Nước biển dâng sẽ gây ngập lụt lớn hơn rất nhiều so với mức đã từng được dự báo.[01/11/19]
01/11/2019 14:54
Nước biển dâng sẽ gây ngập lụt lớn hơn rất nhiều so với mức đã từng được dự báo.
Công trình nghiên cứu của tổ chức Climate Central vừa được công bố hôm 29/10 cảnh báo rằng đến năm 2050, trên toàn thế giới, khoảng 300 triệu người sẽ sống ở những vùng gặp nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó có 20 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Trong thế kỷ 21, theo tính toán của Climate Central, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở New Jersey, Mỹ, mực nước biển toàn cầu có thể tăng từ 60 centimet đến 2,1 mét, thậm chí có thể hơn thế.
Toàn bộ các thành phố duyên hải có thể bị xóa sổ nếu không có đủ các biện pháp phòng vệ đối với biển cả. Khoảng 70% số người gặp nguy cơ bị lũ lụt hàng năm và ngập lụt vĩnh viễn là ở 8 nước châu Á là Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Philippines, và Nhật Bản, theo nghiên cứu của Climate Central, được đăng trên tạp chí Nature Communications của Anh.
Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam nằm trong số các đô thị gặp nguy cơ. Toàn bộ phần cực nam của Việt Nam có thể bị ngập nước, Climate Central dự báo.
Bình luận về thông tin từ công trình này, ông Jean-Pascal van Ypersele of thuộc trường Đại học Catholique de Louvain ở Bỉ nói: “Nếu hàng trăm hay chỉ cần hàng chục triệu người bị ngập lụt ở châu Á hay châu Phi, tình trạng đó sẽ gây ra biến động xã hội và kinh tế ở quy mô cực lớn”.
Cuộc nghiên cứu cũng bao gồm việc sử dụng các biện pháp cải tiến để đo đạc cao độ của các vùng đất ở châu Á và các nhà khoa học nhận thấy rằng mặt đất đã lún xuống hàng chục centimet so với hình dung trước đây.
Benjamin Strauss, khoa học gia trưởng của Climate Central, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cho biết lâu nay “chúng ta đều không biết rõ về cao độ của mặt đất nơi chúng ta đứng” và các đo đạc cho thấy “vấn đề nghiêm trọng hơn những gì chúng ta đã từng hiểu”.
(theo CNN,The New York Times)
…