Các bất cập về bài toán cốt nền ở TP. Hồ Chí Minh.[17/08/16]

15/08/2016 09:47

21

CÁC BẤT CẬP VỀ BÀI TOÁN CỐT NỀN

Ở TP.HỒ CHÍ MINH

 

Tô Văn Trường

 

Thông thường để xây dựng một khu đô thị, cốt san nền phải có trước, sau đó mới triển khai các hạng mục khác. Nếu theo đúng quy chuẩn thì để xây dựng một dự án, phải có tối thiểu (và cũng là bắt buộc) 8 "hạng mục" được phê duyệt. Đó là quy hoạch cốt nền, quy hoạch sử dụng đất (còn gọi là quy hoạch kiến trúc), quy hoạch giao thông, quy hoạch mạng lưới điện, quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, quy hoạch thông tin liên lạc và bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống của toàn dự án.

Do quy hoạch đô thị ở TP.HCM thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa thống nhất được cốt nền, nên hàng ngàn dự án trên địa bàn thành phố được làm theo “quan điểm chủ quan về ngập lụt”. Đây cũng là nguyên nhân của nạn "đào lên, lấp xuống" và tạo ra các “cung bậc” nền các công trình nhấp nhô tại TP Hồ Chí Minh gây tác động đến quá trình tiêu thoát  nước. Cốt nền liên quan chặt chẽ với bài toán mô hình thủy lực của cả hệ thống và bài toán kinh tế.

Trong tiêu thoát nước, phân vùng theo mục tiêu nguyên nhân gây ngập mới là quan trọng nhất. Quan điểm chung của tiêu thoát nước là cao tiêu cao, thấp tiêu thấp, không để nước từ vùng cao chảy xuống vùng thấp. Vì thế, từ việc phân vùng mới xác định đâu là nguyên nhân chính gây ngập lụt để từ đó định hình được các giải pháp cơ bản nhất cho mỗi vùng.

Hiện tại, ngập ở TP.HCM chủ yếu do mưa và triều. Yếu tố ngập do xả lũ ở thương lưu là thứ yếu. Ngập mưa là do không có đường thoát và vùng đệm tạm thời: bê tông hóa và san lấp hết chỗ chứa, máng ống thoát thì cũ kỹ, mạng mới thì lạc hậu, thiếu liên kết. Đường ống ngầm và lỗ thoát bị lấp dần. Nâng đường thì không ngập đường mà gây ngập toàn thành phố ngập hơn.

Vừa rồi, Chính phủ có Văn bản số 1311/VPCP-TCCV yêu cầu rà soát thực hiện theo Nghị định 24/2014/NĐ-CP nhưng Sở Nội vụ TP.HCM vẫn đề nghị giữ nguyên trạng.?

Nên nhớ, mãi đến Luật Xây dựng năm 2014 mới có quy định về cốt nền. Tuy nhiên, khái niệm này đã được đưa vào Mục b Khoản 8 Điều 1 Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 với tên gọi là "Cao độ xây dựng khống chế", trong đó quy định "cao độ xây dựng khống chế Hxd ≥ 2,00m" cho toàn thành phố.

So với giải thích từ ngữ tại Khoản 11 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014: "Cốt xây dựng là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ được chọn phù hợp với quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa" thì việc

quy định "cao độ xây dựng khống chế Hxd ≥ 2,00m" cho toàn thành phố có điều bất cập như sau:

Lẽ ra, phải thực hiện việc quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa rồi mới chọn cốt xây dựng/cao độ xây dựng khống chế cho phù hợp nhưng tại Quyết định số 24/QĐ-TTg cốt xây dựng/cao độ xây dựng khống chế đã được chọn trước rồi quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa phải được thiết kế phù hợp theo cốt xây dựng/cao độ xây dựng khống chế đã được chọn trước - tức là làm theo quy trình ngược.

Nếu làm đúng thì người ta sẽ chọn các cốt xây dựng khác nhau cho các vùng địa hình khác nhau và như vậy sẽ tránh được mâu thuẫn gây lãng phí.

