Thư gửi Ban tuyên giáo Trung ương về việc cấp phép đổ bùn thải ra biển Bình Thuận.[18/07/17]

17/07/2017 09:45

23

Thư gửi

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

VỀ VIỆC CẤP PHÉP ĐỔ BÙN THẢI

RA BIỂN BÌNH THUẬN

TS Tô Văn Trường

Chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường

 

Tôi nhận được lời mời tham gia buổi tọa đàm sáng thứ tư ngày 12/7 tại trụ sở Ban tuyên giáo Trung ương ở Ba Đình-Hà Nội về việc công ty điện lực Vĩnh Tân 1 được cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra biển Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. Rất tiếc vì đang ở xa, không thể tham dự được, nên tôi viết một số ý kiến có tính chất tham luận để những người quan tâm tham khảo.

Tôi đã đọc 5 câu hỏi do Ban tuyên giáo Trung ương đưa ra để thảo luận:

1.    Về Quy trình ra quyết định cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong (Bình Thuận).

2.    Về tính chất, thành phần của chất thải nhận chìm.

3.    Về các ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, môi trường và hệ sinh thái của việc nhận chìm chất thải.

4.    Trách nhiệm của các bên trong vụ việc cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải.

5.    Các giải pháp và hướng giải quyết đối với vụ việc này trong thời gian tới.

Câu hỏi 4 và 5 liên quan đến câu 1,2 và 3 nhưng hiện nay, tôi không có thông tin, tư liệu chính thức nào,  kể cả báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và ý kiến của Hội đồng thẩm định để có cơ sở phản biện, trong khi phần biện luận, cần nói “có sách, mách có chứng” trên tinh thần xây dựng lại là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của bản thân, tôi có một số ý kiến như sau:

Bộ TNMT cho biết khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 héc ta, đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm và xác định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ trưởng Bộ TNMT phê duyệt tại Quyết định số 1571/QĐ-BTNMT ngày 24-7-2014.

1.Điều băn khoăn nhất là quy hoạch khu vực nhận chìm có được xác định và phê duyệt theo đúng quy định tại khoản 4, điều 57 Luật Tài nguyên môi trường (TNMT) biển và hải đảo không? "Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải tuân thủ quy hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ".

Lưu ý thông cáo của Bộ TNMT chỉ nêu khu vực nhận chìm "đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm và xác định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1571/QĐ-BTNMT ngày 24 tháng 7 năm 2014", và không nhắc gì đến quy hoạch sử dụng biển của tỉnh Bình Thuận cũng như của các tỉnh lân cận.

2. Luật Tài nguyên môi trường biển và Nghị định 40 có quy định về "Cấp giấy phép nhận chìm ở biển", "Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép", "Nội dung thẩm định hồ sơ"; Tuy nhiên, không có quy định về việc lập hội đồng thẩm định tương tự như quy định về lập báo cáo ĐTM và tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Điều 57 Nghị định 40 có quy định "Trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, tổ chức kiểm tra thực địa", cũng không nói đến việc có hội đồng trong trường hợp cần thiết ?.

3. Điều 49 về "Cấp giấy phép nhận chìm" và Điều 54 về "Hồ sơ cấp giấy phép nhận chìm" đều đề cập đến "báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về BVMT" như là 1 trong những cơ sở để xem xét cấp giấy phép nhận chìm.

4.  Nếu Bộ TNMT lập "Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép với sự tham gia của 22 thành viên" thay thế cho Hội đồng thẩm định ĐTM dự án xây dựng cảng của Nhiệt điện Vĩnh Tân (trong đó có nội dung thẩm định tác động của hoạt động nạo vét và đổ thải bùn nạo vét) thì là việc làm sai luật. Phụ lục của Nghị định 40 có mẫu số 03 về "(cấu trúc nội dung báo cáo) Dự án “nhận chìm" (một nội dung trong hồ sơ cấp giấy phép quy định ở Điều 54), trong đó có Chương 3 Đánh giá tác động môi trường nội dung quy định rất sơ sài, không hiểu có cung cấp đủ thông tin cho Hội đồng xem xét nếu không có báo cáo ĐTM đã thẩm định trước đó không?

