Phép thử đối với Bộ trưởng.[12/10/16]
12/10/2016 09:36
Tô Văn Trường
Nhiều tờ báo chính thống đưa tin tại cuộc họp khẩn ngày 6 tháng 10 vừa qua, với lãnh đạo các tập đoàn về hiện trạng môi trường tại các nhà máy xi măng, điện, than... Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu lãnh đạo các tập đoàn tổng công ty lớn của ngành phải cam kết “Không đánh đổi môi trường lấy dự án. Chúng ta không đánh đổi cái gì cả. Giữ môi trường cũng là giữ sự sống cho chúng ta và tương lai con cháu chúng ta sau này. Kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng, nói thật với nhau xem chúng ta còn bỏ sót quy trình nào, cái gì chưa hoàn thiện cần khắc phục ngay, tốn kém cũng phải làm. Sử dụng tài nguyên có hiệu quả nhưng không phải bằng mọi giá, không đánh đổi hay hủy hoại môi trường bởi đó là tội ác” …
Trong khi đó, nếu ai đọc bài báo “Nhiệt điện than "bao vây" đồng bằng: Lay lắt điện sạch” cũng sẽ giật mình, vì ngay ở Ninh Thuận và Bình Thuận được quy hoạch nhiều dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời có mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước trong quy hoạch nhưng đều không đạt.
Được biết giá bán điện gió theo quy định hiện hành của Chính phủ là 7,8UScents/kWh thì không thể đảm bảo hiệu quả cho các nhà đầu tư điện gió. Nhiều người có chung nhận xét rằng “điện sạch thì phải đắt hơn điện bẩn, như thực phẩm sạch chắc chắn đắt hơn thực phẩm bẩn”. Nếu không trợ giúp cho những cái sạch tồn tại và phát triển, thì những cái bẩn sẽ tiếp tục tồn tại bởi vì những cái bẩn lại đang có “lợi thế”.
- Than bán cho nhà máy điện rẻ hơn bán cho bên ngoài để ổn định giá điện.
- Phát điện công suất lớn đáp ứng phụ tải nền thì được vận hành ổn định với lượng được phát ra lớn có khả năng thu hồi vốn tốt.
- Việc đấu nối và mua điện phụ thuộc vào cách thức điều độ điện. Mà cách thức này lại thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và cơ chế “xin cho” vẫn muôn đời phức tạp, lòng vòng, tốn kém.
- Các nhà máy nhiệt điện than chạy ở phụ tải thấp thì bắt buộc đốt kèm dầu. Khi đó khử bụi tĩnh điện hoạt động không được, ô nhiễm môi trường lớn nên họ phải ưu tiên cho nhà máy nhiệt điện chạy đủ tải.
- Những “lợi thế” của điện bẩn xét cho cùng đã “ăn bẩn” vào môi trường với những cái giá phải trả chưa tính được bằng tiền. Ưu tiên “điện bẩn”, khắt khe giá với điện gió thì điện gió làm sao mà phát triển được.
Vụ Formosa chưa nguội thì dự án nhà máy thép Cà Ná ở - Ninh Thuận nóng lên vì đã bị công luận phản ứng dữ dội đến nỗi có lệnh các tờ báo chính thống không bàn đến nữa (!). Bàn tán, lo lắng như thế mà vị lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, vẫn nói rắn “ Nếu Hoa Sen không làm, Thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch”. Chẳng lẽ họ chưa thấm bài học Formosa sờ sờ, nhãn tiền.
Tôi muốn mọi người nhớ đến Benjamin Franklin với câu nói rất đáng suy ngẫm :” “Believe none of what you hear, and only half of what you see” (Đừng tin những gì bạn nghe, và chỉ tin một nửa những gì bạn thấy). Sự thật và chân lý chỉ có một, nên đừng ngoan cố bẻ cong, bóp méo nó. Không có sai lầm nào mà không phải trả giá
Phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh rất đáng ghi nhận và đáng được “Hoan hô bộ trưởng” như lời bình của GS Nguyễn Quang Thái. Tuy nhiên, phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mới chỉ đụng tới vấn đề ô nhiễm môi trường tự nhiên, bỏ qua một vấn đề có lẽ còn nghiêm trọng hơn: Phát triển năng lượng điện các loại lộn xộn, và nhìn chung là với công nghệ hạng thứ như hiện nay là tiếp tục đẩy đất nước lún sâu hơn nữa vào bãi thải công nghiệp với những mất cân đối lớn sẽ không sao cứu vãn được. Là Bộ trưởng của ngành, nhân dịp này nên xem lại toàn bộ chiến lược phát triển năng lượng điện hiện nay vốn đang rất bệnh hoạn của đất nước. Cản trở chính vẫn là mô hình tổ chức và các " lô cốt" quyền lợi nhóm đã cắm rễ trong ngành năng lượng.
Tôi nghĩ "phép thử" không phải ở câu nói (dù hay đến mấy) mà ở chủ trương, chính sách, quyết định cụ thể. Việc làm ngay sau lời tuyên bố trên là cách hành xử của Bộ trưởng với dự án thép Cà Ná, các nhà máy điện than, thép... đang gây ô nhiễm nặng, chính sách khuyến khích thật lòng đối với năng lượng sạch (như điện gió, điện mặt trời...). Vì sao giá bán than cho điện lại thấp hơn giá thành nhưng lại không "hỗ trợ" cho giá "điện gió", trong khi vẫn "hỗ trợ" cho gía điện turbin khí?
Nhân dân chờ đợi những việc làm cụ thể của Bộ trưởng.