Chính vì làm ngược như vậy nên sau này các đơn vị cứ nhắm mắt làm theo cốt xây dựng/cao độ xây dựng khống chế Hxd ≥ 2,00m đó mà không cần phải sợ gì cả. - Nhất là các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải thì chỉ cần biết là nâng đường và nâng đường trên cốt xây dựng đó mà thôi. Nếu có ai hỏi thì đã có Quyết định số 24/2014 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm tấm khiên chống đỡ (làm theo đúng quy định).!?

Giải pháp nâng đường cũng không có tác dụng giảm ngập cho dân vì không tăng khả năng thoát nước mà chỉ có tác dụng cho đường. Và như vậy thì nhà dân càng ngập hơn. Trong điều kiện khó khăn về vốn hiện nay, nên tập trung vào làm cống thoát nước, chỗ nào khó khăn thì kết hợp bơm là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhất.

Thí dụ, vùng địa hình trũng thấp mà đường Kinh Dương Vương đi qua sẽ có cốt xây dựng/cao độ xây dựng khống chế Hxd ≤ 2,00. Ở khu vực trũng này, đòi hỏi phải có cửa van ngăn triều và bơm tiêu hỗ trợ tại các vị trí xả ra kênh rạch. Nếu hoàn thành đồng bộ các công trình kiểm soát ngập này thì không nhất thiết phải nâng đường Kinh Dương Vương.

Trên thực tế, nhìn lại những công trình cải tạo và xây dựng ở TP.HCM thường có tính chắp vá, manh mún, để đối phó tình thế ở từng khu vực và từng thời điểm, hơn là có tính quyết đoán để tạo đột biến sâu xa về không gian và thời gian. Tác động của đô thị hóa và biến đổi khí hậu trên nền tảng cơ sở hạ tầng yếu kém càng làm cho ngập lụt TP.HCM trở nên cực kỳ phức tạp.

Quy hoạch cốt nền không thể áp dụng máy móc theo nguyên tắc chỉ dựa trên lý thuyết cho toàn thành phố mà không nghiên cứu sâu hiện trạng để có những giải pháp phù hợp với toàn cục. Cần đối chiếu cập nhật thông tin từ quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/2000 của thành phố và tỉ lệ 1/500 của Quận, huyện.

Dự án của Trung Nam đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng , một số tờ báo báo giật tít “Dự án siêu chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh” là ảo tưởng, vì nó chỉ có khả năng kiểm soát triều khu vực hạn chế (không có vùng Long An) so với dự án quy hoạch QH 1547. Xin lưu ý, dù dự án của Trung Nam làm xong cũng không giải quyết được ngập vì hiện nay chủ yếu ngập là do nước bị tích tụ không có/thiếu đường chảy ra kênh (vì còn thiếu cống thoát nước. Các giải pháp trung hạn theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 theo Quyết định số 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải có 6.000 km cống các loại trong phạm vi 581,51km2 (thuộc 6 vùng thoát nước) đến nay chỉ đạt khoảng 43,2%.

Nếu đi sâu về hiệu quả kinh tế thì dự án của Trung Nam cần xem xét đánh giá lại vì do cách chọn vận tốc max cho giao thông chưa chính xác nên thiết kế cống đã tăng về quy mô và số trạm bơm, đấy là chưa kể về vị trí đặt cống (bỏ bớt được cống Phú Xuân và cống khác chỉ cần quy mô nhỏ hơn) vv…

Người dân dễ nhận thấy, tư duy và trình độ quản lý đô thị theo hướng phát triển hiện đại của TP.HCM của những người có trách nhiệm chưa theo kịp yêu cầu của cuộc sống. Bài toán chống ngập lụt khu vực TP.HCM  có mối quan hệ hữu cơ với đô thị hóa, trong đó có các công trình ngầm. TP.HCM cần có “nhạc trưởng” đủ tâm và đủ tầm với đội ngũ tham mưu kể cả chuyên gia cùng với sự đồng thuận cao giữa các cấp lãnh đạo, giữa các ngành liên quan, các nhà khoa học cũng như sự hợp tác của người dân với ý thức bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề mấu chốt để giải quyết bài toán chống ngập lụt cho TP.HCM.