‘Tiền trảm hậu tấu’.[20/03/17]

20/03/2017 10:23

12

‘Tiền trảm hậu tấu’

 

Tô Văn Trường

 

Thông tin trên báo chí chính thống của nhà nước cho biết Dự án đầu tư JA solar ở khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc  Giang của nhà đầu tư Trung Quốc vốn 6235 tỷ đồng quy mô sản xuất tấm pin mặt trời công suất 1500MW/năm, thanh silic đơn tinh thể công suất 600MW/năm, thỏi silic đa tinh thể công suất 900 MW/năm, tấm silic 1500 MW/năm diện tích sử dụng đất 20 ha.

Dự án chưa làm báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng đã động thổ từ 27/11/2016 bị báo chí lên tiếng, Cục thẩm định chủ động gửi công văn cho địa phương như kiểu "cọc đi tìm trâu" thì đến ngày 6/3/2017 chủ đầu tư mới nộp báo cáo ĐTM đến Bộ TNMT.? Vai trò, giá trị của ĐTM theo luật bảo vệ môi trường đâu phải chỉ làm công cụ hợp pháp hoá cho chủ trương đầu tư ?

Thủ tướng Chính phủ đã công khai chỉ đạo các ngành không được chấp nhận đầu tư bằng mọi giá, nhất là không phát triển kinh tế bằng đánh đổi môi trường. Trước đây, Bộ TNMT cũng không cho phép tiến hành xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A mặc dù báo cáo ĐTM đã được tư vấn làm lại. Gần đây, nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang cũng vẫn không được hoạt động vì chưa giải quyết đươc vấn đề bảo vệ môi trường.

Trở lại vấn đề nhà máy JA solar Bắc Giang “tiền trảm hậu tấu” chắc phải có người chống lưng ở địa phương nên nhà đầu tư mới làm liều bất chấp luật pháp của VN đến như thế!.

Có ý kiến cho rằng so với dự án pin mặt trời ở Ninh Thuận sắp ra mắt, sử dụng công nghệ của Đức thì dự án Bắc Giang này lạc hậu - không sử lý bằng nhiệt mà vẫn dùng hóa chất, hiệu suất sử dụng và tuổi thọ tấm pin thấp hơn. Tôi chưa rõ là công nghệ xử lý nhiệt và hóa chất là như thế nào và thuộc công đoạn nào nhưng trong quy trình sản xuất thì đều phải có công đoạn nung chảy silic và dùng nhiệt cả.

Vấn đề nổi cộm là việc thiếu thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì không chấp nhận được. ĐTM của dự án JA sola ở Bắc Giang phải quan tâm đến công nghệ chế biến Silic đơn tinh thể để biết được các chất tham gia quá trình điều chế và chất thải ra môi trường. Bụi silic xử lý như thế nào?

Thường các nhà sản xuất Solar PV module đặt nhà máy tại gần khu vực có khả năng tiêu thụ sản phẩm cao như những vùng có tiềm năng bức xạ GHI tốt để giảm chi phí vận chuyển. Ở VN, tiềm năng GHI từ Đà Nẵng trở vào Nam thì tốt để nghiên cứu đầu tư phát triển điện mặt trời. Khu vực miền Bắc GHI thấp, khả năng phát triển điện mặt trời công nghệ Solar PV không cao. Vậy tại sao JA Solar lại đặt nhà máy sản xuất Solar PV module tại Bắc Giang?

Theo Nghị định hiện hành của Chính phủ, trường hợp nhà máy sử dụng cát nguyên khai từ 500.000 m3/năm thì báo cáo ĐTM phải được Bộ Tài Nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Cần kiểm tra xem dây chuyền công nghệ có khả năng tái chế PV module sau khi hết tuổi thọ vận hành (thường sau 25 năm)?

Kiểm tra kỹ danh mục hoá chất sử dụng trong việc sản xuất / tái chế PV module? vv…

Đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường cần cứng rắn trong trường hợp này để lập lại kỷ cương phép nước và nâng cao vị thế của ngành trong vai trò quản lý nhà nước.

1) Bộ chính thức lên tiếng đề nghị xử lý về những vi phạm nêu trên;

2) Lập Hội đồng khoa học làm thật kỹ báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM và yêu cầu làm rõ công nghệ và các biện pháp bảo vệ môi trường, và chỉ được phép hoạt động khi nào báo cáo ĐTM được phê duyệt.