Trao đổi về bài viết của KS-TS Đặng Đình Cung.[07/04/18]

06/04/2018 10:26

10

TRAO ĐỔI VỀ BÀI VIẾT CỦA

KS-TS ĐẶNG ĐÌNH CUNG

Thủy điện Hòa Bình xả lũ năm 2017

KSCC. Hoàng Xuân Hồng

Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam

 

 

 

Tôi đã xem bài viết “Hãy thương hại đồng bào tôi hỡi các ông thủy điện ơi” của KS-TS Đặng Đình Cung một người Việt ở Pháp và xin có đôi lời như sau:

Chắc vì ông ở xa tổ quốc đã nhiều năm, những thông tin chuyên ngành về thủy lợi, thủy điện ở đất nước ông không nắm được nên trong bài viết của ông đều không đúng những gì đã và đang có ở Việt Nam. Ngay trong câu mở đầu đã thấy ông không hiểu ở Việt Nam công việc chinh phục các dòng sông nhằm vào nhiều mục đích như – chống lũ, cấp nước cho các ngành kinh tế quốc dân, phát điện, phát triển giao thông thủy và cải tạo môi trường đã bắt đầu được tổ chức thực hiện từ năm 1960 khi thành lập Ủy ban Khai thác và trị thủy sông Hồng. Những kết quả sau nhiều năm nghiên cứu về sông Hồng và nhiều sông lớn trong toàn quốc xác định được vị trí cũng như qui mô của nhiều nhà máy thủy điện lớn và sau mấy chục năm đã xây dựng, các nhà máy thủy điện này đóng góp rất lớn đối với tổng sản lượng điện cho toàn quốc.

Thành tựu này chắc không phải là vì nhờ “lời” kêu gọi của ông về khai thác tất cả các địa điểm thuận tiện để sản xuất thủy điện”.

Đã là xây dựng thủy điện thì yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản cho hàng triệu người sống ở hạ lưu, điều này đã được ấn định trong các bộ luật có liên quan như – Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Phòng chống thiên tai, Nghị định Quản lý an toàn đập và rất nhiều văn bản dưới luật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn khi xây dựng, quản lý, vận hành các hồ chứa nước trong đó bao gồm cả nhà máy thủy điện. Những việc đã được làm kể trên chắc không phải sau khi ông “đã nhiều lần kiến nghị chính phủ ra lệnh chủ nhân các công trình thủy lợi”.

Không rõ ông là kỹ sư – tiến sỹ về lĩnh vực nào nhưng khi đọc bài viết của ông, tôi cảm thấy kiến thức về thủy lợi – thủy điện của ông chưa đủ tầm để giảng giải cho người khác, khi mà ở nước ta đang có hàng ngàn kỹ sư, tiến sỹ và các chuyên gia giỏi về lĩnh vực này.

Tôi hơi lấy làm lạ khi đọc kiến nghị của ông “Qui hoạch lại qui trình tích nước và tháo nước để không phải xả lũ về mùa mưa”. Lũ do mưa mà có, khi mưa lớn, lũ về đầy hồ đến quá khả năng chứa của hồ thì phải xả lũ đi, về mùa khô lượng nước đến ít chả lẽ xả lũ cho cạn hồ hay sao? – Đây là kiến thức cơ bản cần phải có của những ai có liên quan đến việc xây dựng và quản lý hồ chứa.

Tất cả các hồ chứa đã xây dựng ở Việt Nam đều có qui trình vận hành, trong đó qui định rất chặt chẽ trách nhiệm của chủ hồ chứa trong việc điều tiết mực nước hồ chứa trên nguyên tắc  - Trong mùa khô vẫn đảm bảo có dòng chảy môi trường tối thiểu cho hạ du và đảm bảo xả lũ đúng với các chỉ số thiết kế, không làm tăng mức độ ngập nước ở hạ du so với khi không có hồ chứa.

Cũng do không nắm được thông tin về việc mở 08 cửa xả đáy của thủy điện Hòa Bình vào mùa lũ năm 2017 nên ông đã hiểu sai mục đích của việc này. Vào thời điểm cuối mùa lũ năm 2017 mưa tại vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình rất lớn (hiện tượng rất hiếm xảy ra), nước hồ lên cao quá mức cho phép nên những người có trách nhiệm đã cho mở 08 cửa xả đáy để hạ nhanh mực nước hồ đảm bảo an toàn cho đập chứ không phải vì mục đích kiểm tra tính bền vững của công trình như ông nghĩ.

Việc ông quan tâm đến an toàn ở hạ lưu các hồ chứa thủy điện là tốt nhưng cũng cần nắm bắt thông tin đầy đủ về những gì đang diễn ra hàng ngày ở trong nước để nêu những ý kiến của mình cho xác thực, như vậy những ý kiến đó mới có giá trị.