Phát triển đồng bằng sông Cửu Long: mô hình sản xuất nào?[16/05/18]

16/05/2018 10:27

22

Phát triển đồng bằng sông Cửu Long:

mô hình sản xuất nào?

 

Cần xác định rõ mô hình phát triển của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì mới có thể có giải pháp và lộ trình phù hợp. Quan điểm là sống chung/thích ứng chủ động với thiên nhiên (chung sống với lũ, hạn, mặn..) hay là cưỡng bức thiên nhiên (đập ngăn mặn, giữ ngọt…). Do vậy,  tôi không nhất trí với chủ trương ưu tiên tại ĐBSCL là: Thủy sản - Trái cây - Lúa gạo vì như vậy, chúng ta chỉ nhìn mô hình kinh tế theo giá trị xuất khẩu mà không nhìn thấy hết vai trò của lúa gạo như một ngành Kinh tế - xã hội. Do vậy, ĐBSCL vẫn phải là Lúa gạo, sau mới đến Thủy sản và trái cây. Khi đặt ra các ưu tiên, cần xét đến tiêu thụ, thị trường. Trong trường hợp Trung Quốc (TQ) không mua thủy sản, trái cây khi đó sẽ thế nào, trong khi gạo chúng ta có nhiều thị trường và có thể bảo quản được, tất nhiên, xuất khẩu gạo bao nhiêu, loại gì cũng còn là vấn đề cần bàn để các bên đều có lợi nhuận cao nhất (Chúng ta xuất khẩu gạo mà chưa tính đến đồng thời chúng ta nhập về phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV); chúng ta “xuất khẩu” kèm với gạo là nước, vì để sản xuất 1kg gạo cần 3.500-4000 lít nước).

GS.TSKH. Nguyễn Văn Bộ

ooo

Ngoài những việc đã và đang làm - tất nhiên còn chưa đạt tối ưu; ngoài "Mô hình" đã đề xuất, tôi chưa nghĩ ra thêm gì nữa. Song như cái tâm và cái tầm quản trị như trước đây và hiện nay, thiết nghĩ, không nên bày ra làm cái gì khác nữa, nhất là khi hệ thống giao thông và đầu tư xã hội của Chánh phủ như đã có. Đặc biệt tôi phản đối Công nghiệp ô nhiễm môi trường và tích tụ đất Nông nghiệp bán cho nước ngoài trá hình. Thà nghèo mà lành, sạch, vui!

Nguyên Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Minh Nhị

ooo

Tôi không phải là chuyên gia nông nghiệp nên chỉ xin tham góp vài ý nhỏ. Việc thay đổi cấu trúc sản xuất ở ĐBSCL là việc phải thường xuyên nghiên cứu và triển khai kịp thời. Gần đây thấy có nhiều đánh giá thấp việc trồng lúa, coi lúa gạo là sản phẩm có giá trị thấp và hô hào chuyển ngay sang các loại cây con khác. Cần thận trọng vì phát triển loại nông phẩm nào đều phải xem xét kỹ yêu cầu và biến động của thị trường, đặc điểm và chất lượng sản phẩm, điều kiện tự nhiên và xã hội trong sản xuất.

Ý kiến thứ hai về cách thức đối phó với tình hình sạt lở bờ sông  ở ĐBSCL. Bờ sông bên lở bên bồi là hiện tượng vốn xưa như trái đất. Lở chỗ này lại bồi chỗ khác. Tất nhiên cũng có những tác động nhất định của con người. Việc tìm nguyên nhân, dự báo,.. rất khó khăn, phức tạp. Để đối phó với sạt lở bờ sông, người ta thường nghĩ ngay đến kè bờ, mặc dù đây là giải pháp tốn kém và kè chỗ này thì lại sạt lở gần đó. Kè bờ chỉ nên được xem xét ở nơi dân cư đông đúc, nhiều cơ sở kinh tế và hạ tầng quan trọng. Ở những nơi khác thì tốt nhất là hỗ trợ dân di dời. Tôi đã thấy có nơi chỉ mấy đám ruộng ngô lơ thơ ở bãi sông bị sạt lở cũng xin kinh phí làm kè, có lẽ vì đấy là ‘tiền chùa’, ai cũng có lợi, cũng ‘chấm mút’ trong đó, chỉ ngân sách chung là ‘đắng’!

Nhà báo Lê Nguyên Quân

Tôi vẫn thường xuyên thảo luận với bạn hữu nhận thấy thực ra trước và sau hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã có rất nhiều các tranh cãi, thảo luận, trao đổi của các chuyên gia các ngành, của các Bộ về phát triển ĐBSCL. Những định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng vừa rồi khá mạnh mẽ, bám sát tình hình hiện tại ở ĐBSCL. Tuy nhiên, điều mà chúng ta đang phân vân là bước tiếp theo thực hiện cụ thể ra sao?