5. Ở Việt Nam, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ có quyết định 742 kí công nhận 16 khu bảo tồn biển (MPA- Marine Protected Area) theo tiêu chí của IUCN trong đó có Hòn Cau, Hòn Mun, Núi Chúa, Phú Quý  đều là MPA.

Quanh khu vực dự án đổ chất thải ở Bình Thuận có rất nhiều điểm có hệ sinh thái biển và ven bờ nhạy cảm, nhất là khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với khoảng 234 loại san hô là bãi đẻ của nhiều loài sinh vật biển và xung qunh nhiều loài thủy sinh vật quý hiềm cho nên việc tính bài toán lan truyền chất thải phải mang tính định lượng tương đối chính xác,  không thể được định tính, nội suy.

6. Đổ chất thải ra biển là hoạt động không được khuyến khích theo thông lệ quốc tế". Trường hợp này là bùn nạo vét ven bờ, loại vật chất mà nếu đổ ra biển thì được coi là "của Caesar trả về Caesar" (tức là đằng nào bùn này cũng là một thành phần của biển). Vấn đề là bùn thải này có đảm bảo tuân thủ quy định của Điều 58 Luật TNMT biển và hải đảo không? (Lưu ý bùn nạo vét ven bờ chứa nhiều trầm tích từ lục địa vận chuyển ra, vì vậy có tiềm năng chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại). Theo tôi hiểu chắc chắn lượng bùn nạo vét ở ven biển khu vực cảng nhiệt điện Vĩnh Tân chứa nhiều trầm tích bùn hữu cơ, không làm nguyên liệu (cát) xây dựng được, chứ không ai dại gì không bán mà lại đem đổ đi.

7. Nếu bùn nạo vét ven bờ đáp ứng đủ quy định có thể đổ thải xuống biển thì không cần thiết (và cũng không nên) "phải có kỷ thuật «bao giữ cố định », ví dụ như đóng gói bằng xi măng", vì như vậy vừa tốn kém, vừa gây thay đổi địa hình đáy biển.

8. Nhiều người lo ngại việc đổ thải "có thể làm tăng độ đục, làm giảm độ trong của vùng biển, xáo trộn mặt bằng lớp đáy ... gây tác động đến quá trình năng suất sinh học sơ cấp, đến các quá trình trao đổi chất của thủy sinh...." là chính xác. Tuy nhiên, đây là nội dung bắt buộc phải xem xét, cân nhắc khi thẩm định tác động của việc đổ thải trong các phiên họp của Hội động khoa học của Bộ TNMT và UBND tỉnh Bình Thuận trước khi chấp thuận vị trí đổ thải, thời gian và lượng đổ thải. Hy vọng Bộ TNMT không bỏ qua hoặc làm sơ sài nội dung này. Xin lưu ý hiện nay chưa có mô hình thủy lực nào tính chính xác việc lan truyền của độ đục vì ngay cả bộ mô hình MIKE nổi tiếng của Đan Mạch cũng phải giả thiết kích thước hạt D50 (không đảm bảo chính xác so với thực tế).

9.  Báo cáo ĐTM dựa vào mô phỏng mô hình MIKE 21 để tính lan truyền chất. Tôi biết bộ mô hình MIKE từ đầu thập niên 90 khi làm việc ở Thụy Điển và cũng có nhiều cơ hội thảo luận với chuyên gia của DHI ở Đan Mạch nên hiểu rõ tính ưu việc của nó, đã được nhiều quốc gia áp dụng. Bất cứ mô hình thủy lực nào dù tân tiến đến đâu, độ chính xác của mô phỏng cũng phụ thuộc vào chất lượng phần mềm tính toán, số liệu đầu vào và tay nghề của người làm mô hình.

