Nhiều đập vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn.[01/08/18]
31/07/2018 10:00
Nhiều đập vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn
Trao đổi với Tuổi trẻ, GS.TSKH PHẠM HỒNG GIANG - chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho biết cả nước có khoảng 6.600 đập thủy lợi, thủy điện các loại. Trong đó, có nhiều đập có nguy cơ mất an toàn vì được xây dựng thủ công, từ thời chiến tranh, hầu hết là đập đất. Việc khắc phục nguy cơ mất an toàn các đập đang được triển khai trên cả nước, nhưng xa hơn để tránh thiệt hại từ sự cố đập cần xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du đập. Bản đồ này sẽ giúp người dân vùng hạ du chủ động tránh lũ, giảm tối đa thiệt hại khi xảy ra sự cố đập.
* Thưa ông, sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy (Lào) đưa lại cảnh báo gì cho Việt Nam, và những nguyên nhân nào có thể dẫn đến sự cố đập thủy lợi, thủy điện?
Những bài học về bảo đảm an toàn đập đã được nhắc nhở, và tổ chức thực hiện trong thời gian qua. Sự cố vỡ đập Xe – Pian Xe – Namnoy ở tỉnh Attapeu, Lào thêm một tiếng chuông cảnh báo, rút kinh nghiệm về các nguy cơ gây mất an toàn, và cần làm tốt hơn công tác an toàn đập.
Các nguyên nhân có thể xuất phát từ yếu tố tự nhiên hoặc con người. Chẳng hạn do lũ bất thường, động đất, hoặc do sạt trượt vượt quá tiêu chuẩn tính toán. Sự cố do con người khi khâu quy hoạch vị trí đập không hợp lý, do quá trình thiết kế, thi công xây dựng thiếu sót. Sự cố tại Thủy điện Sông Tranh, Sông Bung (Quảng Nam) mấy năm nay do thi công không bảo đảm chất lượng, và khâu thiết kế không tính toán hết, không đầy đủ, xác thực. Một nguyên nhân khác do dự báo kém nên khi lũ về không kịp xử lý những tình huống bảo đảm an toàn đập.
Hơn nữa, công tác quản lý đập và ứng cứu vùng hạ du khi xảy ra sự cố còn kém. Trường hợp vỡ đập thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) năm 2010 là do khi lũ về không có ai theo dõi, giám sát vận hành đập. Đây là lỗ hổng dẫn tới mất an toàn đập trong những năm qua.
Những năm qua thường xuyên xảy ra sự cố đập thủy điện nhỏ, nguyên nhân chủ yếu do đơn vị quản lý đập không có kỹ thuật vận hành nên trong các tình huống xảy ra mất an toàn là sập đổ những bộ phận đập và gây tai họa. Đặc biệt các chủ đập thủy điện thường chỉ quan tâm đến việc khai thác tối đa công suất điện của các nhà máy, trong khi đập thủy điện nhỏ lại không có khả năng cắt lũ, chống lũ. Nếu nước trong hồ ở mức cao khi lũ về thì chẳng những hồ không cắt được lũ, mà lại còn phải xả thêm nước vốn có trong hồ để giữ an toàn đập thì vùng hạ du còn chịu lũ nặng hơn, ta thường gọi đó là ‘lũ chồng lũ’.
* Hiện có bao nhiêu đập có nguy mất an toàn trên cả nước, và cần có giải pháp gì để chủ động cảnh báo trước nguy cơ, hạn chế thiệt hại?
Cả nước có khoảng 6.600 đập thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ, trong đó khoảng 6.000 đập vừa và nhỏ hầu hết được đắp bằng đất. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp gia cố, nâng cấp an toàn hệ thống đập. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đang giúp Việt Nam củng cố an toàn của hơn 400 đập nhỏ có nguy cơ xảy ra sự cố trên cả nước và mỗi địa phương có khoảng 5 - 7 đập sẽ được hỗ trợ xử lý nguy cơ mất an toàn ngay trong thời gian tới.
Các đập có nguy cơ mất an toàn hiện nay chủ yếu là đập vừa và nhỏ. Nhiều đập nhỏ có tuổi thọ quá lâu nhưng không được tu bổ kịp thời, và khâu quản lý vận hành đập rất kém.
Kết quả khảo sát trên lưu vực sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) do các chuyên gia New Zealand và Trường Đại học Thủy lợi thực hiện cho thấy, trên hệ thống sông Cả có hơn 90 đập thủy điện, thủy lợi, thì có tới 1/3 số đập cần xử lý ngay hiểm họa mất an toàn, 1/3 số đập khác phải khẩn trương khắc phục nguy cơ mất an toàn thời gian tới, và chỉ có 1/3 có thể an toàn trong vận hành.
* Ông có thể đưa ra một vài ví dụ về việc xử lý thành công nguy cơ mất an toàn đập trong những năm qua?
Một trong những công trình đập lớn được khắc phục thành công nguy cơ mất an toàn là đập Dầu Tiếng (Tây Ninh). Đập này được khởi công từ năm 1981, hoàn thành năm 1985 nên chất lượng bị hạn chế, đến năm 1998, các cơ quan chức năng liên quan đã thực hiện xử lý, khắc phục nguy cơ mất an toàn bằng phương pháp xây dựng tường tâm, gia cố mái đập. Đến nay đập Dầu Tiếng vận hành an toàn. Bên cạnh đó, nhiều đập khác Đá Bàn, Am Chúa (Khánh Hòa), Núi Cốc (Thái Nguyên), Bái Thượng (Thanh Hóa), Phú Ninh (Quảng Nam)…, cũng đã được gia cố, nâng cấp. Hầu hết các đập lớn hiện nay đều đã được củng cố và an toàn khi vận hành.
* Ngoài việc xử lý, khắc phục các nguy cơ mất an toàn hàng nghìn đập lớn, nhỏ trên cả nước, theo ông cần làm gì để hạn chế tối đa những thiệt hại khi có sự cố đập xảy ra?
Lâu nay trong quy trình vận hành đập quy định rõ khi xả lũ tại các đập thủy điện phải có sự giám sát của chính quyền địa phương. Khi xảy ra thiệt hại thường qui lỗi cho nhau.
Dự báo, cảnh báo lũ và tổ chức ứng phó kịp thời khi cần xả lũ và có nguy cơ xảy ra hiểm họa là những việc cần đặc biệt coi trọng. Để chủ động ứng phó khi có lũ, cần lập các bản đồ ngập lụt ở hạ du đập theo lưu lượng xả lũ, sẵn sàng di dời dân cư và bảo vệ các công trình hạ tầng.
Điều đáng nói là trước đây khi thiết kế và xây dựng đập thì ai biết việc người đó, mức xả lũ theo thiết kế không được quan tâm nên vùng có thể bị ngập khi xả lũ không mấy ai chú ý, cứ bố trí dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở kinh tế,… chắn cả lối thoát lũ. Khi phải xả lũ dù chưa quá lưu lượng được phép thì vùng hạ du đã ngập lớn.
Cần lưu ý rằng an toàn phải được đảm bảo không chỉ bó hẹp ở vùng đập mà còn phải xét đầy đủ cả vùng rộng lớn dưới hạ du.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng bản đồ ngập lụt ở hạ du các đập. Chẳng hạn như các chuyên gia New Zealand đang phối hợp với Trường đại học Thủy lợi lập những phần mềm xây dựng bản đồ vùng ngập lụt ở hạ du cho các đập trong lưu vực hệ thống sông Cả.
Xin cảm ơn ông!