Trước các thách thức đang đối mặt: An ninh lương thực, dễ tổn thương do tác động biến đổi khí hậu, thiên tai, tác động của thượng nguồn sông Mekong  thì các Bộ, ngành rõ ràng cần ngồi lại để ra một đồ án chung về quy hoạch với giá trị cốt lõi: thống nhất, linh hoạt và bền vững. Đưa tất cả các tiêu chí lên và đánh giá phân cấp về mức độ ảnh hưởng, mức độ đạt được trên cơ sở phân tích theo lý thuyết về rủi ro, độ tin cậy thì sẽ ra được “cây phát triển” ở mỗi lĩnh vực như thế nào. Từ đó, mới quy hoạch chi tiết và thực hiện các bước tiếp theo về đầu tư phát triển (lộ trình). Nói cách khác, cần một ông Tổng chỉ huy và mời các ông con ngồi lại để thống nhất hơn nữa từ đó mới chia nhỏ ra mỗi ngành, lĩnh vực. Tránh tình trạng lập ra nhiều đề án, chương trình nhưng sự gắn kết lại không đến đâu và thậm chí chồng chéo khó kiểm soát, mất thời gian, lãng phí.

Với tinh thần đó, trở lại câu chuyện về quan điểm phát triển ưu tiên ở ĐBSCL “thủy sản, lúa, trái cây” phát triển cái nào? Sẽ không có câu trả lời thích đáng, ưu tiên cái nào nếu chưa rõ về quy hoạch tổng thể trong đó phân vùng, lộ trình, công cụ, nguồn lực cho mỗi đối tượng này. Mặt khác cũng không nên giữ tư duy buộc phải phát triển 3 đối tượng đó vì rõ ràng nếu biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt thì chưa chắc 1 trong 3 yếu tố đó bền vững được, dù vẫn biết đó là những yếu tố lợi thế trước đây của ĐBSCL. 

Nếu nói xuất khẩu gạo kèm theo là xuất khẩu nước vì để sản xuất 1kg gạo cần 4000 lít nước tức cần 4m3 nước, cứ cho con số này là đúng đi, thì ứng với năm 2011, 2012  ĐBSCL xuất khẩu 7,2 triệu tấn gạo, tức cần khoảng 28 tỷ mét khối nước, con số này so với con số 500 tỷ khối nước của sông Mekong đổ vào châu thổ Mekong hàng năm qua mặt cắt Kratie thì chả có gì phải lo vì chỉ chiếm có khoảng 5,6%. Trong khoa học thủy văn đã chỉ rõ, sinh thái một con sông chỉ bị suy thoái dần khi nguồn nước của con sông đó bị khai thác quá 35% khả năng của nó. Vậy nên  cha ông ta có câu “nước đi ra biển lại mưa về nguồn”, chu kỳ tuần hoàn nước sông tuôn nước ra biển, từ biển gió lại mang hơi nước vào đất liền tạo ra mưa trên các lưu vực sông, sản sinh ra nguồn nước cho sông.

Khi con người hiện đại khai thác tài nguyên thiên nhiên thì không có cái gọi là “chung sống, sống chung với thiên nhiên” hay là “cưỡng bức thiên nhiên”, từ cổ đến kim, từ đông sang tây nói chung và ĐBSCL nói riêng đều vậy, nếu làm đúng. Mà trên thực tế chỉ có cái gọi là “con người và thiên nhiên cùng bàn thảo, tìm ra phương án khai thác thiên nhiên hợp lý nhất, đảm bảo quyền lợi cơ bản của thiên nhiên, đồng thời đem lại lợi ích tốt nhất cho con người”.

Ở ĐBSCL, từ thời cụ Thoại Ngọc Hầu đào kênh Thoại Hà và Vĩnh Tế là những nhát cuốc đầu tiên con người can thiệp vào thiên nhiên để khai thác tài nguyên nước, rồi đến thời kỳ thuộc Pháp đào hệ thống kênh ĐBSCL; thời kỳ sau 30/4-1975 đến nay tiếp tục đào kênh, xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi cũng là theo nguyên tắc trên, phần lớn đảm bảo mang lại lợi ích ngày càng cao cho con người và giữ được những quy luật cơ bản của tự nhiên, “cái được là tới trên 80%, còn cái chưa được chỉ khoảng  đưới 20%, có thế ta mới có được một ĐBSCL phát triển như ngày nay.

