Tác động môi trường của thủy điện nhỏ.[03/11/17]

03/11/2017 08:29

20

Tác động môi trường của thủy điện nhỏ

TS. Phạm Quỳnh Hương

Chuyên gia Xã hội học

 

Vừa rồi tôi có dịp đi đánh giá tác động môi trường của các nhà máy thủy điện nhỏ (ở Cao Bằng, Điện Biên, KonTum, và sắp tới sẽ đi Quảng Nam). Và tôi cũng có dịp đi khảo sát xây dựng chiến lược phát triển đô thị (Bạc Liêu, An Giang, DakNong, Phú Yên, Huế, Lào Cai). Thấy có nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện về thủy điện và cũng thấy bạn đọc cũng quan tâm đến chủ đề này nên tôi muốn chia sẻ.

Các nhà máy thủy điện nhỏ được đánh giá là có nhiều mặt lợi, nhưng cũng có nhiều mặt tác động đến môi trường. Hiện nay các tỉnh đều nói là thủy điện đã làm hết rồi, không còn chỗ nào để làm nữa. Nhưng thực tế, khi đi khảo sát tôi thấy các doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương vẫn nhìn thấy còn nhiều chỗ có thể làm được nữa, và vẫn đang có dự định xin làm thêm nữa. Xét về tiềm năng tích nước, và tiềm năng địa hình dốc thì có thể còn nhiều khả năng. Xét về lợi ích thì hiển nhiên là có nhiều lợi ích. Về kinh tế, rất rõ rồi. Góp phần vào phát triển địa phương. Khi làm thủy điện, làm đường giao thông là nhu cầu bắt buộc của doanh nghiệp. Không có đường thì không đi vào xây dựng đập và nhà máy được. Con đường chính là cái lợi lớn nhất cho dân vùng núi cao.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở Nông nghiệp & PTNT và Sở Tài nguyên & MT thì thủy điện có nhiều tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là ứng phó biến đổi khí hậu ở vùng cao. Cụ thể là mất rừng và lũ, điều này đã được nói đến nhiều rồi. Thứ hai là dòng nước cạn. Đặc biệt trong điều kiện dòng sông bị chặn quá nhiều, cả từ phía Trung Quốc, nên dòng chảy trong mùa cạn đã ảnh hưởng rất lớn đến nước cho sinh hoạt, tưới tiêu, và cho thủy sinh. Thứ ba là sạt lở. Các công trình hạ tầng nói chung, chứ không chỉ thủy điện, khi xây dựng trên vùng núi cao và dốc, đặc thù của vùng núi phía Bắc, đã làm trầm trọng thêm tình trạng sạt lở. Sạt lở phần lớn là do kinh phí có hạn nên quá trình khảo sát không kỹ, thiết kế không đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, thi công không đảm bảo chất lượng cao nhất. Khi gặp mưa lớn, kéo dài thì hạ tầng không thể ngăn được lũ và sạt lở. Gây ra thảm họa càng nặng nề hơn so với tình trạng rừng tự nhiên. Tình trạng lũ, sạt lở vừa qua là một ví dụ.

Tất cả những thông tin về tác động không mong muốn này mà tôi thu được đều là từ các sở. Chứ trong quá trình đi khảo sát phỏng vấn doanh nghiệp, chính quyền xã, và người dân đều không có được cái nhìn này. Chính quyền xã, huyện và người dân chỉ nhìn thấy được những gì trực tiếp, trước mắt, chứ không nhìn thấy được những gì xa, cần sự phân tích. Ngay cả khi bị tác động từ lũ quét, sạt lở họ cũng không biết nguyên do từ đâu. Vậy mà, trong những quy định về thẩm định ‘Đánh giá Tác động Môi trường’ (ĐTM) lại không thấy có tham vấn các sở có liên quan, ít nhất là các sở Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & môi trường, Xây dựng, Giao thông VT. Theo quy định, bắt buộc phải có ý kiến của chính quyền xã, và của người dân bị ảnh hưởng về đất, nhà. Nếu không có thì ĐTM không thể được thông qua. Tôi nghĩ cũng cần có quy định về bắt buộc có ý kiến của các sở có liên quan. Hiện nay các sở Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & môi trường đều nói rằng ‘…chúng tôi nói nhiều rồi, nhưng ý kiến của chúng tôi không được lắng nghe..’. Ngoài ra, ý kiến của người dân không chỉ là những người mất đất, nhà, mà cả những người bị ảnh hưởng khác như về sử dụng nguồn nước cũng cần được quan tâm (lũ lụt, hạn hán, thủy sinh).