Nuôi cá để thử chất độc![12/04/17]
11/04/2017 14:24
Tô Văn Trường
Nhiều người hỏi tôi bình luận về đề xuất của anh Nguyễn Văn Đồng (giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hậu Giang) nuôi cá tại ống xả thải của nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam và cán bộ của ngành nông nghiệp và UBND tỉnh sẽ ăn trước!?.
Nói chuyện qua phone, tôi hiểu thiện chí của anh quan tâm đến ngành thuỷ sản của địa phương nhưng về mặt khoa học nào đó thì hoàn toàn không ổn. Công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng, bởi vì phải khai thác các nguồn selulo tự nhiên (rừng), sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất "xeo" và việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại và nguy hiểm. Đặc biệt, với những nhà máy giấy, hoá chất, đáng lo ngại nhất là phát thải dioxin và các chất giống dioxin. Quản lý dioxin và các chất giống dioxin ở Việt Nam còn rất yếu kém.
Trên thế giới, mặc dù hơn 30 năm phát triển ngành giấy và bột giấy những vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại đặc biệt đối với những nước đang phát triển bởi sử dụng công nghệ cũ và lạc hậu. Hơn nữa, việc sử dụng quy trình tẩy sử dụng Cl2 hoặc có dẫn xuất của chlorine. Mặc dù đã sử dụng những công nghệ tẩy trắng tiên tiến, nhưng vẫn phát hiện hàm lượng và thành phần dẫn xuất của Chlorine trong chất thải từ các nhà máy giấy và bột giấy. Bởi vậy, dù sử dụng công nghệ tiên tiến, nhưng những ảnh hưởng của phát thải nhà máy giấy và bột giấy tới thủy sản vẫn chưa giải quyết được.
Dù là sản xuất bột giấy tái chế thì cũng có vô vàn các loại hóa chất độc hại sẽ thải ra ngoài. Ngay cả những nước phát triển, hệ thống xử lý nước thải vô cùng tiên tiến vẫn còn rất nhiều vấn đề về môi trường. Hơn thế nữa, trong thành phần mực, và nước thải từ hệ thống tẩy trắng có nhiều thành phần kim loại nặng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ thủy sản như: (đồng, chì, kẽm, chromium, cadmium).
Có những loại cá sống chung với độc.
Anh có thấy dọc kênh rạch vô cùng bẩn mà vẫn có cá, đặc biệt loại sống ở bùn. Ở trong nam làm sao có máy móc, chuyên gia và cả tiền nữa để phân tích cho hết các chất độc hại, đặc biệt là dioxin, các chất giống dioxin để bảo đảm là cá sạch.
Vấn đề là phải biết công nghệ sản xuất của nhà máy này là gì. Bình thường nếu là công nghệ kiềm, tẩy trắng bằng ClO2 / javen thì có thể tạo ra các chất clo độc hại. Dịch thải có độ kiềm cao độc hại với môi trường nhưng đối với con người thì khó tác động trực tiếp. Dịch đen dù có xử lý khi thải vẫn có lignin, mercaptan...
Với góc độ là cơ quan quản lý thủy sản địa phương.
Việc kiểm tra định kỳ cá nuôi/sống tự nhiên trong nguồn nước là rất cẩn thiết để kịp thời cảnh báo cho người dân về độ an toàn thực phẩm, điều mà hầu như đang bị bỏ ngỏ, cứ xảy ra ngộ độc hoặc cá chết đột ngột thì cơ quan quan lý mới "chữa cháy", lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, việc "ưu tiên" thực hiện đối với khu vực nhận nước thải của nhà máy Lee&Man lại khiến người ta nghi ngờ, nhất là tuyên bố nuôi cá để "cán bộ ngành Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang ăn và UBND tỉnh cũng đăng ký ăn nếu đảm bảo an toàn" dễ làm hiểu rằng các cơ quan quản lý của tỉnh đang cố gắng tiếp tục "bênh vực" nhà máy đang có nhiều tai tiếng này.
Với góc độ giám sát chất lượng nguồn nước và chất lượng nước thải.
Không thể chỉ dựa trên quan sát bằng mắt thấy "cá bơi lội tung tăng", kể cả phân tích thành phần chất độc hại có trong cá. Có những chất ở nồng độ dưới ngưỡng thì không gây ngộ độc/tác hại tức thời, nhưng nguy hiểm là lại có khả năng tích tụ trong cơ thể người, đến một mức độ nào đó sẽ phát bệnh, điển hình là bệnh nhiễm độc thủy ngân do ăn cá tại vịnh Minamata (Nhật Bản), nhà máy bắt đầu xả thải methyl thủy ngân từ 1932 mà mãi đến đầu những năm 50 mới bắt đầu có hiện tượng người ốm/chết vì "bệnh lạ".
Có những chất độc xâm nhập vào cơ thể theo kiểu tích luỹ và gây nhiễm độc, điển hình là dioxin và các chất giống dioxin. Cá nhiễm dioxin vẫn sống, vẫn khoẻ và ăn vẫn ngon. Ăn vài lần không sao. Ăn nhiều lần, chất độc tích luỹ đến liều gây biến đổi miễn dịch, gene,..
Nói tóm lại:
Nếu nước thải có đạt tiêu chuẩn thải thì khi nuôi cá, vẫn tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng sản phẩm cá nuôi này. Vì thế, tất nhiên có thể nuôi cá, và cá có thể sống, nhưng nhất thiết không được ăn. Đừng để công luận hiểu nhầm coi trời bằng vung; thích thì ta làm, ta thử, chết ta chịu - "anh hùng xóm" hay như kiểu thách nhau ăn ốc sên sống ấy!
Vì vậy, quan trọng nhất là giám sát online và giám sát định kỳ bằng các phương pháp và quy trình kỹ thuật do Sở Tài nguyên & môi trường và Sở Y tế chủ trì. Sở NN & PTNT không nên "lấn sân, ôm rơm nặng bụng" chấp nhận với rủi ro, làm theo quy trình của Việt Nam"!!!!.