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.
Đại hạn nơi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), rồi thảm họa hủy diệt môi trường sống từ những bướu ung thư như Formosa Vũng Áng, bauxite Tây Nguyên là những vấn đề sinh tồn của cả một dân tộc.
Nhìn thấy được trước mắt là một trận chiến môi sinh không tuyên chiến của Trung Quốc, nhưng thâm hiểm hơn là tiềm ẩn một cuộc “chiến tranh sinh học” với sự đầu độc tích luỹ, từ chén cơm tới tô cá, có thể đưa tới hậu quả biến thể gene, với khả năng làm triệt tiêu sức đề kháng của giống nòi Việt Nam.
BS Ngô Thế Vinh
v SẼ GIA TĂNG KHÔ HẠN VÀ XÂM NHẬP MẶN Ở ĐBSCL!! Pak Beng là đập phía trên nhất của chuỗi 9 đập dòng chính Mekong ở Lào. Về kích thước, đập Pak Beng có chiều dài 943m, chắn ngang toàn bộ dòng sông, chiều cao 76m từ đáy sông đến đỉnh đập, chiều dài dòng sông phía trên đập dùng làm hồ chứa là 130-145km với tổng diện tích 87km2, lưu lượng xả thiết kế 7.250m3/s, dung tích hoạt động 442 triệu m3. Đập này là kiểu đập dâng (run-of-river dam) có chế độ vận hành theo ngày, dự kiến hoạt động khoảng 8-12 giờ/ngày. Tuy nhiên theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược do ICEM thực hiện năm 2010, đối với những năm khô hạn, đập này có khả năng lưu nước đến 1,5 ngày, có nghĩa là đối với những năm khô hạn, chỉ riêng đập này sẽ làm nước chậm về hạ lưu đến 1,5 ngày. Lưu ý thêm, 10 đập còn lại đều có khả năng lưu nước, ít nhất là 3 ngày, nhiều nhất là 18 ngày. Như vậy trong những năm khô hạn, đập Pak Beng cùng với các đập khác sẽ làm nước chậm về ĐBSCL từ một đến vài tháng, gia tăng khô hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô ở ĐBSCL.
Trước đây đập Pak Beng được thiết kế có mực nước cao nhất 345m trên mực nước biển, sau đó được điều chỉnh lại còn 340m để tránh gây ngập ở Thái Lan tại Keng-Phadai. Mức nước 340m trên mực nước biển này vẫn cao hơn mức lũ cao nhất lịch sử trong 80 năm là 10m. Điều này có nghĩa nhiều diện tích ven sông trước đây chưa từng bị ngập sẽ bị dìm ngập vĩnh viễn.
ThS. Nguyễn Hữu Thiện
(nguyên Trưởng nhóm Tư vấn đánh giá tác động môi trường
hệ thống đập trên dòng chính Mekong, chuyên gia độc lập Mekong)