Vì sao phải duy trì mực nước sông Hồng tại Long Biên (Hà Nội) ở 2,2 mét?[20/02/17]
20/02/2017 08:47
Vì sao phải duy trì mực nước sông Hồng tại Long Biên (Hà Nội) ở 2,2 mét?
PV Tạp chí Điện lực có cuộc trao đổi với GS. TSKH Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Hỏi: Năm 2011, các hồ thủy điện miền Bắc chỉ điều tiết 2,9 tỷ m3 là đủ cho Đồng bằng Bắc Bộ đổ ải, nhưng đến nay, con số này tăng lên 4,8 tỷ m3 , cá biệt có năm lên tới 5,7 tỷ m3 . Vì sao lượng nước các hồ điều tiết cho hạ du trong mỗi mùa đổ ải ngày càng tăng, thưa Giáo sư?
Trả lời: Nguồn nước sông Hồng đã và đang chịu những tác động mau lẹ, mạnh mẽ và phức tạp từ các hoạt động dân sinh và phát triển, cho đến tác động do biến đổi khí hậu khiến cho mực nước sông Hồng giảm thấp, đặc biệt là hạ du hệ thống sông Hồng – Thái Bình đang biến đổi rất nhanh.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là sự thay đổi lòng dẫn, đáy sông, lưu lượng. Đáy sông từ Việt Trì về xuôi, nhất là đoạn qua Hà Nội bị bào xói trên dưới 4m chỉ trong hơn 10 năm qua. Cửa sông Đuống bị xói sâu khoảng 10 mét.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng các chuyên gia đều đánh giá tình hình khai thác cát không được kiểm soát là nguyên nhân chính. Lòng dẫn bị đào rộng. Nước sông rất cạn khi cùng mức lưu lượng như trước đây.
Những số liệu quan trắc mới nhất trong mùa khô năm 2016 cho thấy thực trạng này ngày càng xấu đi. Nước sông quá thấp, không thể chảy vào những hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho toàn vùng đồng bằng.
Do đó, những năm qua, cứ đến thời vụ trồng cấy lúa, các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn phải xả lượng nước lớn xuống hạ du, lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu phát điện lúc đó và cũng lớn hơn rất nhiều so với lượng nước thực sự cần tưới trên đồng ruộng.
Lượng nước cần đưa vào hệ thống thủy lợi là 1,9 tỷ m3 nhưng phải xả đến 5 tỷ m3 vì còn phải tạo lớp nước đệm do đáy sông đã bị bào xói. Tỷ lệ phân lưu nước sông Hồng vào sông Đuống ngày càng lớn tới mức xấp xị 50% gây hậu quả là hạ du sông Hồng mùa khô bị cạn kiệt nặng hơn.
Hỏi: Ngay trong đợt đổ ải vừa qua, các hồ thủy điện phải đảm bảo lưu lượng xả sao cho mực nước sông Hồng phải duy trì ở mức 2,2 mét tại Long Biên (Hà Nội) thì hệ thống thủy lợi mới hoạt động được. Có ý kiến cho rằng, điều này gây ra một sự lãng phí rất lớn nguồn nước. Quan điểm của Giáo sư như thế nào?
Trả lời: Đúng như vậy. Để lấy nước hiệu quả, mực nước thượng lưu các cửa lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi phải ở mực nước thiết kế trở lên. Trong khi đó, hệ thống thủy nông của ta, có những công trình đã được đưa vào vận hành từ những năm 60 của thế kỷ XX, ví dụ như Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, qua thời gian, mực nước sông Hồng ngày càng giảm thấp, khiến cho đáy cống và bể hút các trạm bơm rơi vào tình trạng “treo”. Vì vậy, các hồ thủy điện phải xả với lưu lượng càng năm càng lớn thì hạ du mới lấy được nước.
Thậm chí, ở Hà Nội có Trạm bơm Sơn Tây được xây dựng từ những năm 1920, đến nay vẫn dùng. Cốt lấy nước của Trạm bơm này là 5m, tương ứng mực nước tại Long Biên phải khoảng 2,7m. Như vậy, mực nước sông Hồng 2,2 m tại Long Biên thì trạm bơm này cũng không thể hoạt động được.
Các hồ thủy điện cung cấp nước trong mùa đổ ải là giải pháp được thực hiện nhiều năm nay. Mặc dù giải quyết được một phần nhu cầu thực tế là đảm bảo nước đổ ải cho vụ đông xuân nhưng phải thẳng thắn thừa nhận biện pháp này gây ra sự lãng phí nguồn nước và mất an ninh nước trong mùa khô sau khi đổ ải. Thực tế khối lượng nước 4 – 5 tỷ m3 nước xả xuống hằng năm thì chỉ có khoảng 20% nước chảy vào kênh, còn lại 80% chảy ra biển.
