Cần được trả lời không thể muộn hơn, công khai, minh bạch.[30/03/17]

30/03/2017 09:37

26

CẦN ĐƯỢC TRẢ LỜI KHÔNG THỂ MUỘN HƠN,

CÔNG KHAI, MINH BẠCH

 

Gs. Nguyễn Ngọc Trân

1.  Ngày 30.03.2017 tới đây sẽ tròn một năm chúng tôi có văn bản gửi chính thức đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bài Nhận xét của chúng tôi về Báo cáo của Công ty tư vấn, Viện Thủy lợi Đan Mạch (Danish Hydraulics Institute, DHI), thông qua một hợp đồng là 4,3 triệu USD, để thực hiện Dự án

NGHIÊN CỨU TÁC ĐỘNG CỦA CÁC CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN

TRÊN DÒNG CHÍNH SÔNG MÊKÔNG (MDS)

(phiên bản tháng 12.2015)

Văn bản của chúng tôi kết thúc bằng các kiến nghị cụ thể:

“Dự án MDS được Bộ TNvMT nghiệm thu đã gần hai tháng. Xin kiến nghị:

(1) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

1.      Công bố các báo cáo cuối cùng, chính thức của Công ty tư vấn;

2.      Công bố kết quả nghiệm thu với các tài liệu có liên quan (danh sách Hội đồng nghiệm thu, các báo cáo phản biện, trả lời của Cty tư vấn)

3.      Công bố TOR mà Bộ TNvMT đặt hàng cho Cty Tư vấn và Văn bản hợp đồng đã ký giữa Bộ TNvMT với Cty Tư vấn;

4.      Báo cáo tài chính về Dự án MDS.

(2) Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức để nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình công khai về dự án MDS.

(3) Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành có liên quan tổ chức để Báo cáo của MDS được phản biện rộng rãi và nghiêm túc trước khi trình Chính phủ xem xét việc phê duyệt.”

Kiến nghị thứ ba rất quan trọng bởi lẽ MDS là một dự án của Chính phủ Việt Nam. Phê duyệt báo cáo MDS có nghĩa là Chính phủ Việt Nam công nhận các kết quả của cơ quan tư vấn với nhiều hệ quả khó lường hết được.

Văn bản trên cũng đã được gửi đến các bộ có liên quan, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, và đến các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Các kiến nghị xuất phát từ đánh giá của chúng tôi là rất nhiều kết luận của Báo cáo MDS do DHI thực hiện là “không đáng tin cậy”, đánh giá thấp, và nhất thời các tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đối với châu thổ sông Mekong trong đó có đồng bằng sông Cửu Long.

Không đáng tin cậy vì 5 lý do: Phương pháp luận tiếp cận không đầy đủ, thiếu những tác nhân cơ bản (sau đó DHI phải thừa nhận); Sai số, tích lũy và lan truyền sai số của mô hình không được làm rõ; Số liệu đầu vào nhiều sai số và không được cập nhật; Chế độ vận hành của các đập phi thực tế; Hiểu biết thực tế là một điểm yếu cơ bản, đánh giá tác động chủ yếu bằng mô hình trên máy tính.

2. Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV tháng 11.2016, chúng tôi đã có thư gửi đến Bộ trưởng Bộ TNvMT qua các cơ quan của Quốc hội, đề nghị Bộ trưởng trả lời các kiến nghị trên đây.

Theo chúng tôi được biết, Bộ trưởng đã nhận được công văn của Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, “đề nghị đồng chí xem xét, có văn bản trả lời ông Nguyễn Ngọc Trân và thông báo kết quả đến Ban Dân nguyện để báo cáo Chủ tịch Quốc hội”.

Thế nhưng cho tới hôm nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được trả lời của Bộ trưởng Bộ TNvMT.

3. Trong khi còn chưa rõ Báo cáo của Công ty tư vấn DHI đã được Bộ TNvMT nghiệm thu chưa và như thế nào, đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt hay chưa, thì gần đây ông Giám đốc điều hành (CEO) Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC), ông Phạm Tuấn Phan, trong một bài trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn tham vấn khu vực “Thủy điện không khiến dòng Mekong sẽ chết”, đã phát biểu: Việc đó thì chúng ta đã có một nghiên cứu ở ĐBSCL do Ủy ban sông Mekong VN thực hiện. Kết quả cho thấy các đập trên sông Mekong sẽ có những ảnh hưởng nhất định”.

Không đề cập đến nội dung trả lời phỏng vấn, phát biểu trên đây khiến cho người đọc, Việt Nam và quốc tế, nghĩ rằng Báo cáo MDS của DHI đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, và đã được Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong thừa nhận.

Để mọi cách làm nhằm công nhận “trên thực tế” những kết luận “không đáng tin cậy, mọi việc cần được rõ ràng trên một vấn đề vô cùng hệ trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần trả lời các kiến nghị trên đây của chúng tôi không thể muộn hơn, công khaiminh bạch, là cấp thiết./.