Góp thêm đôi điều về nhiệt điện than.[01/05/18]
01/05/2018 11:00
Góp thêm đôi điều về nhiệt điện than
TS. Nguyễn Thành Sơn
Nguyên trưởng ban Chất lượng & Khoa học Công nghệ TKV
Có thể những kiến thức các GS Liên Xô dậy chúng tôi ngày xưa nay đã thành lạc hậu so với các "trường danh tiếng" chuyên cấp bằng thật cho các "học giả" bây giờ. Nhưng tôi vẫn phải nói cho rõ như sau:
Tôi rất e ngại rằng chúng ta đã quá lời với ngành điện nói chung và nhiệt điện than nói riêng. Bàn luận cái gì cũng phải cần chứng cứ khoa học, không thể nói theo cảm tính.
Việc tuyên bố "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế" chỉ là của Việt Nam thôi.
Nhân loại trong 3 cuộc Cách mạng Công nghiệp vừa qua không ngừng phải duy trì cuộc sống của mình bằng cách phải làm ra: (i) thực phẩm (ô nhiễm môi trường đất), (ii) tạo ra năng lượng (ô nhiễm môi trường không khí) và, (iii) sử dụng nước uống (ô nhiễm nguồn nước).Thiếu những thứ khác thì được. Thiếu 3 thứ đó (thực phẩm, năng lượng và nước uống), không có chúng ta hôm nay để mà to mồm. Các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng chỉ xoay quanh 3 nhu cầu thiết yếu đó.
Hiện nay, bình quân mỗi năm, loài người khai thác và sử dụng bình quân khoảng 8 tỷ tấn than (năm 2013 là 7,2 tỷ tấn than) và thải ra môi trường MỖI NĂM khoảng 2,4 tỷ tấn chất thải rắn, giống như tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Bình quân đầu người gần 1 tấn/năm.
Việt Nam hiện đang sử dụng mỗi năm khoảng 60 triệu tấn than các loại(cả nhiệt điện, xi măng, thép, phân bón v.v.). Bình quân đầu người chỉ hơn 0,6 tấn/năm. Trong đó, nhiệt điện chỉ chiếm 60% thôi.
Than sau khi đưa vào lò hơi (sản xuất điện) thải ra nhiều tro bay và xỉ đáy lò, nhưng đó là những chất vô hại. Nên nhớ rằng, các bãi thải tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện được thế giới liệt vào danh mục tài nguyên khoáng sản "THỨ SINH". Vì hàm lượng quặng ô xít kim loại trong tro xỉ khá cao.
Còn than đưa vào lò quay (sản xuất xi măng) thì hầu như không thải ra cái gì.
Nguy hại nhất là than đưa vào lò luyện coke và lò cao (sản xuất thép) sẽ thải ra ít chất thải nhưng có chứa các chất cực độc. Sự cố Formosa ở Hà Tĩnh có nguyên nhân từ lò luyện than "đểu" thành "coke". Còn ở vùng Quảng Ninh, gần 60 năm qua làm gì có sự cố môi trường nào từ nhiệt điện than.
Còn kinh tế của Việt Nam chậm phát triển so với thế giới như thế nào chắc tôi không cần nhắc lại.
Trong số các dự án công nghiệp ở Việt Nam, các dự án nhiệt điện chạy than có ĐTM (Đánh giá Tác động Môi trường) chi tiết và chất lượng (vì làm theo mẫu ban đầu của ngân hàng cho vay vốn ODA dự án Phả Lại).
Trung Quốc là nước sử dụng than cho phát điện nhiều nhất thế giới , nhưng tôi theo dõi chưa thấy bao giờ họ làm như Việt Nam (coi chất thải của nhà máy nhiệt điện là nguy hại).
Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm:
Việc phản đối nhấn chìm các chất nạo vét đáy biển ở ngay ngoài biển của Việt Nam vừa qua cũng là vô lối, dở hơi, tự mang đá nghè vào chân mình. Trên thế giới , không ai đưa chất nạo vét ngoài biển đổ lên bờ cả. Vì đổ lên bờ là giải pháp ngu xuẩn nhất (vừa gây ô nhiễm, vừa tốn kém). Biển là môi trường có thể trung hòa tất cả và quan trọng nhất, biển là một đối tượng "tự nhiên" luôn có tính năng tự lấy lại cân bằng cao nhất.