Người chiến sĩ, nhà trí thức chân chính.

18/12/2006 21:48

60

         Thiếu tướng, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Ngọc ra đi, để lại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp bao niềm tiếc thương sâu sắc.

Tuy không được sống gần  hay tiếp xúc nhiều với anh Ngọc, nhưng chỉ trong thời gian ngắn ở lớp bổ túc Pháp ngữ và một số lần gặp gỡ trong hoạt động chuyên môn, tôi đã cảm nhận ở anh Ngọc một tấm gương chiến đấu, hy sinh, học tập và làm việc quên mình, một nhân cách lớn. Đã có nhiều bài viết khá đầy đủ về anh, nhưng với lòng kính trọng và quí mến sâu sa, tôi không thể không ghi lại những kỷ niệm về anh để xin thắp nén hương tưởng nhớ anh.

                                          *

Thày dạy Pháp ngữ.

Năm 1981, một số lớp Pháp ngữ học sau giờ làm việc được mở ở Hà Nội. Tôi đăng ký theo học vì  muốn tranh thủ trau dồi thêm tiếng Pháp mà lúc còn nhỏ được học quá ít rồi lâu ngày không dùng đến nên đã quên gần hết. Sau buổi kiểm tra sát hạch, tôi được xếp vào lớp bổ túc, nâng cao trình độ dành cho các chuyên gia chuẩn bị đi giảng dạy tại những nước sử dụng tiếng Pháp (tuy tôi không thuộc diện này). Dạy ở lớp có 2 giáo viên, một người Pháp giảng môn “tiếng Pháp thông dụng” (français général) và anh Ngọc giảng môn “tiếng Pháp trong khoa học” (français scientifique). Đấy là dịp đầu tiên tôi được tiếp xúc với anh. Ở lớp, anh giảng toàn bằng tiếng Pháp rất hay, rất nghiêm và rất tận tình. Nhiều buổi, anh giảng liền vài ba tiết học, không giải lao (để “tranh thủ thời gian” như lời anh nói). Những chủ đề khoa học khác nhau ở từng bài giảng được anh giải thích rất khúc triết, rõ ràng. Anh có trí nhớ thật đặc biệt. Có buổi học theo cách xem rồi kể lại một bộ phim khoa học. Anh cũng như chúng tôi trước đó đều chưa biết bộ phim ấy. Phim tuy chỉ ngắn chừng nửa giờ nhưng rất nhiều số liệu tỷ mỷ. Xem xong lần đầu, chúng tôi, trong đó có những người thuộc lứa đàn anh đã học ban Tú tài trường Pháp ngày xưa nên nói tiếng Pháp khá lưu loát, cũng đành lắc đầu vì tuy hiểu mang máng nội dung phim, nhưng không thể nhớ được các số liệu. Giả dụ như phim có thuyết minh tiếng Việt chăng nữa thì chúng tôi cũng không thể nhớ nổi các số liệu dài và nhiều như vậy. Thế mà anh nhớ hết, đọc lại cho chúng tôi ghi. Sau đấy xem lại phim thì thấy đúng quá.

Khi chuyện trò ở hành lang, anh nói nhỏ nhẹ. Đứng trên bục giảng, anh gắng nói to hơn.Vóc người anh nhỏ, gày, da xanh xao. Đâu như đã mấy lần bị xuẩt huyết dạ dày, anh cố tự điều trị vì không muốn phiền mọi người. Lần ấy, bị nặng hơn, anh phải nghỉ dạy và được đưa cấp cứu tại bệnh viện. Anh vẫn giữ thói quen ngày ăn một bữa như hồi học ở Pháp (anh kể rằng hồi đó, do theo học nhiều trường, mỗi buổi phải học ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố Paris quá rộng lớn nên phải ăn một bữa để “tranh thủ thời gian”, sao lúc nào cũng thấy anh muốn “tranh thủ thời gian”?!). Hàng ngày làm việc ở cơ quan, hết giờ đi dạy ngoại ngữ, anh về ăn cơm tối với bà cụ thân sinh rồi về căn hộ của mình ở khu Kim Liên. Anh ở đó một mình. Dạo ấy, điện thiếu gay gắt, nhà nào cũng phải dùng biến áp. Anh không có biến áp nên chập tối, vào giờ cao điểm, điện áp trong căn hộ của anh sụt đến mức dây tóc đèn điện đỏ quạch. Anh chờ đến khuya, qua giờ cao điểm, điện áp tăng dần lên, mới bắt đầu làm việc, đọc sách.

