Cảnh báo Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cao hơn mực nước biển 0,8m.[16/09/19]
16/09/2019 08:37
Cảnh báo Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cao hơn mực nước biển 0,8m Quốc lộ 91 sạt lở
Mới đây, nhóm chuyên gia từ Đại học Utrecht, Hà Lan cảnh báo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 0,8m và với tốc độ lún hiện nay, khoảng cách này sẽ bị xóa chỉ trong vòng hơn 50 năm nữa, ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 12 triệu dân.
Dữ liệu mới nhất về tốc độ chìm của ĐBSCL vừa được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28/8 bởi nhóm nghiên cứu của ĐH Utrecht, Hà Lan.
Theo đó, các chuyên gia cảnh báo rằng tốc độ chìm của ĐBSCL cao hơn nhiều so với dự báo. Nghiên cứu này cho thấy trên thực tế, ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (2,6m).
Với tốc độ chìm hiện nay, khoảng cách 0,8m này sẽ bị nước biển “xóa” đi chỉ trong vòng 57 năm tới, với khoảng 12 triệu người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, việc khai thác nước ngầm quá mức kết hợp với tốc độ gia tăng mực nước biển do biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo đã kéo theo tình trạng sụt lún đất, có thể khiến gần như toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong tương lai.
Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng. Ngoài ra, việc khai thác bùn cát quá mức, gia tăng tải trọng (do đô thị hóa, xây dựng hạ tầng)… cũng tác động khiến vùng ĐBSCL bị sụt lún.
Các chuyên gia Hà Lan đã nhấn mạnh đến sự phát triển không bền vững, nguy cơ đô thị hóa, bê tông hóa ở ĐBSCL.
Để giảm tốc độ chìm của ĐBSCL, nhiều chuyên gia trong nước đã khuyến cáo hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm, chú trọng đầu tư phát triển công trình thủy lợi cấp nước, chuyển nguồn nước mặt đến các vùng khó khăn, ven biển để thay thế nguồn khai thác nước ngầm phục vụ các nhu cầu sử dụng khác nhau (nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và nước sinh hoạt).
Ngoài ra, cần thực hiện chiến lược gây bồi cho ĐBSCL; giảm trọng lượng cho nền đất ở ĐBSCL bằng cách phát triển các khu đô thị nhưng không xây nhiều nhà cao tầng, không làm nhiều đường bê tông; phân bố mật độ dân cư hợp lý.