3 đặc khu kinh tế, cân nhắc đã kỹ chưa?(tiếp theo)[03/06/18]

01/06/2018 15:36

23

3 đặc khu kinh tế, cân nhắc đã kỹ chưa?

(tiếp theo)

 

 

TS.Tô Văn Trường

(Chuyên gia tư vấn độc lập về thủy lợi & môi trường)

 

Tôi trằn trọc, đọc ngẫm suy suốt đêm các bài viết phân tích về dự luật cho các đặc khu kinh tế trên báo chính thống và mạng xã hội, nhất là ý kiến của các chuyên gia có uy tín và thời gian trải nghiệm trong tổ tư vấn của Thủ tướng trước đây. Các ý kiến phát biểu trên nghị trưởng của các vị đại biểu Quốc hội tiêu biểu được cử tri quan tâm, đánh giá cao.

Trong mailing list riêng của tôi có hàng nghìn địa chỉ trong và ngoài nước, nhiều người chưa biết mặt nhưng đều quan tâm đến vận nước qua thảo luận chia sẻ về các lĩnh vực chính trị, kinh tế khoa học công nghệ, xã hội và môi trường.

Mấy hôm nay, nhiều bạn hữu liên tục gọi điện, gửi tin nhắn dục Tô Văn Trường viết  bài, lên tiếng về dự luật đặc khu kinh tế.

Tôi cũng mới nhận được tâm sự và bình luận của giáo sư viện sĩ Đặng Hữu đã gần 90 tuổi vẫn còn rất minh mẫn, tâm huyết, trăn trở âu lo về tình hình chính trị kinh tế xã hội của đất nước. Giáo sư viện sĩ Đặng Hữu nguyên ủy viên trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII (từ 1981 đến 2001) và được bầu làm Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X (từ 1987 đến 2002) đã trải nghiệm công tác qua các chức vụ Bộ trưởng Khoa học Công nghệ và Trưởng ban khoa giáo trung ương .

Theo tôi tìm hiểu, nói về đặc khu kinh tế VN, thực ra không phải là mới, nhưng vẫn có tác dụng lôi kéo của nó nếu làm đúng, chọn đúng, thể chế đúng. Cách đây 20 năm, khi Hồng Công sát nhập lại Trung Quốc, giới đầu tư Hồng Công rất hoang mang muốn tìm nơi thay thế. Lúc đó, đã có một số chuyên gia tham mưu cho Chính phủ lập đặc khu kinh tế cho VN nhưng bị rào cản về an ninh. Nay, ta làm luật đặc khu kinh tế cho 3 khu vực, chưa có  thí điểm sẽ có nhiều khó khăn, bất cập.

Thứ nhất, luật ra đời, địa phương nào cũng có quyền yêu cầu lập đặc khu kinh tế chứ không chỉ chỉ có như hiện nay. Thứ hai, mỗi khu vực sẽ có đặc thù riêng, thế mạnh riêng nên khi đưa luật là chung sẽ gò bó cho áp dụng trong từng khu vực. Luật chung không giải quyết được tính riêng và luật không dựa trên kinh nghiệm thí điểm sẽ không bao quát hết, dễ bị lợi dụng. Chưa ra luật nhưng rõ ràng việc chọn 3 điểm ở Bắc, Trung và Nam là phản ánh tư duy vùng miền phải đủ. Thế mạnh nghĩ đến hiện nay của đặc khu kinh tế là du lịch kèm casino, mại dâm, thu hút công nghệ cao (CNC), nông nghiệp. Trong 3 đặc khu kinh tế thì Vân Phong có vẻ yếu thế và chỉ thế mạnh là CNC.

Đặc khu kinh tế cần có ưu tiên đất sạch, ít bồi thường, lượng dân số không đông quá nhưng phải đủ để cũng cấp dịch vụ, lực lượng lao động, có điều kiện thuận lợi áp dụng thể chế. Vì vậy, ý kiến chọn Hà Nội hay TP.HCM cũng hay nhưng thuận lợi và thách thức cho thí điểm lớn gấp bội do số dân lớn, áp lực cho cải cách lớn.

Yếu nhất của Việt Nam  hiện nay là cảm tính, thiếu thể chế và data cho quy hoạch. Tư duy cứ Thông qua rồi làm sẽ có thể dẫn tới hậu quả khôn lường. Vì dụ thu hút đầu tư, Trung Quốc yêu cầu đưa lao động vào vì nhân lực VN  thấp,  vậy quản lý thế nào hay đặc khu kinh tế  sẽ là chinatown. Viết đến đây, tôi chợt nhớ Ts Nguyễn Đức Kiên (Phó ban kinh tế của Quốc hội) phát biểu về vấn đề không sợ chinatowwn rất ấu trĩ. Ông Kiên và ông Thể (Bộ trưởng giao thông) như là 1 cặp bài trùng trong “đội bóng BOT” vậy. Cặp này, trở nên nổi bật trong việc tạo sóng dư luận qua những phát ngôn, hành xử liên quan tới BOT. Một ông nhận trách nhiệm đại diện cho dân, một ông nhận trách nhiệm phục vụ nhân dân nhưng trong khẩu khí của cả 2 ông này chẳng thấy dân ở đâu cả.  Cái mà ai cũng thấy là 2 ông này đang ra sức bảo vệ cho những cái BOT vô lối đang tồn tại, và ai cũng biết là chúng gắn với những lợi ích nhóm (như lời của ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng “…của anh, của em là rõ ra ngay”.  Đó là cái TÂM của họ. Dù 2 ông này thực học ra sao và bằng cấp đến đâu thì chỉ qua phát ngôn, dân mạng đã chấm điểm họ thuộc dạng “ngu hết phần thiên hạ” – đó là cái TẦM của họ.

