Giải pháp nào để phát triển điện năng?[30/10/17]

30/10/2017 09:25

10

Giải pháp nào để phát triển điện năng?

 

Tô Văn Trường

Nhận thức chung

Tôi hoàn toàn ủng hộ năng lượng tái tạo vì có nhiều ưu việt nhất là bảo vệ môi trường nhưng tính chất nguồn chưa được nghiên cứu kỹ, tác động không nhanh và không theo kịp với nhu cầu. Các đăng ký thực hiện thì nhiều nhưng thường bị kéo dài không thực hiện được một cách suôn sẻ.

Năng lượng tái tạo chiếm rất nhiều diện tích đất và phụ thuộc nhiều vào thời tiết và cho dù các nước phát triển đến mấy thì năng lượng tái tạo cỡ nhỏ không thể chiếm quá 20% nếu không tính đến các nhà máy thủy điện cỡ lớn. Nó vẫn chưa thoát được tính chất đóng góp và phủ đỉnh. Nó chưa thể trở thành phụ tải nền và độ ổn định đủ để trở thành xương sống của ngành năng lượng.

Các công ty lớn tham gia vào năng lượng tái tạo vì nó mới và có tiềm năng. Chủ yếu họ vẫn phải nuôi sống bằng năng lượng truyền thống.

Các trường hợp có lợi và thành công của năng lượng tái tạo là có và không ít nhưng đơn giản nó chỉ là các trường hợp nhỏ lẻ, mang tính chất địa phương và do có ưu đãi đặc biệt về điều kiện thiên nhiên vốn không hề giống nhau giữa vùng này với vùng khác và nước này, nước khác.

Hiện tại nhiệt điện than của Việt Nam chỉ chiếm 23% tổng năng lượng mà thôi và nằm trong số tỉ trọng thấp của thế giới trong khi Trung Quốc đang là 60%; Mỹ đang là 50%; Đức đang là 40%. Vậy thì việc tăng lên về tỉ trọng cũng là điều không thể tránh được. Chỉ có điều là hãy làm tốt nhất trong sự không thể tránh được đó để chúng ta không bị trả giá lớn trong tương lai mà thôi. 

Nước Đức đang dần chuyển sang năng lượng tái tạo được nhiều hơn nhưng hiện nay vẫn còn những nhà máy nhiệt điện than, và một số điện hạt nhân, và vẫn mua điện của nước láng giềng nữa.

Nước Mỹ đang quay trở lại năng lượng truyền thống (có nhiệt điện than) và một phần nguyên nhân là từ sự phát triển quá lố cũng như quá vội vàng trong thời Obama khiến cho bài toán kinh tế bị mất cân bằng và có nhiều trường hợp vô lý.

Vấn đề trợ giá

Theo tôi được biết nhìn chung không có trợ giá cho khai thác than hay điện than, mà chỉ có trợ giá cho năng lượng tái tạo. Như ở các nước, các gia đình lắp solar panel đều được trợ giá, nếu công suất dôi dư nhiều thì được trợ giá để kết nối bán qua mạng điện.

Nếu “mổ xẻ” kỹ hơn thấy cái gọi là trợ giá than hay điện than thực sự là không có một cách trực tiếp nhưng nó thường có dưới dạng trợ giá để bình ổn giá năng lượng vốn tồn tại ở khá nhiều nước trong đó có Việt Nam. Năng lượng nhìn chung là mặt hàng đặc biệt nên trong một bài toán lòng vòng, nhiều nước đã thực hiện việc trợ giá một cách gián tiếp để thực hiện việc bình ổn giá. Năng lượng tái tạo được trợ giá đặc biệt tốt ở các nước phát triển nhưng ở các nước đang phát triển thì nhiều khi không bằng cái việc trợ giá cho năng lượng truyền thống trong cái bài toán lòng vòng đó.

Năng lượng tái tạo hiện vẫn còn cao hẳn so với điện thông thường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể mua với giá cao hơn để rồi lại bán với giá thấp hơn. Gía cao này chỉ có thể giải quyết bằng sự hỗ trợ của nhà nước chừng mực nào đó. Đương nhiên về lâu dài, phải nghiên cứu để nâng hiệu quả, nâng công suất và hạ giá thành của năng lượng tái tạo.

Vấn đề phụ tải

Phụ tải đáy, phụ tải thân và nhất là phụ tải đỉnh biến động do tiêu dùng (sinh hoạt, sản xuất công nghiệp). Năng lượng tái tạo không thể xử lý biến động này được, lúc đó cần phải tăng thêm máy phát điện hay giảm máy phát tức thời. Ví dụ như đối với máy phát điện khí, khi hệ thống điện thiếu điện trầm trọng, người ta đặt mức khống chế nhiệt (temperature control) cao hơn. (ví dụ 580oC thông thường 560oC), thì máy phát có thể phát thêm 10% công suất nữa, đương nhiên tuổi thọ sẽ giảm. Đây là chế độ peak load. Còn có máy phát có chế độ reserve peak load, thì có thể tăng thêm 15oC nữa, và công suất phát cũng tăng thêm 8%. Năng lượng tái tạo không thể làm được việc này.