Hỏi: Theo giáo sư, cần phải có biện pháp như thế nào để các hệ thống thủy nông hoạt động hiệu quả hơn, có thể lấy được nước ngay cả khi mực nước sông Hồng tại Long Biên dưới 2,2 m?
Trả lời: Dòng chảy trong sông có hai thông số đặc trưng quan trọng là lưu lượng và mức nước. Muốn cho hệ thống thủy nông hoạt động hiệu quả thì có nhiều việc phải làm, nhưng việc trước tiên là phải lấy được nước vào hệ thống, mức nước tại cửa lấy nước vào hệ thống phải đạt mức thiết kế. Do đáy sông Hồng ở hạ du kể từ Việt Trì qua Hà Nội xuống Hưng Yên, Hà Nam,..bị bào mòn, cào xới tùy tiện nhất là tại những vùng có cửa lấy nước vào các hệ thống thủy nông, mức nước thấp hụt nghiêm trọng nên nước sông không thể vào hệ thống. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đã và đang nghiên cứu một số phương án nhằm nâng mức nước sông và lấy nước vào hệ thống thủy nông, từ đó đề xuất giải pháp thích hợp. Giải pháp hiện nay vẫn đang dùng là huy động xả nước từ các hồ thủy điện ở thượng lưu, tạo ra lớp nước đệm để dâng mức nước sông đủ để lấy nước cho đổ ải và cấy lúa. Nhưng như đã nêu ở trên, giải pháp này gây lãng phí nước rất lớn. Giải pháp thứ hai là dùng bơm tại cửa lấy nước, tuy nhiên sẽ tốn kém do phải đầu tư công trình, máy bơm và điện chạy bơm. Cả hai giải pháp trên đều không giải quyết được vấn đề giao thông thủy, cảnh quan, môi trường nước,..Giải pháp thứ ba là xây dựng một số đập dâng ở cửa lấy nước vào hệ thống thủy lợi. Giải pháp này đáp ứng tổng thể các mục tiêu, vừa dâng cao mức nước sông, vừa tạo thuận lợi giao thông thủy, chủ động xả trôi các chất ô nhiễm trong kênh mương vào mùa khô, vừa tạo cảnh quan đẹp, nhất là những chỗ qua đô thị. Tuy việc làm các đập đâng ở hạ du sông đồng bộ với các hồ chứa ở thượng nguồn là cấu trúc thông thường để khai thác sử dụng hiệu quả tổng hợp nguồn nước cho nhiều mục tiêu dân sinh kinh tế, phòng tránh thiên tai, nhưng với những sông lớn như sông Hồng thì việc nghiên cứu qui hoạch, khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, các vấn để xã hội, vốn đầu tư,… cần khá nhiều thời gian. Giải pháp thứ tư, đáp ứng ngay yêu cầu dâng mực nước sông tại một số cửa lấy nước vào hệ thống thủy lợi là dùng các biện pháp ngầm với vật liệu thô sơ tại chỗ phục hồi cao trình đáy sông ở các vị trí nói trên bằng mức trước khi bị suy sụt. Giải pháp này đơn giản, dễ thực hiện, cần ít kinh phí, không ảnh hưởng gì đến các hoạt động hiện có của dòng sông.
Hỏi: Trong bối cảnh ngành Điện vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa phải điều tiết nước đáp ứng nhu cầu sản xuất – sinh hoạt ở hạ du, thì đâu là giải pháp có thể cân bằng hài hòa giữa 2 mục tiêu này trong mỗi mùa đổ ải, thưa Giáo sư?
Trả lời: Nước cần cho mọi yêu cầu dân sinh, kinh tế. Sử dụng nguồn nước hài hòa cho nhưng yêu cầu đó sao cho đạt hiệu quả cao là một vấn đề lớn. Khi đã có các hồ trữ nước thì phải tính toán sử dụng lượng nước đó một cách tiết kiệm và hiệu quả. Việc để trôi khoảng 5tỷ m3 chỉ để tạo lớp nước đệm dọc hạ du sông Hồng là lãng phí lớn. Ấy là còn chưa đề cập đến tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Vì vậy ngành Điện cần chủ động và phối hợp tích cực hơn với ngành Thủy lợi, với Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam để sớm triển khai giải pháp khắc phục sự lãng phí nước hiện nay, từ lập dự án đến tham gia đầu tư.
PV.