Ngập nước ở TP Hồ Chí Minh.[23/08/17]

22/08/2017 10:31

23

Ngập nước ở TP Hồ Chí Minh

 

Tô Văn Trường

Chuyên gia tài nguyên nước & Môi trường

 

Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích nền đất TP.HCM đang lún sụt trong khi biến đổi khí hậu khiến nước biển ngày càng dâng cao ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân TP là chính xác nhưng chưa đủ. Indonesia có vùng bị lún sụt tương tự như TP.HCM đã nghiên cứu xác định nguyên nhân gây lún sụt là do đô thị hóa, trong đó có đến 70% là do tải trọng hạ tầng cơ sở, còn do khai thác nước ngầm chỉ chiếm 30%. Về lâu dài, nguyên nhân biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ nổi trội tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội của thành phố.

Lâu nay, thành phố vẫn loay hoay với 3 phương án (1) làm đê ngăn triều bao ngoài như Hà Lan (2) phương án bao vừa theo quyết định 1547 của Bộ NN & PTNT đã được Thủ tướng phê duyệt (mới thực hiện được dự án cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và (3) phương án bao trong do công ty Trung Nam đang thực hiện.

Trong tiêu thoát nước, cần phải phân vùng theo mục tiêu nguyên nhân gây ngập mới là quan trọng nhất. Quan điểm chung của tiêu thoát nước là vùng cao tiêu cao, vùng thấp tiêu thấp, không để nước từ vùng cao chảy xuống vùng thấp. Vì thế, từ việc phân vùng mới xác định đâu là nguyên nhân chính gây ngập lụt để từ đó định hình được các giải pháp cơ bản nhất cho mỗi vùng”.

Lẽ ra phải thực hiện việc quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa rồi mới chọn cốt xây dựng/cao độ xây dựng khống chế cho phù hợp. Thế nhưng tại TP.HCM, cốt xây dựng/cao độ xây dựng khống chế được chọn trước rồi quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa phải thiết kế phù hợp theo. Đó là làm theo quy trình ngược. Nếu làm đúng thì người ta sẽ chọn cốt xây dựng khác nhau cho các vùng địa hình khác nhau và sẽ tránh được mâu thuẫn gây lãng phí.

Tình trạng ngập nước ở TP.HCM là do quy hoạch đô thị thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa thống nhất được cốt nền nên hàng ngàn dự án trên địa bàn TP “được làm theo quan điểm chủ quan về ngập lụt”, gây ra tình trạng đào lên, lấp xuống, tạo ra các “cung bậc” nền. Theo đó, các công trình nhấp nhô, điển hình là tình trạng nâng đường bắt nhà dân phải nâng theo. Chính cách chống ngập này gây tác động tiêu cực đến quá trình tiêu thoát nước.

Quy hoạch cốt nền không thể áp dụng máy móc theo nguyên tắc chỉ dựa trên lý thuyết cho toàn TP mà không nghiên cứu sâu hiện trạng để có những giải pháp phù hợp với toàn cục. Cần đối chiếu cập nhật thông tin từ quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/2.000 của TP và tỉ lệ 1/500 của quận, huyện.

Vấn đề cần quan tâm là phải rà soát lại, các quy trình, chỉ tiêu thiết kế trong quy hoạch chống ngập phải phù hợp với thực tế vì hệ thống cống thiết kế theo quy chuẩn cho mưa có vũ lượng tối đa trong ba giờ là 95,91 mm, đỉnh triều là +1,32 m. Nhưng thực tế những năm qua có những trận mưa chỉ trong 60 phút đã đạt vũ lượng 100-122 mm và trong 90 phút vũ lượng vọt đến 202 mm và đỉnh triều có lúc đã đạt tới +1,68 m.

Giải pháp nâng đường chỉ có tác dụng giảm ngập mặt đường, không có tác dụng giảm ngập cho nhà dân vì không tăng khả năng thoát nước. Trong điều kiện khó khăn về vốn hiện nay, nên tập trung vào làm cống thoát nước, chỗ nào khó khăn thì kết hợp bơm là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhất.

Quy hoạch hơn 100 hồ điều tiết, không khả thi vì ở TP. “tấc đất, tấc vàng” , ngay vùng đất công cũng đã khó làm hồ điều tiết, chưa nói đến việc đền bù cho dân ở những khu nội thị. Hồ điều tiết ngầm theo công nghệ của Nhật Bản đang làm thí điểm có nhiều triển vọng hỗ trợ cho bài toán chống ngập. Phải nâng cấp, đấu nối các hệ thống thống cống ngầm cũ và mới để tạo thành bài toán tổng thể cống ngăn triều, chứa nước (hồ điều tiết) và thoát nước theo hệ thống.