Về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên Môi trường.[29/11/17]
29/11/2017 08:50
Về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên Môi trường
Thư bạn đọc
24/11
Đất đai là nơi ở của hầu hết mọi người, là nguồn sống, tài sản của rất, rất nhiều người. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) ban hành Thông tư 33/2017 (TT33) có hiệu lực từ 5/12/2017 qui định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một số trường hợp phải ghi cả tên tất cả mọi người trong hộ gia đình, trong đó có trường hợp được nhà nước cấp đất nông nghiệp. Thế rồi chữ nghĩa viết thế nào mà đâm ra nhiều cách hiểu khác nhau, nhiều ý kiến khác nhau. Mấy quan chức Bộ TNMT bảo rằng ‘TT33 là để bảo vệ quyền lợi của dân’. Dân đọc TT33 mà không hiểu là …‘dốt’… chứ các quan chức trong ngành đều hiểu hết. Thật không còn chỗ để nói.
Lê Nguyên Quân
24/11
Thông tư đưa ra mà rối rắm, khó hiểu, gây bất an trong dân chúng bị nhiều người phản đối thì phải rà soát, xem xét lại. Tôi mới nghe trên VTV1 giải thích ý kiến của Tổng cục quản lý đất đai không thuyết phục bởi vì theo luật đất đai 1993 giao đất nông nghiệp cho hộ nông dân theo mức bình quân nhân khẩu trong xã đến nay đã quá lạc hậu, không còn có ý nghĩa trong thực tế.
Biết sai, nhận lỗi sửa sai là văn hóa ứng xử của công chức. Nếu cứ để Thông tư "sổ đỏ" kiểu này có hiệu lực thì dân còn bị hành.
Tô Văn Trường
26/11
Sáng nay, tôi coi TV lúc 7.30 mục cafe buổi sáng cuối tuần bàn luận về Thông tư 33/2017. Có 2 người bình luận là GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT) và luật sư Đình Hưng.
Phân tích, dẫn chứng của luật sư Đình Hưng rất rõ ràng, minh bạch. Nếu thực hiện Thông tư 33 sẽ sinh ra cả 1001 điều bất cập đối với dân chúng. Ông Đặng Hùng Võ nói kiểu nước đôi "cần hướng dẫn rõ ràng hơn trong quá trình thực hiện"? vv...
Chỉ riêng Thông tư 33/2017 nếu để ý phát biểu của Gs Đặng Hùng Võ có 3 lần khác nhau. Lần thứ nhất chính ông là người khai mào trên báo Lao động phê phán nặng nề các bất cập của Thông từ 33 . Lần thứ hai trong mục thời sự buổi tối 19 giờ mới đây, ông lại "đổi mầu" ca ngợi Thông tư 33 là đúng đắn. Lần thứ ba trong buổi sáng nay ông lại nói kiểu "nước đôi".
Ngẫm suy dân gian thường gọi:
1) Con cắc ké (còn gọi là nhông hàng rào): Tên khoa học hai phần: Calotes versicolor (tiếng La tinh Versi là thay đổi color là màu)
2) Con cắc kè (hay tắc kè dùng ngâm rượu): Tên khoa học hai phần: Gekko gecko
Vậy nên gọi ông Võ là gì nhỉ?
Trong quản lý nhà nước, không thể tránh được các khiếm khuyết, cho nên việc cầu thị, lắng nghe để sửa sai chỉ làm cho dân hiểu và tin hơn mà thôi. Thông tư 33/2017 chỉ có con đường phải sửa lại để yên lòng dân.
Tôi đang đọc các tài liệu về ngành y để viết bài phản biện, nghe "người trong cuộc" kể bà Bộ trưởng yếu cả về chuyên môn lẫn quản lý, lại có sở thích ngồi rung đùi với co chân lên ghế. Có lần chủ trì cuộc họp cả Tây lẫn ta vì bỏ giày ra nên lúc phải phát biểu không tìm thấy nên cho đại biểu nghỉ đột ngột để tìm giày. . Nhiều chuyện hài lắm!
Tô Văn Trường
27/11
Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ tài nguyên và Môi trường có hiệu lực hiệu lực từ 5/12/2017 đang gây nóng dư luận quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất đang gây nóng dư luận bởi quy định tại khoản 5, điều 6 của thông tư khi nhiều người cảm thấy như phức tạp hơn và có gì chưa ổn.