Thông thường mô hình 2D (2 chiều), người ta hay dùng giả thiết về phân bố nồng độ bùn cát theo trạng thái cân bằng và dòng chảy là biến đổi chậm (gradually variation flow). Như vậy, kết quả tính toán chỉ có độ tin cậy nơi biển có đáy biến đổi chậm và phân bố bùn cát trên thủy rực xấp xỉ với phân bố cân bằng. Ngay tại điểm đổ thải, phân bố bùn cát trên thủy trực chắc chắn không tuân theo quy luật cân bằng. Dùng mô hình cân bằng để tính bài toán hoàn toàn khác xa phân bố cân bằng là không phù hợp.

Mô hình MIKE-21 cho phép tính tóan vận tải bùn cát lơ lửng trong cột nước. Tuy nhiên vì là mô hình 2D theo chiều ngang nên nó chỉ chính xác nếu các giả thiết kèm theo về sự phân bố của bùn cát lơ lửng trên thủy trực được thoả mãn.

Đối với vùng nước sâu cần sử dụng mô hình 3D để tính toán, đánh giá thay đổi theo chiều sâu, tuy nhiên với điều kiện hiện nay ở Việt Nam khó thực hiện được nhất là vấn đề dữ liệu đầu vào phục vụ tính toán 3D ở vùng nước sâu. Chính vì vậy, để đơn giản hoá có thể dùng mô hình 2 chiều để xem xét xu thế vận chuyển bùn cát lơ lửng dựa trên những ảnh hưởng của thuỷ động lực biển (sóng, gió, dòng triều,…)

Dòng chảy khu vực bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chủ yếu là triều và gió mùa. Hướng của dòng chảy tại khu vực là men theo bờ, đảo chiều liên tục theo chu kỳ triều và có hướng chảy chiếm ưu thế là từ Đông Bắc xuống Tây Nam vào mùa gió Đông Bắc và hướng chảy chiếm ưu thế đảo chiều vào mùa gió Tây Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý là dù mùa gió nào thì trong ngày vẫn có lúc dòng chảy tại khu vực có hướng từ Đông Bắc xuống Tây Nam hướng từ nơi đổ thải tới khu bảo tồn. Khu vực bảo tồn chỉ cách điểm đổ thải 2000 m là khá gần. Bùn đổ tại điểm đổ thải rất có thể sẽ loang tới đây.

Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả mối quan hệ giữa  tỷ trọng, kích thước vật liệu (bùn cát đáy, lơ lửng) với tốc độ và hướng dòng chảy, liệu rằng với một hướng gió nhất định và tốc độ dòng chảy đủ lớn có đủ để mang bùn cát lơ lửng lan truyền đến đảo không? Điều này chỉ có thể thông qua những tính toán trên mô hình.

Hạn chế rõ nhất là số liệu phục vụ kiểm chứng mô hình thuỷ động lực là yếu tố sẽ chi phối tính chính xác của kết quả. Không rõ cơ quan tính sử dụng mô hình MIKE 21 dựa trên những số liệu đo đạc như thế nào để làm các việc này?. Và thường với các dự án làm khu vực ven biển từ trước đến nay phần nội dung tính toán thuỷ động lực của các chuyên gia chỉ là một nội dung rất nhỏ cho có của báo cáo ĐTM nên hạn chế rất nhiều về kinh phí, tài liệu phục vụ tính toán. Đây là một tình trạng chung dẫn đến không có được những báo cáo ĐTM chính xác như mong đợi.

Một câu hỏi là tại sao cứ phải chứng minh phương án đem bùn đi đổ này khả thi? Có cách giải quyết nào khác mà ít tác động môi trường không?