Phụ tải đáy hay còn gọi là phụ tải nền là phần điện năng phát ra cố định luôn luôn cần và chắc chắn cần. Nhìn chung, trong một đất nước mà công nghiệp phát triển thì thành phần phụ tải nền này rất lớn vì nhu cầu sử dụng điện cả ngày lẫn đêm. Những nước mà nhu cầu điện chỉ chủ yếu sử dụng cho sinh hoạt gia đình thì phần phụ tải nền này nhỏ.

Phụ tải đỉnh hay phụ tải biến động là phần phụ tải thay đổi theo thời gian. Khi có nhu cầu thì phải đáp ứng còn khi không có nhu cầu thì thôi.

Những nhà máy chạy phụ tải đáy là những nhà máy được chạy với phụ tải ổn định theo định mức và do đó nó có tuổi thọ tốt hơn, lợi nhuận đều đặn hơn. Những nhà máy chạy phụ tải đáy là những nhà máy mà phải thay đổi phụ tải tùy theo nhu cầu.

Nhìn chung Nhiệt điện than nên được chạy ở phụ tải đáy vì khi nó hoạt động ở phụ tải thấp thì nhiều vấn đề xảy ra như hiệu suất giảm và nếu thấp quá thì phải đốt kèm dầu, tăng chi phí và hiệu quả lọc bụi tĩnh điện bị kém. Nếu dừng phát điện thì thời gian khởi động lâu và ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị. Thủy điện nên chạy phụ tải đỉnh vì nó có khả năng biến đổi chỉ bằng việc mở đóng cửa xả nước. Tua bin khí nên chạy phụ tải đỉnh vì nó cũng khá linh hoạt trong điều kiện vận hành. Năng lượng tái tạo nên chạy phụ tải đỉnh vì sự tắt bật của nó cũng dễ dàng và đơn giản.

Đấy là việc nên và không nên. Tuy nhiên, hiện nay để khuyến khích năng lượng tái tạo thì nhà nước đã cam kết mua toàn bộ điện với giá cao nên nó được ưu ái khá tốt và được chạy phụ tải đáy.

Nhiệt điện than theo đó cũng phải đáp ứng và từ việc nên chạy phụ tải đáy nó lại phải chạy phụ tải đỉnh. Thủy điện vì nó rẻ nên người ta cũng hay ưu tiên chạy phụ tải đáy. Điện khí thì vẫn đang chạy phụ tải nửa đỉnh, nửa đáy.

Vậy thì chính sách năng lượng vì nhiều lý do nó cũng có thể ảnh hưởng tới các quyết định kỹ thuật.

Nhìn lại Quy hoạch điện 7

Tôi không phải chuyên gia năng lượng nhưng tìm hiểu thấy khi xây dựng Quy hoạch điện VII & Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Viện Năng lượng VN làm tư vấn, có rất nhiều cơ quan phản biện như: EVN, PVN, TKV, các Bộ, các địa phương, tư vấn thẩm tra phản biện nước ngoài. Các giải pháp năng lượng quốc gia được nâng lên, hạ xuống, cân đo đong đếm kỹ lưỡng, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi có Nghị quyết dừng các dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận của Quốc Hội, gần đây có sự bùng nổ về điện mặt trời, tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng cũng chưa đâu vào đâu, chủ yếu các doanh nghiệp núp dưới danh nghĩa kinh doanh bất động sản đầu tư điện mặt trời, chủ yếu là mua đất với giá rẻ.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự kiến đến năm 2020 đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời với tổng công suất kỳ vọng là 850MW. Tuy nhiên, do sự bùng nổ về  điện mặt trời nêu trên, gần đây Bộ Công thương (MOIT) đã trình Chính phủ cho phép đầu tư điện mặt trời đến năm 2020 là 4000MW. Việc này, cho đến nay Chính phủ vẫn chưa có phản hồi.

Về giá điện FiT cho năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện rác, điện sinh khối, điện đồng phát nhiệt-điện) do Chính phủ quy định & MOIT đã ban hành các Hợp đồng mua bán điện năng lượng tái tạo mẫu.

Lời kết

Ông Lý Quang Diệu - cố Thủ tướng Singapore, khi nghiên cứu về Việt Nam ông có nhận định rằng: “Cán bộ VN thường có tư tưởng kiếm chác!” Với trình độ của Việt Nam hiện tại, nếu cùng nhau, chung tay xây dựng đất nước nói chung và ngành năng lượng nói riêng, làm sao loại bỏ được tư tưởng kiếm chác cá nhân thì đất nước Việt Nam mới có cơ hội phát triển.