Phòng chống thiên tai ở Việt Nam.[15/04/18]
15/04/2018 07:37
Phòng chống thiên tai ở Việt Nam
TS. Trần Quang Hoài,
Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai
(Phát biểu tại Hội thảo quốc tế của Tiểu ban kỹ thuật về phòng chống thảm họa thiên nhiên – Hội đồng điều phối Xây dựng chấu Á, Hà Nội, 13/4/2018)
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới về thiên tai. Lịch sử phát triển của Việt Nam gắn liền với lịch sử phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Với sự đóng góp công sức của rất nhiều thế hệ, sự nghiệp phòng chống thiên tai của Việt Nam đã không ngừng phát triển, thu được những thành tựu rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từng bước an toàn hơn trước thiên tai, giảm thiểu được thiệt hai về người và tài sản, hạn chế được sự phá hoại của thiên tai đối với môi trường sống, góp phần bảo vệ thành quả phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam đã:
- Xây dựng được hệ thống pháp luật về phòng chống thiên tai tương đối đầy đủ với Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT), Luật Đê điều, Luật Thủy lợi…Từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác PCTT từ trung ương đến địa phương;
- Xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai đồng bộ với hàng nghìn km đê sông, đê biển; trên 6000 hồ chứa nước; hàng nghìn km bờ bao chống lũ; các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão; các cụm tuyến dân cư vượt lũ…
Mặt khác, công tác chỉ đạo, chỉ huy, tham mưu ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã được sự quan tâm thích đáng của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong các đợt thiên tai lớn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam còn phải đối diện với nhiều thách thức, có thể kể đến ở đây như:
- Nguy cơ xuất hiện bão mạnh, siêu bão ngày càng gia tăng vượt quá khả năng chống chịu của hệ thống công trình hạ tầng, đồng thời có xu hướng xảy ra tại các vùng trước đây ít chịu tác động bởi thiên tai; mưa lũ trái mùa cường suất lớn; hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tiếp tục diễn biến phức tạp; nắng nóng, rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra; tình trạng suy kiệt nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng;
- Thách thức từ việc sử dụng nguồn nước của các nước thượng lưu sông Hồng, sông Mê Công đã và sẽ dẫn đến mất cân bằng bùn cát, hạ thấp lòng sông, suy giảm nguồn nước góp phần làm trầm trọng hơn tình hình lũ, hạn, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển ở Việt Nam;
- Tác động của quá trình phát triển thiếu bền vững cùng với sức ép của gia tăng dân số cũng làm gia tăng rủi ro thiên tai như lũ quét, sạt lở đất ở miền núi, đe dọa an toàn đập, gia tăng ngập lụt, hạn hán; gây sạt lở bờ sông, bờ biển;
Bên cạnh đó, yêu cầu, đòi hỏi về một xã hội có khả năng chống chịu và an toàn hơn trước thiên tai đã và đang được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống phòng chống thiên tai các cấp.
Đối mặt với những thách thức trên, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tổng thể để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cụ thể là:
- Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cấp cơ sở hạ tầng từ Trung ương xuống địa phương theo hướng chuyên nghiệp hóa;
- Xây dựng, hoàn thiện và triển khai có hiệu lực, hiệu quả hệ thống pháp luật, phát huy tối đa nguồn lực của nhà nước và toàn xã hội đồng thời đảm bảo việc chấp hành nghiêm pháp luật về phòng, chống thiên tai;
- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo đảm bảo kịp thời, chính xác;
- Tăng cường các giải pháp quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, đặc biệt là công nghệ dự báo, cảnh báo sớm; chủ động, tích cực trong hợp tác quốc tế.
Những thách thức nêu trên không chỉ đối với Việt Nam mà cũng là thách thức của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới! Cộng đồng quốc tế đứng trước đòi hỏi phải quan tâm đầu tư thích đáng, hợp tác, chia sẻ để cùng nhau vượt qua. Trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia đã có những hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với công tác PCTT của Việt Nam.
Hội nghị quốc tế về Phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai hôm nay là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ các quốc gia vùng Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chính sách, các kết quả nghiên cứu, bài học thực tiễn trong PCTT… Hội nghị cũng là cơ hội để các nước xây dựng các hợp tác hướng tới việc thực hiện có hiệu quả Khung hành động Sendai và mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng cục Phòng chống thiên tai hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng điều phối Xây dựng Châu Á, Tổng Hội xây dựng Việt Nam, đã tổ chức Hội nghị quan trọng này!