Không thể tư duy phi biện chứng và phi duy vật lịch sử về quá trình khai thác và phát triển ĐBSCL. Chẳng hạn từ thời cụ Thoại Ngọc Hậu, rồi đến thời Pháp thuộc, khai thác ĐBSCL tập trung vào đào kênh để chuyển tải nước ngọt vào các vùng sâu, vùng xa, thau chua rửa phèn, đuổi mặn, phát triển giao thông thủy và phân bố dân cư. Còn về sản xuất chủ yếu dựa vào lúa nổi, lúa trời và thủy sản tự nhiên. Đây là những bước đi vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên của “đất trời” vừa phù hợp với trình độ, khả năng, nguồn lực và những yêu cầu cụ thể của con người thời bấy giờ.

Giai đoạn sau ngày Giải Phóng tới nay, ĐBSCL tiếp tục những bước đi của các các giai đoạn trước, đồng thời để đáp ứng những yêu cầu gắt gao của đời sống, xã hội, tận dụng được những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ĐBSCL đã nâng cấp khai thác tài nguyên thiên nhiên lên một tầm cao mới toàn diện về mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, hệ thống công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng ở quy mô, cường độ lớn hơn nhiều lần so với hai giai đoạn trước. Và đây cũng là giai đoạn ĐBSCL đi vào thế giới thị trường nhanh hơn, rộng hơn và đa dạng hơn trước gấp bội, vì vậy không chỉ có nặng về sản xuất lúa gạo thuần túy, mà đã uyển chuyển tiến lên từng bước vững chắc trong phát triền thủy sản, rau, hoa, quả, củ,.. phục vụ xuất khẩu như lúa gạo tất cả phù hợp với yêu cầu của nội địa và xuất khẩu, phù hợp với khả năng, trình độ, nguồn lực, công nghệ của ĐBSCL đương đại.

Nay đứng trước biến đổi khí hậu toàn cầu, đứng trước biến động của thượng nguồn sông Mekong, đứng trước biến động của thị trường trong và ngoài nước, thậm chí cả các biến động địa chính trị khó lường, ĐBSCL cần phải uyển chuyển, mềm mại và cơ động hơn trong phát triển, nhất là trong khai thác tài nguyên đất và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cây ăn quả, rau củ, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo nhịp điệu yêu cầu của trong nước và thị trường quốc tế.

Không thể có nhu cầu trong nước và thị trường quốc tề ổn định lâu dài cho bất cứ mặt hàng nông sản nào, mà đã là thị trường thì tất yếu dễ “sớm nắng chiều mưa”. Do đó, trong khai thác tài nguyên đất và nước trên ĐBSCL phải theo nguyên tắc là “đất đó, nước đó” thông qua hệ thống công trình thủy lợi hợp lý có khả năng đảm bảo chuyển đổi được mùa vụ, cây trồng, vật nuôi theo cơ chế thị trường lúc cần thiết.

Vì vậy nói “nhất gạo, nhì thủy sản, ba là rau quả củ” hay “nhất thủy sản, nhì hoa qua củ, ba là lúa gạo”,.. nói như thế là theo kiểu “khoát nước theo mưa”, chỉ thuần túy nhìn vào đồng tiền xuất khẩu, mà quên những tính chất quan trọng khác của quá trình phát triển sản xuất tạo ra như xã hội, cộng đồng, nghĩa vụ, nhân văn, cân bằng tài nguyên, biến động thất thường lên xuống của thị trường.

Cũng giống như nói “ĐBSCL bây giờ phải làm khác trước, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên”, nhưng đừng quên tính kế thừa sàng lọc, và sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử quá trình khai thác và phát triển ĐBSCL từ xa xưa tới ngày nay. Nếu cứ làm mạnh tay như ông Võ Văn Kiệt, vào thời điểm cách nay 30 năm đã mạnh dạn đầu tư làm kè Tân Châu (nơi sạt lở hắc búa nhất của ĐBSCL), di dời khu thương mại Tân Châu, làm kè Long Xuyên, làm kè Vĩnh Long,.. cứ đà đó thì nay chắc đã có nhiều công trình kè tầm cỡ cho ĐBSCL rồi.

Bây giờ, Chính phủ phải mở hầu bao đầu tư khẩn cấp cho 35 đoạn bờ sông sạt lở nguy hiểm, trong đó đặc biệt có 12 đoạn cực kỳ nguy hiểm. Vậy cần chỉ rõ “ĐBSCL bây giờ phải làm khác trước, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên” là làm như thế nào? Tiếp tục làm kè có phải can thiệp thô bạo vào tự nhiên? vv… 

TS. Tô Văn Trường