Xin lưu ý thuế thuê biển VN rất thấp 7 triệu đồng/ ha năm, khi thành đặc khu kinh tế  nếu không điều chỉnh sẽ thất thu và mất biển vì có thể hiểu là được khai thác cả mặt biển, cột nước và đáy biển. Ta mới nghĩ đặc thù ưu tiên này nọ ở diện hẹp nhưng khi giải  quyết  quyết nó lại phải nhìn tổng thể. Việt Nam chưa đủ trí lực và mắc căn bệnh tư duy đến đâu, làm đến đó.  

Tốm lại , nguyên vọng chung của nhiều cử tri là tạm dừng chưa thông qua dự luật về đặc khu kinh tế. Quốc hội khóa trước đã dũng cảm làm được việc hợp lòng dân là bác bỏ dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam cho đến nay vẫn còn mang nguyên  tính thời sự.

 

oOo

 

TS. Bùi Trinh (chuyên gia kinh tế)

Theo hệ thống các tài khoản Quốc gia (SNA) của Liên hiệp Quốc phiên bản mới nhất (2008) định nghĩa, vốn bao gồm tài sản được tạo ra từ quá trình sản xuất (Produced assets) và tài sản không từ sản xuất tạo ra (Non-produced assets).

Có ba loại tài sản sản xuất chính: tài sản cố định, hàng tồn kho và vật có giá trị. Tài sản cố định và hàng tồn kho là tài sản được nắm giữ bởi các nhà sản xuất với mục đích sản xuất. Vật có giá trị có thể được nắm giữ bởi bất kỳ đơn vị thể chế nào.

Tài sản không từ quá trình sản xuất tạo ra bao gồm ba loại: tài nguyên thiên nhiên, đất đai; hợp đồng, cho thuê và giấy phép; tài sản là sự thiện chí và thị trường.

Ở Việt Nam, các tài sản từ sản xuất được các ngành và các thành phần kinh tế quản lý, tài sản là đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên do Nhà nước quản lý.

Do định nghĩa không rành mạch về đất công và tài sản công, nên thực chất đất công và tài sản công được quản lý bởi những cá nhân hoặc một nhóm nhỏ do cá nhân có quyền lực đứng đầu địa phương gần như toàn quyền quyết định khối tài sản khổng lồ của Nhân dân.

Chính vì bản tính tham lam của con người mà người ta cần đến luật pháp và những minh bạch trong các định nghĩa.

Khi khái niệm mơ hồ thì việc đánh tráo khái niệm là không thể tránh khỏi. Nhưng quan trọng hơn cả là sự đánh tráo khái niệm này dẫn đến thất thoát nguồn lực của đất nước, của Nhân dân. Tài sản chảy vào túi nhóm lợi ích và cá nhân người có chức có quyền.

Thực tế đã có những cảnh người dân bị cưỡng chế và thu hồi đất đai bất hợp pháp. Và Nhà nước thu được gì từ những vụ chuyển nhượng, bán chác không minh bạch? Nhà nước không được gì, người dân mất nơi ăn chốn ở!

Sắp tới đây có thể Quốc hội thông qua luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và dự tính sẽ chi hơn 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng 3 đặc khu này từ nay đến năm 2030.

Điều kỳ vọng ở 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) này là gì? Tại sao lại chọn 3 điểm ấy làm đặc khu mà không phải là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Những ngành nào khi phát triển 3 đặc khu sẽ lan tỏa đến nền kinh tế chung của đất nước? Ví dụ như tại đặc khu Vân Đồn có xây dựng và phát triển sòng bài, như vậy họ kỳ vọng ngành này sẽ lan tỏa thế nào đến cả nước?

Trong lúc ngân sách rất khó khăn, mỗi năm từ nay đến 2030 ngân sách phải chi ra khoảng 1.500 tỷ để xây dựng đặc khu trong khi dự định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Được hưởng thuế suất 10% trong 30 năm. Riêng thu nhập từ đầu tư - kinh doanh bất động sản sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 17%...

Nếu thế, trong khoảng mấy chục năm nữa ngân sách chỉ có chi cho dự án này mà không có thu. Lợi nhuận rơi vào túi nhà đầu tư nước ngoài trong khi người dân cả nước sẽ phải oằn lưng đóng thuế để làm lợi cho những người mà chẳng liên quan gì đến họ.

Kinh nghiệm trước đây cho thấy, từ những năm 1990 khi các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên như nấm, sau 30 năm nền công nghiệp chế biến Việt Nam trở thành một nền công nghiệp gia công toàn diện, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến cơ bản là xuất khẩu hộ nước khác, xuất khẩu của nhóm ngành này còn gây nên ô nhiễm môi trường trầm trọng ở Việt Nam.

Đến nay, có trên 300 khu công nghiệp chiếm gần 10.000 ha đất nhưng hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng nhỏ. Ngoài vấn đề môi trường, tài nguyên đất cũng được sử dụng quá lãng phí.

Kỳ vọng từ năm 2020 trở đi, tổng sản phẩm nội trên địa bàn (GRDP) của 3 đặc khu tăng lên, nhưng nếu lập đặc khu chỉ để có thế thì lập đặc khu làm gì? Ngay việc dự tính bỏ ra hơn 1,5 triệu tỷ đồng đã làm GRDP của các vùng đó tăng lên rồi. Vấn đề là tăng lên rồi sao nữa? Hay người dân toàn quốc phải đóng thuế nhiều hơn để nuôi dân ở 3 đặc khu đó và các nhà đầu tư nước ngoài?./.