Nhà trí thức công giáo yêu nước, cha của 2 liệt sĩ.[28/07/17]

28/07/2017 15:46

38

Nhà trí thức công giáo yêu nước, cha của 2 liệt sĩ

 

Đó là Bác sĩ y khoa Vũ Đình Tụng,  Bộ trưởng Bộ Thương binh trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông sinh  năm 1895,  quê làng Trình Xuyên, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ít lâu sau, ông sống và làm việc tại Hà Nội

Thuở trẻ, ông học tại Trường Bưởi (Bảo hộ), Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương.Khi tốt nghiệp ông làm Giám đốc dưỡng đường và Trưởng khoa giải phẫu thuộc phân khoa hỗn hợp Y Dược, chuyên gia phẫu thuật tại Bệnh viện Thuộc địa (Hà Nội). Ông là tác giả nhiều hoạt động chuyên đề y học. Ông từng là hội viên Viện nghiên cứu nhân trắc học, cộng tác viên Học viện phẫu thuật và các tạp chí khoa học Pháp Việt, là một trong những bác sĩ đầu ngành về ngoại khoa của y học Việt Nam....

Sau Cách mạng tháng Tám, bác sĩ Tụng là Giám đốc Nha Y tế Bắc bộ kiêm  Giám đốc Nha Y tế Trung ương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (1946 - 1973) rồi  Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh (1947-1959), Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Liên lạc toàn quốc những người công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình. Ông được tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông là vị Bộ trưởng được Bác Hồ rất tin cậy, quý mến và kính trọng. Năm 1973, ông mất tại Hà Nội, thọ 78 tuổi.  TP Nam Định  đã có tên đường Vũ Đình Tụng tại phường Mỹ Xá.

Ông có 2 con trai là các anh Vũ Đình TínVũ Văn Thành, chiến sĩ quyết tử của Hà Nội năm 1946, đã anh dũng hy sinh. 

Người cha của 2 liệt sĩ.

Theo những gì mà báo chí và các tư liệu còn ghi lại, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lệnh toàn quốc kháng chiến vài hôm, vào 8 giờ tối một ngày tháng Chạp năm 1946, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã phải mổ và cưa gắp đạn, khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ vệ quốc quân từ khắp các mặt trận ở cả nội và ngoại thành chuyển về.

Nhưng có một ca mổ đã khiến thần kinh của ông "căng lên một cách kinh khủng... Đó là ca mổ cho một chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội - một chiến sĩ "sao vuông" rất trẻ. Anh bị thương do một đường đạn từ sau lưng.Tuy vết thương nặng đau xé tung cả ruột mà miệng anh vẫn mỉm cười.

Các y sĩ hộ lý khuyên bác sĩ tạm nghỉ tay, nhưng bác sĩ vẫn kiên quyết mổ khám ruột cho người chiến sĩ trẻ này. Với nụ cười thân thương rất quen thuộc, bác sĩ đã nhận ra chiếc rǎng khểnh nhỏ của Vũ Vǎn Thành - đứa con út của ông.

Trong lúc cấp bách ấy, nếu không nhanh chóng khâu lại vết thương thì không kịp, bác sĩ cố nghiến rǎng, kìm mình để giữ bình tĩnh, gắp mảnh đạn cuối cùng trên thân thể chiến sĩ Thành. Xong ông choáng váng rời khỏi bàn mổ

Bệnh viện cố gắng rất nhiều, nhưng vết thương quá nặng đã cướp mất anh Thành, đứa con thứ 2 yêu quý của gia đình bác sĩ Tụng. Anh của Thành là Vũ Đình Tín cũng đã hy sinh

 Bức thư huyết lệ và nỗi đau chung.

Sau đêm Noel 1946, bệnh viện Bạch Mai bị pháo giặc tàn phá, phải di chuyển ra ngoại thành. Vào một chiều mưa phùn gió bấc, khi bác sĩ Tụng mổ xong cho một ca thương binh nhẹ, bác sĩ Trần Duy Hưng - lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đến thǎm bệnh viện và trực tiếp đưa bức thư ngắn ngủi của Hồ Chủ tịch.

"Tôi ngỡ đây là một mệnh lệnh mới của Chính phủ, nhưng thật không ngờ, đây lại là một thư riêng của Người, hỏi thǎm gia đình bé nhỏ của tôi" - bác sĩ Tụng xúc động nói.

Trong những lá thư gửi cho đồng bào, Bác Hồ thường kính cẩn dùng từ “cụ” để gọi người lớn tuổi hơn, hoặc “cô” nếu còn trẻ. Nhưng trong lá thư đặc biệt này, Chủ tịch đã gọi bác sĩ Tụng là "ngài". Cho tới 15 năm sau, bác sĩ Tụng vẫn thuộc lòng nội dung.

"Gửi bác sĩ Vũ Ðình Tụng,
Thưa ngài,

Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ Quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ Quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của Ðức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ Quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Ðồng bào và Tổ Quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ Quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 1 năm 1947
Hồ Chí Minh

"Đọc xong bức thư, tôi thấy bàng hoàng. Bác bận trăm công nghìn việc, thế mà Bác vẫn nghĩ đến tôi, một gia đình có cái tang đau lòng như hàng vạn gia đình khác.

Tôi thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác Hồ đối với cả dân tộc. Tôi tự nhủ mình sẽ phải làm tốt công việc để xứng đáng với sự hy sinh của các con và khỏi phụ lòng Bác.

Sau đó, tôi theo Bác lên Việt Bắc - căn cứ thần thánh của cách mạng Việt Nam. Từ một người thầy thuốc của xã hội cũ, một giáo dân ngoan đạo, tôi đã trở thành một người thầy thuốc tốt, một Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội của nước Việt Nam mới". - Theo lời kể của bác sĩ Vũ Đình Tụng - Lê Thân ghi (Báo Nghệ An, tháng 9/1994)

Bác Hồ gửi quà thăm thương bệnh binh.

Sau này, cứ mỗi năm đến ngày 27/7 - ngày Thương binh liệt sĩ, Bác Hồ lại gửi thư thăm hỏi anh em thương bệnh binh. 

Năm 1949, Người lại gửi thêm một lá thứ riêng nữa tới bác sĩ Vũ Đình Tụng, lúc này đã là Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh. Mặc dù Chủ tịch nước còn hơn cả Bộ trưởng Tụng 5 tuổi, nhưng Người vẫn kính trọng gọi Bộ trưởng bằng "cụ".

"Thưa cụ!

Mỗi năm đến 27 tháng 7 là ngày Thương binh tử sĩ, nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ Quốc, cho đồng bào.

Hôm đó, Bộ không tổ chức lạc quyên. Nhưng Bộ vẫn trông mong và hoan nghênh đồng bào tùy hoàn cảnh mà gửi thư, tặng quà hoặc quyên giúp.

Vậy tôi xin xung phong:
- Tặng một số khăn mặt và áo quần mà đồng bào các nơi đã biếu tôi.
- Gửi một tháng lương của tôi là: 1.000 đồng.
- Và nhờ cụ chuyển lời thân ái của tôi an ủi anh em thương binh cùng các gia đình tử sĩ.

Chào thân ái và quyết thắng

Hồ Chí Minh
(Báo Cứu quốc, số 1305, Ngày 27/7/1949)

 

Tháng 3/1954, tại mặt trận Điện Biên Phủ,sự có mặt của các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng trong đội quân y trực tiếp mổ các thương binh nặng, chữa bệnh cho bộ đội và dân công góp phần động viên bộ đội anh dũng chiến đấu, thương binh an tâm, tin tưởng điều trị.