Khóa học ngắn hạn ‘Nhập môn Khoa học Dữ liệu’.[18/05/17]

17/05/2017 08:30

24

Khóa học ngắn hạn

‘Nhập môn Khoa học Dữ liệu’

 

(TLU) - Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên các tiến bộ về công nghệ số, học máy và khoa học dữ liệu, những lĩnh vực cần có nền tảng toán học sâu sắc.

Bắt đầu từ cách mạng công nghiệp ở nước Anh nửa cuối của thế kỷ 18, đến nay nhân loại đã có sự nhìn nhận thống nhất về ba cuộc cách mạng công nghiệp đã xảy ra. Mỗi cuộc cách mạng đều mang đặc trưng bằng sự thay đổi về bản chất của sản xuất và sự thay đổi này được tạo ra bởi các đột phá về khoa học và công nghệ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, tập trung chủ yếu vào sản xuất “thông minh” dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano…

Nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể, các khái niệm cơ bản, ý tưởng các phương pháp, những tiến bộ quan trọng của khoa học dữ liệu (KHDL), lĩnh vực thời sự hiện nay của khoa học và công nghệ số - nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0, một khóa học ngắn hạn đã được tổ chức tại hội trường T45, Trường Đại học Thủy lợi từ 15/5/2017 đến 17/5/2017.

Khóa học có các diễn giả là những giáo sư danh tiếng người Việt đang giảng dạy ở nước ngoài như GS. Phùng Quốc Định – Trường Đại học Deakin (Úc); GS. Nguyễn Xuân Long – Trường Đại học Michigan (Mỹ); TS. Bùi Hải Hưng – Adobe Research (Mỹ); GS. Hồ Tú Bảo JAIST (Nhật Bản). Nội dung bài giảng được chia làm hai phần:

-          Phần 1 (Cơ bản về khoa học dữ liệu) cung cấp bức tranh tổng thể, khái niệm và vấn đề của KHDL, thích hợp cho người cần biết chung, quản lý và dùng KHDL.

-          Phần 2 (Nguyên lý và phương pháp của khoa học dữ liệu) cung cấp ý tưởng cơ bản của các phương pháp của KHDL và chia sẻ kinh nghiệm. Phần này thích hợp cho người làm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHDL.

Chia sẻ về khóa học, GS. Hồ Tú Bảo – người đã làm việc trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Học máy từ 1980, hiện đang phụ trách phòng thí nghiệm về khoa học dữ liệu tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) cho biết: “Đây là khóa học khá mới và sôi động. Trong đó, ngành KHDL đang có liên quan rất nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nó mở ra nhiều kiến thức mới cho những người làm nghiên cứu khoa học, giảng dạy và cả các em sinh viên. Khóa học chỉ diễn ra trong 2,5 ngày với 4 diễn giả đều là những Giáo sư làm việc tích cực trong các lĩnh vực liên quan, mỗi bài giảng đều dựa trên kinh nghiệm làm việc đã tích lũy được trong nhiều năm nghiên cứu hy vọng sẽ đem lại cho các thành viên tham gia cái nhìn mới mẻ, đa chiều về KHDL và sự tác động của nó đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”

Cũng theo nhận định và phân tích của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển với tốc độ cấp số mũ. Nó sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Nền sản xuất “tự động” đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sẽ sớm chuyển sang nền sản xuất “thông minh”.

Đối với Trường Đại học học Thủy lợi, cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội cũng như thách thức rất lớn khiến Nhà trường cần có trách nhiệm, chiến lược để nắm bắt những thay đổi đáp ứng nhu cầu chung của xã hội.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Kim – Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng: Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò của nguồn nhân lực càng được thể hiện rõ hơn, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà trường đang từng bước đổi mới chương trình đào tạo đồng thời truyền thông để khích lệ sinh viên hiểu biết và chủ động nắm bắt những thành tựu của khoa học công nghệ ứng dụng vào nghiên cứu và thực tiễn. Bên cạnh đó, Trường Đại học Thủy lợi sẽ đầu tư, tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhất để giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo.

Trong những năm qua, Trường Đại học Thủy lợi đã tạo ra nhiều diễn đàn - cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên của trường tiếp cận được, nắm bắt những thành quả mới nhất về khoa học công nghệ. Trường đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị khoa học lớn trong ngành thủy lợi cũng như các ngành kỹ thuật khác như Hội nghị quốc tế lần thứ 12 về Công nghệ thông tin và Truyền thông (IEEE-RIVF) năm 2016…

Nhà trường hy vọng, tiếp nối những thành công đã đạt được sẽ có những khóa học dài hơn, ý nghĩa hơn; nhiều kế hoạch hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học sớm được triển khai để cung cấp cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản cùng tư duy sáng tạo để thích nghi với những thay đổi mau lẹ trong thời kỳ số hóa.

 Mini-course được tổ chức tại 2 địa điểm:Hà Nội (Hội trường T45, Trường ĐH Thủy Lợi, 175 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) và TP. Hồ Chí Minh (Hội trường A5, Đại học Bách Khoa TP. HCM, 268 Lý Thường Kiệt. Q.10, TP. HCM). Chương trình tại Hà Nội diễn ra từ ngày 15-17/5, tại TP. HCM diễn ra từ ngày 19/5-21/5).

Thời lượng và nội dung các bài giảng:

 http://viasm.edu.vn/hdkh/khoa-hoc-gioi-thieu-ve-khoa-hoc-du-lieu-tai-ha-noi?userkey=chuong-trinh

Một số bài báo liên quan:

 http://news.zing.vn/truong-dai-hoc-se-phai-thay-doi-vi-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-post746517.html

 

Mời download và xem file đính kèm