10. Đúng là lo ngại nhất là khi xảy ra sự cố thì không thể có giải pháp khắc phục hiệu quả, trường hợp sự cố Formosa là bài học còn mang nguyên tính thời sự. Lúc ấy, cơ quan quản lý không thể phủi trách nhiệm vì lý do "chủ đầu tư đã cam kết không để xảy ra sự cố và kịp thời khắc phục, chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xảy ra sự cố".

11. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường của bất cứ hoạt động phát triển nào, nguyên tắc chủ yếu là so sánh các chỉ số/thông số chất lượng môi trường và sinh thái trước (môi trường nền) và sau khi có hoạt động ấy. Không phải cứ thấy số liệu khảo sát không chỉ ra môi trường bị ô nhiễm là có thể kết luận 1 hoạt động phát triển hay 1 sự cố nào đó không gây tác hại; ngược lại nếu khảo sát phát hiện một thông số nào đó vượt giới hạn quy định thì càng phải cẩn trọng so sánh với số liệu nền (có thể môi trường khi chưa có hoạt động phát triển đang xét đã có thông số vượt giới hạn quy định).

E rằng ở vùng biển đổ thải thuộc Bình Thuận này (chắc chắn có ảnh hưởng đến các vùng lân cận, ít nhất là Ninh Thuận) nhưng không có số liệu nền đáng tin cậy để mà so sánh khi giám sát sau này. (Ở VN không nơi nào có số liệu nền đủ tin cậy để đánh giá xu hướng dẫn biến trong quá khứ và làm cơ sở để dự báo xu hướng trong tương lai). Trong vụ Formosa dường như cũng vì không có só liệu nền đầy đủ, thống nhất nên việc "bình luận" số liệu khảo sát, phân tích sau khi xảy ra sự cố mới lúng túng “như gà mắc tóc”!.)

12. Tham khảo đối chiếu với pháp luật quốc tế

Về nhận chìm, đổ thải, bảo vệ môi trường biển, trên biển pháp luật quốc tế đều có quy định qua các Công ước quốc tế về hàng hải là chính (hiện có khoảng gần 60 công ước -hiệp định) , UNCLOS 1982.

Ngoài ra, có các Công ước về bảo vệ thiên nhiên môi trường biển khác: Công ước đa dạng sinh học 1994, Công ước Ram sar 1972, Công ước di sản 1972.

Thực tiễn IMO,  là cơ quan phụ trách hàng hải- môi trường biển của UN, đã thiết lập các khu bảo vệ theo công ước MARPOL 73/78 các khu vực SA/SECA đặc biệt về môi trường biển (nước-khí thải) tại khoảng 30 khu vực biển có tọa độ, ranh giới rõ ràng như Baltic, Địa Trung hải, Caribe.... Đồng thời để bảo vệ đa dạng sinh học biển (san hô, MPA, di sản, Ramsar) thì IMO đã thiết lập 17 khu PSSA đặc biệt nhậy cảm hàng hải-đa dạng sinh học với hành lang an toàn sinh học thường khoảng 50 hải lý. VN cũng đã tham gia kí , thực thi Nghị định thư Luân Đôn (1972/1996) của IMO/UN  về nhận chìm vật chất biển , có trách nhiệm bắt buộc của các thành viên từ năm 2006:

Trong Công ước London 1972, “nhận chìm” được định nghĩa là việc sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải và các chất khác từ tàu thuyền, tàu bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển. Danh mục các chất thải không được phép nhận chìm hoặc các chất thải yêu cầu có giấy phép đặc biệt cũng được quy định trong Công ước.

Công ước cũng đã được sửa đổi vào năm 1993 (có hiệu lực từ năm 1994) với việc cấm nhận chìm các chất thải phóng xạ được làm nghèo. Ngoài ra, Công ước còn sửa đổi bổ sung lần nữa vào 31 tháng 12 năm 1995 với việc cấm đốt các chất thải công nghiệp trên biển.