Hồi ấy, đời sống rất khó khăn, thiếu thốn đủ mọi thứ, song những cán bộ viên chức bình thường như chúng tôi thì vẫn đủ vài bộ quần áo vải lành lặn (vì được phát phiếu mua 5m vải mỗi năm) và chiếc xe đạp tàm tạm (được mua sau những đợt bình xét gay go) để đi làm. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên thấy một cán bộ “có cỡ” như anh mà sao quá đỗi giản dị. Anh chỉ mặc quân phục, mùa hè cũng như mùa đông (trời lạnh thì chỉ thêm chiếc lót bông bên trong áo ngoài). Có bộ áo quần đã cũ, bạc màu, đôi chỗ vá víu vụng về (chắc là do anh tự vá!). Chiếc xe đạp của anh thì quá cũ, đến mức không thể cũ hơn được nữa! Lúc đi lại, anh dùng bao tay và đi giày cao cổ giống như đồ bảo hộ lao động. Khi bỏ giày, tôi thấy đôi tất cũng rách và chỗ vá còn thô thiển hơn. Quả là khác người! Thoáng nghe, ai cũng cho là “lập dị”. Nhưng gần anh mới hiểu rằng dưới vẻ bề ngoài “khác người” là những suy nghĩ kín đáo và sâu sắc. Anh nói: ”Nước mình còn nghèo, mỗi người không thể chi dùng quá mức cho phép!”. Chúng tôi lắng nghe và không một ai có thể nghi ngờ những ý nghĩ chân thành của anh. Vài thói quen “khác người” khác có lẽ bắt nguồn từ nghiệp vụ tình báo mà chúng tôi không tiện hỏi kỹ.

Nhà khoa học và thần học.

Hội nghị Cơ học toàn quốc được tổ chức tại Huế năm 1982. Tôi giảng dạy tại Đại học Thuỷ lợi Hà Nội, chuyên ngành Cơ học vật rắn biến dạng và Kết cấu công trình. Anh Ngọc thuộc chuyên ngành Toán học và Cơ học thuỷ khí. Ban Tổ chức Hội nghị thuê 1 toa tàu hoả cho những đại biểu từ Hà Nội đi họp. Nhiều người biết tiếng anh Ngọc giỏi tử vi và xem tướng tay, kéo đến khoang ngủ trong toa nhờ anh xem. Toàn là những người chưa hề quen anh. Vui dọc đường xa, anh xem cho từng người, chủ yếu xem đường nét trên bàn tay. Anh không nhìn nét mặt, không hề quan tâm đến phản ứng của người trước mặt, cũng không đặt câu hỏi gì thêm (thường khi làm những việc tương tự như thế này, người ta hay hỏi thêm để dò ý “thân chủ” xem sao!!). Anh chỉ chú ý xem tay rồi nhẩn nha xét đoán, nhẹ nhàng và hóm hỉnh. Lạ chưa, ai được xem xong cũng tấm tắc “chịu thầy”(!). Tôi có nhiều bạn bè và người quen trong số này. Họ thực sự kinh ngạc vì thấy anh nói về họ chính xác quá chừng.  Những chuyện về sức khoẻ, gia đình, riêng tư xảy ra mấy chục năm trước hay đang diễn ra đều được kể lại chi tiết đến không ngờ! Vì thế mà có người đã định nhờ anh xem rồi lại rụt lại vì e ngại chuyện thầm kín của mình bị “lộ” mất. Có người dáng vẻ sắc sảo và cá tính mạnh mẽ, sau khi nghe anh, lặng lẽ ra đầu toa khóc ràn rụa nước mắt, chắc là xúc động quá khi gợi lại đúng kỷ niệm xưa.

