Về dự án chống ngập TP Hồ Chí Minh.[27/06/17]

26/06/2017 08:44

29

Về dự án chống ngập TP Hồ Chí Minh

 

Vừa qua, TS Tô Văn Trường, Chuyên gia độc lập Tài nguyên nước & Môi trường, đã trả lời câu hỏi của PV Trung Kiên, báo Quân đội Nhân dân, về , dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh (HCM). Dưới đây là nội dung hỏi đáp.

 

1- Xin ông cho biết, dự án chống ngập, kiểm soát triều cường gần 10 nghìn tỷ đang gặp thách thức là mặt bằng bàn giao chậm trễ. Dù tổ công tác của UBND đã đốc thúc. Vậy, giải quyết vấn đề này như thế nào để đạt tiến độ hoàn thành 30-4-2018?

Trả lời:

Theo tôi biết từ tháng 6/2016, tại TPHCM, Tập đoàn Trung Nam đã khởi công dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, sau khi hoàn thành vào năm 2018 sẽ giải quyết ngập cho khu vực rộng khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân. Địa điểm xây dựng các công trình trên nằm ở các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh với tổng diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 100 héc ta. Dự án phải giải tỏa hơn 300 hộ dân với hơn 1.500 người phải di dời.

Tiến độ hoàn thành 30-4-2018 chỉ mới được nói miệng (Cty Trung Nam hứa với Bí thư thành ủy lúc đó là ông Đinh La Thăng, cũng chỉ là hứa miệng), chưa được cụ thể hóa vào hợp đồng nên chưa có ý nghĩa ràng buộc về mặt pháp lý. Tại sao khu vực dự án của Cty Trung Nam ở ngoại thành mà còn bế tắc như thế?  Nhìn lại, các dự án ở TP. HCM chậm trễ về giải phóng mặt bằng đã trở thành căn bệnh kinh niên. Minh chứng như dự án Tân Hóa-Lò Gốm chậm 5 năm. Dự án kênh Hồng Bằng chậm gần chục năm. Càng để lâu “tiền mất, tật mang”. Giải pháp là phải điều chỉnh lại giá đền bù, “mềm dẻo” theo cơ chế thị trường.

2.- Xin ông cho biết, dự án này để đạt được hiệu quả thì cần kết nối với hệ thống tiêu thoát nước của Thành phố như thế nào. Hệ thống tiêu thoát nước hiện nay rất bất cập.Theo anh nên có giải pháp gì?

Trả lời:

Ý đồ thiết kế của dự án quy hoạch chống ngập QH1547 là ngăn triều để chống ngập do triều và lợi dụng vùng trũng thấp ở Long An để chứa nước mưa trong thời gian ngăn triều. Nay dự án của công ty Trung Nam này bỏ vùng trũng thấp ở Long An ra ngoài, nên người ta phải bổ sung thêm phần trạm bơm để thay thế.

Ngay cả khi dự án của Trung Nam hoàn thành kết quả cũng rất hạn chế vì mục đích là hạ mực nước, giảm ngập triều ở phía Nam, khi mưa nhỏ. Đối với các trận mưa lớn , lại gặp triều cường, dự án này vô tác dụng. Đặc biệt là hệ thống cống thiết kế cho vũ lượng 85 mm/trong 3 giờ . Nay do biến đổi khí hậu, vũ lượng thường xuyên xảy ra cao hơn khả năng thoát của cống , nghĩa là cường độ mưa luôn lớn hơn khả năng tải của cống.  

Như vậy, việc bổ sung thêm phần bơm cũng không có hiệu quả nếu hệ thống tiêu thoát nước của Thành phố vẫn bất cập (không tiêu thoát được nước ra kênh) vì nước có ra đâu mà bơm. Lẽ ra, nên sử dụng biện pháp bơm nhỏ, phân tán (ở các cửa xả nước ra sông) thì hợp lý và hiệu quả hơn. Về lâu dài phải xem lại quy hoạch không gian, kết hợp các biện pháp trữ nước (hồ điều tiết), kênh rạch thoát nước vv…