Vào năm 1996, các nước đã thông qua Nghị định thư về Công ước ngăn ngừa ô nhiễm đối với việc nhận chìm chất thải và các chất khác trên biển (được gọi là Nghị định thư London). Nghị định thư này có hiệu lực vào năm 2006.

Nghị định thư này thay thế Công ước năm 1972. Nghị định thư có cách tiếp cận khác biệt so với trước về quy định việc sử dụng biển làm nơi lưu trữ các vật liệu thải. Cụ thể, thay vì quy định các vật liệu không được nhận chìm thì Nghị định thư cấm tất cả các hoạt động nhận chìm trừ một số chất được phép. Các chất thải được phép nhận chìm được quy định cụ thể trong Phụ lục của Nghị định thư.

Nghị định thư London nhấn mạnh đến “giải pháp phòng ngừa”, cụ thể là “Các biện pháp phòng ngừa thích hợp phải được thực hiện chặt chẽ khi nhận chìm, ngay cả khi chưa có bằng chứng thuyết phục chứng minh ảnh hưởng của việc nhận chìm tác động đến môi trường”

Nghị định thư cũng khẳng định “về nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí môi trường” và cũng nhấn mạnh việc nhận chìm trên biển không phải đơn giản là chuyển sự ô nhiễm từ môi trường này sang môi trường khác.

Nghị định thư 1996 đã cấm việc nhận chìm các chất thải hoặc và các chất khác trừ một danh mục cho phép (việc nhận chìm này vẫn cần phải có giấy phép).

Tại điều 4 của Nghị định thư quy định: “Ngăn cấm việc nhận chìm bất kỳ chất thải và các chất khác ngoại trừ danh sách được liệt kê trong Phụ lục 1”.

Các chất được cho phép là (1) Vật liệu nạo vét; (2) Bùn thải; (3) Các chất thải từ cá hoặc các vật chất phát sinh từ hoạt động chế biến cá công nghiệp; (4) Tàu tuyền hoặc các kết cấu, công trình nhân tạo khác trên biển; (5) Các vật liệu trơ, vật liệu địa chất vô cơ; (6) Vật liệu hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên; (7)Các cấu trúc kích thước lớn được thành tạo từ sắt, thép, bê tông và các vật liệu không nguy hại mà ảnh hưởng vật lý của chúng gây nên các mối quan tâm và chỉ trong trường hợp các chất thải này được sản sinh tại các địa điểm như các đảo nhỏ với một cộng đồng biệt lập và không có khả năng thực tiễn tiếp xúc với các lựa chọn loại bỏ nào khác ngoài nhận chìm.; (8) CO2 từ quá trình thu gom CO2.

13. Pháp luật VN:

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2005 qui định cấm đổ thải hoàn toàn.

Luật Hàng hải VN thì có quy định đổ nạo vét luồng lạch, có xung đột với Luật Bảo vệ môi trường.

Luật BVMT mới, và Luật Tài nguyên môi trường biển 2015 đã đưa quy định về nhận chìm đổ thải vào và cấp phép (tọa độ, diện tích..), và đây có lẽ là lần đầu tiên thực tiễn có 1 khu vực đổ thải nhận chìm được đưa ra là khoảng 30 ha và cách khu đệm MPA (luật Thủy sản, luật đa dang sinh học) chừng 2 km.

14. Bất cập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Công tác lựa chọn xác định 1 khu vực gần MPA, kĩ thuật tàu xả thải (tự do, đóng thải)...

Các tác động môi trường trong quá trình vận chuyển, đổ, nhận chất thải ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, đáy biển.

Khoảng cách tâm đổ, tầng đổ tới MPA (lõi, đệm, chuyển tiếp)  chưa được quan tâm theo chuẩn mực quốc tế. Khoảng cách ở Úc ngăn nơi có san hô đáy biển Grear Barier Reef là 25 km 
http://news. nationalgeographic.com/news/ 2014/01/140131-great-barrier- reef-dredge-unesco-science- coal-australia/

Kết luận và kiến nghị