Tấm lợp amian có độc hại?[19/09/17]
19/09/2017 09:37
Tấm lợp amian có độc hại? TS.Tô Văn Trường
Tôi là người bị bệnh hen xuyễn mãn tính nên thường xuyên khốn khổ khi dị ứng với biến đổi thời tiết, bụi hoa phấn, lông động vật vv…nên khi nghe nói đến các tác hại của amiăng trắng, thực lòng muốn dừng sử dụng càng sớm, càng tốt. Là người làm công tác khoa học, nhà báo công dân nên tôi cũng rất lắng nghe, suy ngẫm ý kiến đa chiều, nhất là tác động đến đội ngũ hàng nghìn công nhân đang làm việc liên quan đến amiang sẽ thất nghiệp trong bối cảnh đất nước thu không không đủ chi, nợ công, nợ xấu đại vấn đề. Tuy nhiên, nghe con số ước tính thiệt hại, tuyên truyền trên tivi về việc dừng không sử dụng amiang trắng, đúng là người ta thổi phồng lên quá đáng (không loại trừ ý kiến của nhóm lợi ích).
Tôi cho rằng bất cứ quyết định nào đưa ra cũng có những ý kiến trái chiều là điều dễ hiểu vì tùy theo nhận thức, góc nhìn của mỗi người. Ngay cả khi con người tác động vào tự nhiên xây dựng cơ sở hạ tầng như làm nhà máy thủy điện, xây dựng bến cảng, sân bay vv…để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đều mang đến 2 mặt “được và mất” theo bài toán “trade-off” vì không bao giờ cho chúng ta đươc tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cho cái được lớn nhất và cái mất ít nhất. Ví dụ như làm nhà máy thủy điện, có được nguồn năng lượng tái tạo, sạch, phát điện ổn định, lợi rất nhiều nhưng lại mất rừng, mất đất, phải di dời dân vv…
Về vấn đề amiang trắng, tôi chưa có điều kiện đi sâu, nên chỉ xin trao đổi thuần túy về mặt khoa học.
Theo tôi hiểu cái hại của amiang trắng là nó có cấu trúc hình sợi (mảnh hơn cả sợi thủy tinh) cho nên khi khai thác, vận chuyển và chế biến, bụi của nó là những đoạn gãy sắc nhọn, khi thâm nhập vào phổi (có thể tới các phế nang). Do phổi luôn hô hấp, phế nang có thể phồng lên và xẹp xuống liên tục cho nên nó gây ra các vết thương siêu nhỏ ở các phế nang. Trong khi đó, cơ chế đẩy bụi ra ngoài của hệ thống hô hấp rất khó thải được loại bụi này. Từ đó, các vết thương siêu nhỏ trong phổi không/khó lành được, cơ thể phải tạo ra chất bao bọc nó lại (cơ chế như tạo những cái "mắt cá" khi một mũi gai cắm vào chân khi lấy ra không hết để lại mũi gai tạo thành cái mắt cá). Chính những chỗ được bao bọc ấy sẽ hình thành "mắt cá" và có thể phát triển thành những khôi u (lành hay ác tính).
Nếu đi sâu hơn, amiang nâu còn nguy hiểm hơn cả amiang trắng vì là sợi mảnh sần sùi có gai. Dĩ nhiên là amiang trắng có nhiều tác hại nhưng vấn đề là cần bổ sung thêm các số liệu khảo sát y tế nghề nghiệp trong các nhà máy sản xuất tấm lợp ở VN để minh chứng khẳng định tác hại của amiang trắng đã được WHO cảnh báo.
Xin lưu ý, về khía cạnh khoa học nên tách bạch amiang trắng ảnh hưởng trực tiếp đến người khai thác, sản xuất, gia công chứ ít ảnh hưởng đến người sử dụng các sản phẩm như fibro xi măng. Bởi vì amiang đã được đóng rắn cùng xi măng thành tấm lợp thì nó khó gây hại nữa do không còn khả năng tạo ra các bụi là những đoạn gẫy sắc nhọn như khi nó còn ở dạng bụi tự do. Nhiều người còn khuyến cáo người dân là sẽ bị ung thư khi sử dụng nước mưa hứng từ mái nhà lợp fibro xi măng!?. Điều này là hơi "quá đà", khó thuyết phục nếu so sánh với nguồn gây ung thư như chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các chất thải do ô nhiễm công nghiệp chưa xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam.
Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu amiang và sản xuất các tấm lợp. Bài học kinh nghiệm đắt giá về bảo đảm vệ sinh an toàn lao động trong một số khâu trực tiếp với nguyên liệu khi khai thác quặng chì, kẽm…chắc sẽ giúp ích nhiều cho những người sử dụng amiang trắng vv…
Quan điểm của Tổng liên đoàn lao động VN, của Ủy ban các vấn đề của Quốc hội, Ủy ban dân tộc của Chính phủ, các bộ ngành liên quan và nhiều nhà khoa học chắc chắn sẽ hữu ích rất nhiều để lãnh đạo Chính phủ xem xét, tham khảo, quyết định giải quyết hài hòa giữa bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nhất là liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người.