Các hồ miền Trung xả lũ.[21/12/16]
21/12/2016 10:42
Tô Văn Trường
Vấn đề hồ miền Trung xả lũ đã có nhiều bài báo, diễn giả đề cập nhưng có một điều liên quan đến công tác Quy hoạch cần phải hiểu rõ:
Trước đây (khi thủy lợi và thủy điện và đến giai đoạn khi thủy điện chưa triển mạnh (1970-1990) thì Quy hoạch thủy lợi cho lưu vực sông cũng đã xem xét các vị trí làm thủy điện và trong quy hoạch đã đề xuất nhiệm vụ phòng lũ hạ du cho các công trình thủy điện này.
Tuy nhiên, sau này khi thủy điện phát triển mạnh họ tự làm quy hoạch phát triển thủy điện và chỉ thủy điện mà thôi, không có nhiệm vụ phòng lũ hạ du (khác với nhiệm vụ phòng lũ bản thân công trình). Thậm chí có những hồ (như Sông Ba hạ) họ còn bỏ qua cả nhiệm vụ phòng lũ hạ du công trình mặc dù đã được đề cập trong quy hoạch thủy lợi.
Các hồ thủy điện miền Trung hiện nay trừ các hồ trên sông Hương là có nhiệm vụ phòng chống lũ hạ du còn lại đều KHÔNG có nhiệm vụ phòng lũ hạ du, vì vậy khi lũ về họ chỉ vận hành để bảo toàn công trình. Bảo vệ hạ du chỉ là "ăn theo". Vậy họ nói vận hành đúng quy trình cũng có cái lý của nó.
Vì vậy, vấn đề bây giờ làm phải xem xét tầm vĩ mô là các hồ này có nên làm nhiệm vụ phòng lũ hạ du không. Trước đây Viện Quy hoạch thủy lợi đã nghiên cứu và kết luận là không hiệu quả. Vì vậy đã đưa ra chiến lược: (i) miền Bắc cần chống lũ; (ii) miền Trung thích nghi với lũ ; và miền Nam sống chung với lũ. Điều đáng trách là giải pháp cụ thể là gì thì các nhà lãnh đạo sau này không kế thừa và tiếp tục nghiên cứu.
Riêng về 03 hồ ở Thừa Thiên Huế đã vận hành, theo bạn Nat cho rằng không đúng quy trình được duyệt:
Quyết định số 2482QĐ-TTG ngày 30/12/2015 ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương, bao gồm các hồ, đập: Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới và đập Thảo Long quy định:
a. Tại Điều 2 của quy trình: "Mùa lũ, mùa cạn trong Quy trình này được quy định như sau:
1. Mùa lũ từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12.
2. Mùa cạn từ ngày 16 tháng 12 đến ngày 31 tháng 8 năm sau".
Như vậy, các công trình này vẫn phải vận hành theo quy định đối với mùa lũ trong đợt mưa từ ngày 13-16/12/2016.
b. Tuy theo quy định tại Điều 4 của quy trình, chỉ có Hồ Tả Trạch có dung tích phòng lũ là 556,25 triệu m3, nhưng nguyên tắc vận hành các hồ quy định tại Điều 5 đảm bảo giảm lũ cho hạ du:
Điều 5. Nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du
1. Không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước lũ kiểm tra để điều tiết lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn đối với các hồ Hương Điền và Bình Điền, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai.
2. Khi vận hành giảm lũ cho hạ du phải tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả đã được cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm không được gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa.
3. Trong thời kỳ mùa lũ quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Quy trình này, khi chưa tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt mực nước cao nhất trước lũ được quy định tại Bảng 2, trừ trường hợp quy định tại Điều 12 của Quy trình này.
4. Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn; mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết cho phù hợp với tình hình thực tế.
5. Khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du phải đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước trước lũ quy định tại Bảng 2, trừ trường hợp quy định tại Điều 12 của Quy trình này".
Trong đợt mưa từ 13-16/12/2016 tổng lũ về 3 hồ Tả Trạch, Bình Điền và Hương Điền là 900 triệu m3, các hồ giữ lại 44 triệu m3 và xả về hạ du 856 triệu m3
Có nghĩa là các hồ đã đầy đến mực nước lũ kiểm tra khi có mưa về trong đợt mưa từ 13-16/12 năm 2016, đồng nghĩa với đã vận hành sai quy trình được duyệt?
Quan điểm của tôi là muốn nói có sách mách có chứng vẫn phải chạy mô hình thủy lực theo 2 kịch bản như đã nói ở email lần trước.
Kịch bản thứ nhất: Trên cơ sở các tài liệu đầu vào như lưu lượng đến hồ, lượng mưa khu giữa và vùng hạ lưu, mức nước triều. Kết quả tính toán mô hình MIKE 11 sẽ cho thấy mực nước max và đường quá trình lũ tại các điểm kiểm soát vùng hạ lưu (trường hợp khi chưa có các hồ chứa).
Kịch bản thứ hai: Cũng các đầu vào như trên, nhưng các hồ chứa tham gia điều tiết lũ theo quy trình vận hành đã ban hành. Kết quả tính toán mô hình MIKE 11 sẽ cho mực nước lũ max , quá trình lũ vùng hạ du.
Từ hai kịch bản nói trên sẽ biết ngay hiệu quả hay tác hại của hồ chứa trong những trận lũ vừa qua đối với từng lưu vực. Rồi nhà máy có thực hiện đúng quy trình và có hiệu quả hay không, hoặc gây ra lũ chồng lũ...