Điều lệ Hội

19/12/2006 22:34

27


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                   

 

ĐIỀU LỆ HỘI ĐẬP LỚN VIỆT NAM

 

<Ban hành kèm theo Quyết định số 73/2004 /QĐ-BNV

ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Bộ Nội vụ>

                

Chương I

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

 

Điều 1:  Tên gọi.

Tên tổ chức là: Hội Đập lớn Việt Nam. Tên giao dịch quốc tế là Vietnam National Commission On Large Dams, viết tắt là VNCOLD.

Điều 2:  Tôn chỉ, mục đích.

Hội Đập lớn Việt Nam là hội nghề nghiệp, tập hợp những tổ chức và cá nhân quan tâm, hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến phát triển đập lớn (nghiên cứu, qui hoạch, khảo sát, thiết kế, xây dựng, chế tạo thiết bị, sản xuất vật liệu, công nghệ thông tin, môi trường, quản lý, kinh doanh,...) tự nguyện tham gia Hội nhằm :

·             nêu cao nhiệt tình và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp,

·             trao đổi thông tin và kinh nghiệm, trau dồi nghề nghiệp,

·             tư vấn chuyên ngành và thẩm định xã hội,

·             mở rộng hợp tác khoa học và công nghệ, liên kết đầu tư

vì sự nghiệp phát triển đập lớn an toàn, bền vững và hiệu quả tại Việt Nam.

Điều 3:  Quan hệ.

Hội Đập lớn Việt Nam hợp tác, gia nhập các tổ chức Hội khoa học kỹ thuật khác trong nước, trong khu vực và thế giới theo quy định của pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Điều 4:  Phạm vi hoạt động.

Hội Đập lớn Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước, có tư cách pháp nhân, trụ sở đặt tại Hà Nội.

Cơ quan ngôn luận của Hội là Bản tin và Tạp chí của Hội.

Hội có biểu tượng, con dấu, tài sản, tài chính và tài khoản riêng (tiền Việt Nam và ngoại tệ) tại Ngân hàng.

 

Chương II

NHIỆM VỤ,  QUYỀN HẠN

Điều 5:  Nhiệm vụ của Hội.

1.       Động viên nhiệt tình và khả năng sáng tạo, nêu cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên nhằm phát triển đập lớn đạt hiệu quả cao về đầu tư, an tòan khi khai thác sử dụng tổng hợp, bền vững về môi sinh.

2.        Khuyến khích và giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ nghề nghiệp (kỹ thuật, quản lý,..) góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về phát triển đập lớn tại Việt Nam.

3.       Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các lĩnh vực khoa học công nghệ liên quan đến phát triển đập lớn.

4.       Thực hiện công tác tư vấn, phản biện và đóng góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước về những chủ trương, cơ chế, chính sách, các dự án qui hoạch, xây dựng, quản lý vận hành đập lớn theo quy định của pháp luật.

5.       Thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức xã hội mà Hội là thành viên, cộng tác với các hội và các tổ chức chuyên ngành khác.

6.       Tăng cường quan hệ với Uỷ hội Đập lớn Thế giới (International Commission on Large Dams - ICOLD) và các tổ chức quốc tế theo các qui định của Nhà nước.

7.       Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức thành viên và hội viên trong hoạt động nghề nghiệp.

Điều 6:  Quyền hạn của Hội.

1.           Tiến hành đại hội, triệu tập các hội nghị,  thành lập các tổ chức của Hội.

2.           Tiến hành hội thảo trao đổi và phổ biến kinh nghiệm, trình bày các kết quả nghiên cứu, giới thiệu những thành tựu mới về phát triển đập lớn.

3.           Cử hội viên tham gia hội nghị, hội thảo, nhóm công tác trong và ngoài nước về đập lớn theo các quy định hiện hành.

4.           Tiến hành tập huấn, đào tạo nghề nghiệp cho hội viên và những người có nhu cầu về các lĩnh vực liên quan đến phát triển đập lớn.

5.           Tham gia ý kiến về các chính sách, các chương trình, dự án, kiến nghị những giải pháp với Nhà nước về phát triển đập lớn phục vụ các mục tiêu  kinh tế - xã hội.

6.           Tham gia tư vấn, phản biện, thẩm định, giám sát kỹ thuật các dự án đập lớn với trách nhiệm xã hội hoặc theo yêu cầu chuyên ngành.

7.           Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để trao đổi thông tin, cùng nghiên cứu, đầu tư phát triển đập lớn.

8.           Hoạt động kinh tế theo quy định của pháp luật thông qua các công việc tư vấn, thông tin, dịch vụ sản xuất và quản lý (qui hoạch, thiết kế, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến,...), hợp tác và liên kết đầu tư phát triển đập lớn.

9.           Xuất bản các ấn phẩm, công trình nghiên cứu, tài liệu tra cứu và phổ biến kiến thức nghề nghiệp  theo quy định của Luật xuất bản

10.        Chi dụng các nguồn thu hợp pháp.

11.        Phát thẻ và các chứng chỉ nghề nghiệp cho hội viên.

12.        Khen thưởng và kỷ luật đối với các hội viên và tổ chức của Hội.

 

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 7:  Hội viên.

Các tổ chức của Việt Nam và cá nhân là công dân Việt Nam hoạt động hoặc quan tâm đến các lĩnh vực liên quan tới đập lớn tại Việt Nam, tán thành điều lệ Hội và tự nguyện đăng ký gia nhập Hội đều có thể trở thành hội viên của Hội Đập lớn Việt Nam.

1.  Hội viên tập thể là những tổ chức, tập thể  nghiên cứu, sự nghiệp, đào  tạo, tư vấn, xây dựng, chế tạo thiết bị, quản lý, kinh doanh,... thuộc các thành phần kinh tế.

               Hội viên cá nhân là những nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, kỹ thuật viên, doanh nhân, hoạt động xã hội.

2.  Hội viên tập thể và cá nhân của Hội khác, nếu chấp nhận Điều lệ Hội và làm đơn tự nguyện gia nhập Hội thì vẫn được kết nạp vào Hội viên Hội Đập lớn Việt Nam.

3.  Hội viên (tập thể hoặc cá nhân) có thể  thuộc loại:

* Hội viên chính thức là những hội viên ở trong nước,  có điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động và quyết định các vấn đề của Hội;

* Hội viên liên kết là những hội viên chủ yếu ở nước ngoài, có nhiệt tình đóng góp cho Hội nhưng không có điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội;

* Hội viên danh dự là những cá nhân có uy tín và trình độ cao nhưng không có điều kiện tham gia trực tiếp họat động của Hội, được tôn vinh làm Hội viên danh dự.

Hội viên liên kết và hội viên danh dự không được quyền tham gia bầu cử, ứng cử vào Ban Chấp hành, các chức vụ chủ chốt của Hội, không được quyền biểu quyết các vấn đề quan trọng của Hội.