Kẻ ‘giấu mặt’ gây sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long là ai?[19/05/17]
18/05/2017 15:21
Kẻ ‘giấu mặt’ gây sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long là ai?
BBT. Gần đây có ý kiến cho rằng kẻ ‘giấu mặt’ gây sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long là các công trình thủy lợi !!! BBT nhận được nhiều thư phản đối và thảo luận thêm về hiện tượng sạt lở bờ sông. Dưới đây xin trích một số thư đó.
!
…Đối với các con sông phù sa, luôn có hiện tượng sông uốn khúc quanh co (meandering). Khởi đầu của quá trình này rất phức tạp, nhưng một khi sông đã uốn khúc thì dòng chảy có xu hướng ép mạnh về phía bờ lõm. Dòng chảy lúc này sẽ tạo thành một hệ thống xoáy nước hình xoắn ốc, đi xuống ở bờ lõm và đi lên phía bờ lồi. Dòng chảy này sẽ nạo vét bùn cát phía bờ lõm, thậm chí tạo thành các hườm bên dưới và mang bùn cát một phần xuống hạ nguồn, một phần sang bờ đối diện. Do hệ thống dòng chảy và xoáy này, bên bờ lõm luôn bị lở và rất sâu, bên bờ lồi nông và bồi, tạo ra hiện tượng sông bên lở, bên bồi. Tốc độ dòng chảy càng mạnh, hiện tượng xói, bồi càng mạnh và sông càng uốn khúc nhanh.
Chúng tôi đã làm thí nghiệm bằng kênh thủy lực và đo đạc hệ thống dòng chảy này trong phòng thí nghiệm cũng như quan trắc nó ngoài hiện trường.
Hiện tượng bờ sông lở ở đồng bằng sông Cửu Long có từ xa xưa, dân gian gọi là Cù dậy, tức là con cá sấu hóa rồng, ngủ yên dưới đáy sông. Một lúc nào đó nó thức dậy, cựa mình làm bờ sông sạt lở. Hiện tượng này cũng có ở sông Hồng.
Do chịu ảnh hưởng của dòng chảy nên tốc độ dòng chảy là yếu tố quan trọng nhất gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông. Hút cát đáy làm lòng sông sâu hơn, làm gia tăng độ dốc bờ sông và tăng xói bờ, dẫn đến gia tăng sạt lở.
Các đập thủy điện có hai mặt:
1) Điều tiết dòng chảy mùa lũ, do vậy làm giảm dòng chảy mùa lũ, dẫn đến hạn chế sạt lở;
2) Làm giảm phù sa về, dẫn đến ít phù sa lắng đọng ở lòng sông, làm gia tăng độ dốc bờ sông và do vậy làm tăng sạt lở. Ngoài ra, dòng sông ít phù sa (đói phù sa) cũng làm gia tăng xói lở bờ khi dòng chảy không mạnh để tăng hàm lượng phù sa trong nước. Chú ý là tại bờ lở, hàm lượng phù sa trong nước không ảnh hưởng tới tốc độ bào mòn bờ khi lũ, vì sức ép của dòng chảy vào bờ quá lớn, không cho phép phù sa bám vào bờ.
Phù sa bùn là những hạt có kích thước nhỏ hơn 60 micrometre, có cấu tạo dạng bản và tích điện trái dấu ở giữa bản (điện âm) và xung quanh (điện dương) nên nó có xu hướng kết bông (flocculation hay aggregation) do tích điện trái dấu và hút nhau giữa cạnh hạt phù sa và giữa hạt phù sa. Do hiện tượng này, phù sa có thể bám vào bờ khi vận tốc dòng chảy nhỏ và luôn kết bông thành từng đám trong nước. Nếu ta múc một chậu nước phù sa lên để xem, ta sẽ thấy có chỗ trong hơn, có chỗ đục hơn. Cái này là do hiện tượng kết bông. Hiện tượng kết bông sẽ giúp tăng cường tốc độ lắng đọng của phù sa.
Như vậy, tôi cho rằng ý kiến về việc tăng dòng chảy do hệ thống đê dẫn đến gia tăng xói lở là có cơ sở, nhưng phải xem thực sự trong những năm gần đây vận tốc dòng chảy có tăng hay không. Trong email gửi cho tôi, anh Tô Văn Trường nói là vận tốc dòng chảy không tăng lên. Tôi thấy ý kiến của anh Trường là đúng, vì ta thấy lũ yếu hơn ngày xưa rất nhiều. Cái này là do các đập thủy điện thượng nguồn đã chặn hết nước…
Vũ Thanh Ca
!
Nghe chuyện có người phát biểu trên báo chí rằng thủ phạm ‘giấu mặt’ gây sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long là các công trình thủy lợi (!), tôi thấy tác giả có phần thiếu suy nghĩ và thiếu hiểu biết về sạt lở. Chắc ông ta chưa biết hiện tượng sạt lở ở bờ sông có từ bao giờ và do những nguyên nhân nào, kể cả ‘giấu mặt’? Mong ông suy nghĩ và tìm hiểu thêm!...
Lê Nguyên Quân