Phải rút thông tư này vì những lý do sau:
1. Theo luật dân sự, Hộ không phải là tổ chức có tư cách pháp nhân trình các giao dịch kinh tế vì thế không thể giao đất cho hộ chung chung tất cả các thành viên. Chủ hộ (gồm cả vợ và chồng mà không phải tất cả các thành viên của hộ) có tư cách pháp nhân để được giao hay thực hiện các quyền đối với đất đai.
2. Khái niệm hộ có tính tương đối và không chặt chẽ vì thế nào là một hộ sẽ được hiểu khác nhau (1 thế hệ hay 2, 3, thậm chí 4 thế hệ..) thì việc ghi tên các thành viên vừa không hợp pháp và không hợp lý.
Đỗ Kim Chung
27/11
Nghe tin TT33 sắp có hiệu lực, tôi đã phải đi kiểm tra lại sổ đỏ cấp cho mảnh đất của nhà mua ở Ba Vì từ năm 2002. Hóa ra ở nông thôn thì dù là đất thổ cư+ đất vườn và cá nhân mua (con cái không có đóng góp gì) nhưng sổ đỏ ghi như thế này:
Chứng nhận Hộ Ông/Bà.... được quyền sử dụng....
Như vậy đúng là có chuyện "ghi tên hộ gia đình trên sổ đỏ như trước đây" thật và người dân, dù biết chữ hẳn hoi cũng không hề để ý là có thêm chữ "Hộ", tức là khác với đất nhà ở thành phố Hà Nội thì ghi:
Chủ sở hữu nhà ở và đất ở: Ông /(và) Bà....
May quá, Bộ TNMT khẳng định đây là quy định tự nguyện, không bắt buộc, chứ không lại lo ngay ngáy tổn thọ!
Nếu dẫn chiếu theo Luật dân sự thì ghi như vậy là sai. Các ngành cứ tùy tiện ban hành và thực hiện quy định pháp luật, không cần biết có chồng chéo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác không.
Lê Hoàng Lan
Giải đáp của Bộ Tài nguyên và Môi trường
27/11
Mục đích của TT33 là bảo vệ lợi ích của người dân, giải quyết tồn tại trước đây về việc cấp giấy đại diện quyền sử dụng đất chung cho nhiều chủ thể trong hộ gia dình dẫn đến tranh chấp thường xuyên, phức tạp, tòa không có cơ sở xử lý Viêc thực hiện theo thông tư chỉ khi dân có nhu cầu và hoàn toàn tự nguyện.
Tuy nhiên, nếu văn bản chưa hoàn thiện và rõ ràng, Bộ TNMT sẵn sàng lắng nghe để hoàn thiện đáp ứng người dân. Nếu văn bản phù hợp mà dân chưa hiểu sẽ hướng dẫn và giải thích nhân dân hiểu, yên tâm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà
27/11
Thông tư 33/2017 chỉ hướng dẫn về cách ghi tên người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp quyền sử dụng đất của chung hộ gia đình. Đối với đối tượng sử dụng đất còn lại (như của cá nhân, của vợ và chồng, …) thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.
Với cách diễn đạt trong TT33, trong ngành sẽ hiểu nhưng bên ngoài có thể chưa hiểu đúng ý. Tôi khẳng định Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này.
Trong các luật bao giờ cũng có điều liên quan đến giải thích từ ngữ. Chúng tôi làm chuyên môn thì hiểu rất nhanh. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là diễn đạt làm sao khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà tất cả người dân hiểu được, đấy là cái quan trọng. Hệ thống pháp luật về tài nguyên môi trường rất rộng, chúng tôi xin tiếp thu về việc diễn đạt để trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tới đây sẽ diễn đạt dễ hiểu hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa
27/11
Phạm vi điều chỉnh của TT33 là ghi tên các đối tượng thuộc hộ gia đình, còn các thông tin cá nhân vẫn giữ nguyên như tài sản cá nhân của vợ hoặc chồng. Tài sản tạo lập của vợ hoặc chồng khi tham gia giao dịch mà các thành viên khác trong gia đình không tham gia đóng góp thì sẽ không ghi trên bìa đỏ.
Việc quy định như vậy sẽ chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất, không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
Việc ghi tên hộ gia đình trên ‘sổ đỏ’ trước đây gây ra các bất cập khi quyền sử dụng đất của các thành viên trong gia đình. không được xác lập cụ thể; khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất sẽ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quyền của từng thành viên; khó khăn khi xác định chính xác đối tượng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất…
Phó Tổng cục trưởng Đất đai Mai Văn Phấn