Sửa luật đất đai – Người nông dân cần gì.[27/03/17]
27/03/2017 08:43
SỬA LUẬT ĐẤT ĐAI- NGƯỜI NÔNG DÂN CẦN GÌ? Tô Văn Trường
Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm 2017.
Rất tiếc là người dân chưa được bàn về vấn đề cốt lõi “đất đai là sở hữu toàn dân” vì đụng chạm đến Hiến pháp và Nghị quyết của Đảng. Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tích tụ ruộng đất và mở rộng hạn điền là bước tiến dài trong đổi mới, là khâu đột phá trong việc sửa luật đất đai của Chính phủ.
Hầu hết các nước thành công về nông nghiệp luôn coi trọng bảo vệ nền an ninh lương thực và hướng phát triển nông nghiệp thành ngành công lâm nghiệp hiện đại hoá, gắn kết phân phối lưu thông tiên tiến giúp cho họ đạt nhiều chuỗi giá trị trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Đương nhiên, kinh doanh nông nghiệp muốn có nhiều lợi nhuận ngoài việc tổ chức sản xuất tiên tiến, hiệu quả, đầu ra ổn định thì các chính sách về quản lý công tư liên quan đến chủ sở hữu phải công bằng và minh bạch.
Có ý kiến cho rằng có 2 cách thực hiện tích tụ ruộng đất. Thứ nhất là tích tụ hộ theo hướng các tổ hợp tác tự nguyện. Theo hướng này, đất nhà ai vẫn của nhà đó, chỉ cải tạo đồng ruộng, nâng cấp hạ tầng và cùng thương mại sản phẩm theo định hướng thống nhất. Tổ hỗ trợ giống, kỹ thuật, thậm chí bảo lãnh vay vốn, nhà nước hỗ trợ hạ tầng, khoa học, đào tạo, giới thiệu thị trường.
Cách thứ hai là tích tụ ruộng đất theo hướng trang trại khi có đủ điều kiện như: Doanh nghiệp trình phương án sản xuất, địa phương (cấp tỉnh) có sự tham gia của UBND huyện thẩm định phương án, thỏa thuận với các xã lựa chọn (nếu liên xã). Tham vấn đồng thuận của các Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & Môi trường, Khoa học Công nghệ.
UBND tỉnh phê duyệt phương án, chỉ rõ chủ đầu tư, điều kiện và cấp huyện tổ chức thuê đất cho doanh nghiệp. Phải yêu cầu doanh nghiệp trực canh, song có thể liên kết. Hàng năm huyện tổ chức đánh giá hiệu quả.
Ngẫm suy nếu làm như trên vẫn còn bất cập vì theo quan niệm của kinh tế nông nghiệp: tích tụ là đơn vị của trang trại tự tăng quy mô từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Tập trung là nhiều doanh nghiệp nhỏ tự nguyện hợp thành doanh nghiệp lớn hay còn gọi là trang trại hợp danh (không phụ thuộc vào chính quyền địa phương huyện, xã vv…).
Theo tôi hiểu, có 2 cách tích tụ và tập trung. Thứ nhất là những trang trại gia đình nhỏ trở thành trang trại gia đình quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao. Thứ hai là doanh nghiệp đứng ra thuê đất của nông dân biến nông dân thành những hộ sản xuất gia công theo tiêu chuẩn cho doanh nghiệp ở những khâu sản xuất mang tính sinh học. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Trong điều kiện đất đai manh mún hiện nay, doanh nghiệp đứng ra làm theo phương châm:”cùng trà giống, cùng liền đồng” tạo ra cánh đồng lớn. Muốn tích tụ ruộng đất phải có thị trường đất đai đích thực. Trong khi đó, thị trường đất đai lại chỉ tồn tại nhờ nguồn cung tức là nông dân sẵn sàng cho thuê đất dài hạn hoặc bán đất. Nông dân được doanh nghiệp đào tạo thành nông dân chuyên nghiệp ngay trên mảnh đất của chính mình. Nhà nước tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của cả doanh nghiệp và người nông dân, các công việc còn lại là của người dân và thị trường.
Nước ta, đất hẹp, người đông nếu chỉ quan tâm đến việc tích tụ, mở rộng hạn điền cũng sẽ gặp nhiều bất cập trong thực tế. Vấn đề đặt ra là phải xem xét ở giác độ tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, có những hình thức liên kết thích hợp để hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, với sản lượng ổn định để đưa nông sản ra thị trường. Trong điều kiện đó, con đường sản xuất nông sản theo quy mô vùng chuyên canh có tổ chức và thương nghiệp phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với yêu cầu của thị trường. Để hỗ trợ hoạt động này cần tăng cường các dịch vụ liên quan ví dụ như dịch vụ thông tin, đăng ký giải quyết tranh chấp vv...
Nhìn chung lại: Người nông dân mong rằng có những quyết sách sáng suốt, công khai, minh bạch, tránh việc hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ nông nghiệp, và quyền tích tụ ruộng đất rồi lại “biến tướng” sai với mục đích ban đầu. Không được tập trung ruộng đất bằng các biện pháp dồn nông dân vào hoàn cảnh khó khăn để buộc phải bán ruộng đất.
Tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền chưa phải là khâu quan trọng khi sửa luật đất đai, mà vấn đề cốt yếu nhất, quan trọng nhất là quyền sở hữu. Cái "bẫy việt vị" cài sẵn lâu nay là Nhà nước 4 cấp và 4 Bộ có quyền lấy đất, bất cứ lúc nào theo điều khoản “đền bù” trong khung giá nhà nước.
Thực tế diễn ra lâu nay, khi đất bị thu hồi, những kẻ đầu cơ, cán bộ lại được hưởng lợi, còn nông dân vẫn bị thiệt đủ bề, tâm lý nông dân và tâm lý xã hội nói chung rất bất an, dẫn đến khiếu kiện ở nhiều nơi. Nước ta vẫn chưa có thị trường đất đai theo đúng nghĩa của nó. Sửa luật đất đai lần này người nông dân yêu cầu coi đất đai là hàng hoá, không phải theo chính sách “đền bù” mà phải là “thuận mua, vừa bán” theo giá thực tế của thị trường.
Xin mượn lời tâm sự của vị lãnh đạo tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long để thay cho lời kết của bài viết này: ”Tôi biết có kẻ có nhiều tiền mua đất nông nghiệp đầu cơ, bảo toàn vốn chắc ăn hơn vàng và đô la, phát canh thu tô trá hình, chỉ sợ nông dân bị lừa một trận nữa trắng tay, nếu có như Hy Lạp thì tự sát tập thể, vì "quay đầu lại” không còn bờ đất để mà "cạp"!