Do yêu cầu của nhiệm vụ tình báo ở Sài Gòn trước năm 1975, anh Ngọc đã dùng cách “bói toán”, tử vi, tướng số để tiếp cận và thu thập thông tin từ các sĩ quan nguỵ. Anh đã phải nghiên cứu rất sâu về lĩnh vực này, am hiểu cả Kinh Thánh của đạo Thiên chúa, Kinh Coran của đạo Hồi và giáo lý của nhiều tôn giáo khác. Các năm sau, các nơi mời anh đến nói chuyện tuy về những chủ đề khác, song thế nào cũng đề nghị anh nói đôi chút về tử vi. Chuyện tử vi thì chắc còn tranh luận nhiều. Tuy nhiên, nếu con người là một thể thống nhất thì tướng mạo và nhất là đường nét trên bàn tay không lẽ lại không thể hiện sức khoẻ, tâm tính, suy tư, trí tuệ,…? Có thể có những qui luật nào đó mà ta chưa khám phá hết. Hẳn là anh đã nắm được một phần những qui luật đó.  Anh nhận lời đến nói chuyện ở Đại học Thuỷ lợi. Chúng tôi định đưa ô tô đi đón anh, anh nhất định tự đến và dứt khoát từ chối chuyện đưa đón. Sau buổi nói chuyện, anh ghé lại nhà tôi. Anh xem tướng tay và cho gia đình tôi một số lời khuyên. Khi xem tay tôi, có lúc anh hơi dừng lại, nhíu mày. Tôi hiểu là anh đã nhận ra một số nhược điểm của tôi thể hiện trên bàn tay và anh đã dùng lời rất tế nhị.

Người chiến sĩ tình báo.

Những năm hoạt động bí mật của người chiến sĩ tình báo Nguyễn Đình Ngọc thật gian nguy, độc đáo và phong phú. Tôi chỉ xin phép ghi lại đây vài mẩu chuyện nhỏ đã dược anh kể cho nghe. Trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1950, cơ quan an ninh ta quyết định đưa anh  từ khu 4 vào hoạt động trong vùng địch. Lúc đầu dự định đưa anh như là một thanh niên xứ Nghệ vào Huế học. Anh đã tập nói giọng Nghệ An. Được vài tháng, cấp trên  thay đổi phương án, đưa anh qua ngả Ninh Bình dưới danh nghĩa đi học và chữa bệnh ở Hà Nội. Lúc ấy, anh đang bị ho lao nặng. Cấp trên đưa cho anh 1 đoạn dây đồng hồ đeo tay và dặn sẽ có người mang 1 đoạn dây tương tự đến bắt liên lạc với anh. Anh hoạt động bí mật từ đó đến ngày chiến thắng 30/4/1975. Mấy ngày trước đó, một số hải đoàn của quân nguỵ tập trung ở Cần Giờ và Long An để kháng cự quân ta. Tình hình trở nên nghiêm trọng. Cấp trên giao cho anh nhiệm vụ  gặp viên tướng chỉ huy (vốn là chỗ anh có quan hệ) để vận động họ ra hàng. Anh gặp họ và khéo léo thuyết phục thành công. Họ hứa sẽ chờ  tin của ta qua điện đài để xác nhận thời gian và địa điểm giao nộp vũ khí. Anh về báo cáo với cấp trên. Rất tiếc là vào thời điểm đó có quá nhiều việc khẩn trương nên ta quên liên hệ với họ. Đợi không thấy tín hiệu của ta, họ đành đưa tàu ra khơi rồi đi đâu không rõ. Lẽ ra anh sẽ tiếp tục hoạt động trong cái “vỏ” nhà trí thức “gàn” nhưng sau sự việc này, cái “vỏ” đó không giữ được nữa.   

Chuyên gia hàng đầu về tin học.

Tôi ở trong số những người sử dụng chiếc máy tính điện tử Minsk-22 đầu tiên ở miền Bắc cuối những năm 60. Sau đó, vẫn tiếp tục tính toán với các máy tính điện tử khác, công năng lớn hơn, lại càng cồng kềnh. Dữ liệu vào (input) được ghi trên băng hoặc bìa giấy đục lỗ. Thời gian được phép sử dụng máy tính rất hạn chế. Mấy năm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, tôi thường phải làm ca đêm tại các Trung tâm máy tính vì ban ngày máy bận, không thể “chen chân” được. Vất vả là thế mà vẫn thấy mãn nguyện lắm. Hầu như chưa ai nghĩ rằng chỉ ít năm sau, chuyện làm máy tính như vậy đã thành “cổ tích”, cuộc sống của con người được “số hóa” cực kỳ nhanh chóng và tin học tràn ngập đến mọi ngóc ngách như ngày nay. Suốt mấy chục năm theo dõi sự phát triển nhanh đến chóng mặt của lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn này, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Ngọc luôn đứng ở tầm cao, nắm bắt kịp thời, sâu sắc và toàn diện những thành tựu mới mẻ nhất cùng với những nhận định chính xác. Sự  thông thạo nhiều thứ tiếng (Pháp, Anh, Đức và phần nào cả tiếng Nga trong chuyên môn) đã giúp anh có thêm sức làm việc và sức “đọc” mà ít ai bì kịp.

Đầu những năm 80, tôi dự sinh hoạt của một nhóm chuyên gia tin học, trong đó có anh Ngọc. Anh luôn phát biểu những dự báo và đề xuất những kiến giải có giá trị. Hồi đó, loại máy tính để bàn (desktop) còn xa vời đối với nhiều người trong chúng tôi nhưng anh đã sớm cảnh báo là phải chuẩn bị khẩn trương để chủ động trước đợt xuất hiện rầm rộ của những chiếc “Quả táo” (“Apple”). Lời cảnh báo đã thành hiện thực.

Bẵng đi khá lâu do đi học và nghiên cứu ở nước ngoài rồi bận bịu với công tác quản lý, tôi không có dịp gặp anh. Cách đây ít lâu, khi phụ trách ứng dụng công nghệ tin học ở Bộ Nông nghiệp và PTNT, tôi gặp lại anh. Trông anh già hơn, tóc bạc nhiều, nhưng còn khoẻ, dáng đi vẫn nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn sáng đầy nghị lực, đôi vành tai rộng thỉnh thoảng vẫn tự  hấp háy cử động (cũng rất “khác người”!), giọng nói vẫn nhỏ nhẹ, ân cần, hóm hỉnh. Bộ quân phục tươm tất, đẹp hơn trước. Anh vẫn đem đến cho chúng tôi những thông tin phong phú và mới mẻ nhất, những phân tích và định hướng  rất chuẩn xác. Phải chăng đã có thể tránh được một số lãng phí, chậm trễ trong công nghệ tin học và viễn thông nếu chúng ta chú trọng đúng mức hơn đến những ý kiến của anh. Không ngờ đấy là lần cuối cùng được trò chuyện với anh.

                                         *

Người trí thức chân chính, đức độ và tài năng như anh là “hiền tài” của đất nước, là “nguyên khí của quốc gia”. Đành rằng “sinh, lão, bệnh, tử” là qui luật tự nhiên, vậy mà khi nghe tin bậc hiền tài như anh về cõi vĩnh hằng, chúng tôi xúc động xiết bao. Câu thơ man mác, ngậm  ngùi, “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”… tự thưở nào của nhà thơ Vũ Đình Liên trở lại trong tâm trí tôi. Xin vĩnh biệt anh, người chiến sĩ dũng cảm và nhiều công lao xuất sắc, nhà khoa học khiêm nhường và uyên bác. Đất nước có những người con ưu tú như anh nhất định sẽ trường tồn, sẽ rạng rỡ mãi.

 

                             Mùa thu 2006     

              GS. TSKH. Phạm Hồng Giang