Phê bình & kiểm điểm về tăng giá thịt heo đã chuẩn xác chưa? [25/12/19]

25/12/2019 08:23

23

PHÊ BÌNH & KIỂM ĐIỂM VỀ TĂNG GIÁ

THỊT HEO ĐÃ CHUẨN XÁC CHƯA?

 

 

Tô Văn Trường

Công luận quan tâm ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình và yêu cầu Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiểm điểm vì để giá thịt heo lên cao, ngoài tầm kiểm soát. Tôi chia xẻ với ông Vương Đình Huệ vì lo ngại giá thịt heo lên cao ảnh hưởng đến CPI nhưng việc phê bình Bộ NN&PTNT có nhiều điểm cần phải bàn cho thấu đáo hơn.

Cấp trên phê bình cấp dưới (hay còn gọi là đổ lỗi) thì quá dễ. Nếu theo logic, thì Bộ trưởng NN&PTNT lại lôi ông Cục trưởng Chăn nuôi ra phê bình cho xong việc.

1.Sau thảm họa dịch tả heo Châu Phi, người chăn nuôi điêu đứng, dù được nhà nước hỗ trợ nhưng rất nhiều hộ bị phá sản. Khi giá thịt heo lên, thì người sản xuất, trong đó có nhiều nông dân sẽ được hưởng lợi đó là quy luật của thị trường. 

2. Chúng ta điều hành kinh tế vừa kế hoạch hóa tập trung lại vừa muốn theo thị trường. Về cơ bản, Chính phủ nên để thị trường điều tiết cung cầu. Hiện tại giá lên ngoài việc thiếu nguồn cung, có thể còn do yếu tố do găm hàng chờ giá lên, vì gần tết nhu cầu thịt heo lên cao.

Nếu cho phép nhập khẩu thịt heo là đúng về quy luật cung cầu nhưng vấn đề là trong cơ chế nhập khẩu hiện nay thì thịt heo heo sống không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu. Việc nhập khẩu heo sống từ Campuchia đang bị cấm vì lý do kiểm soát dịch bệnh. Vậy ở Việt Nam đã hết dịch chưa? Nhưng nhập hàng đông lạnh thì sao? Có lẽ doanh nghiệp không dám nhập hàng đông lạnh vì thói quen tiêu dùng và thuế. Vậy nên xem xét, giảm thuế trong một thời gian.

3. Cần tuyên truyền để thay đổi tập quán ăn quá nhiều thịt heo (trên 70% sản lượng thịt của VN là thịt heo). Chúng ta có  nhiều  lợi thế về thủy/hải sản, xong người dân lại ít ăn thủy sản. Trước đây cũng tiêu hủy rất nhiều gia cầm, song có thiếu thịt đâu, vì nhu cầu thịt gà không lớn. Lẽ ra doanh nghiệp sản xuất chế biến hải sản, thủy sản phải chế biến hàng để ngon hơn, hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Lý do hàng thủy hải sản ít được yêu thích hơn vì dễ hỏng, mùi tanh nếu không giữ được tươi, còn hàng tươi sống thì giá khá cao.

4. Chính phủ cũng nên có sự công bằng, khi có dịch. Giá tăng do thiếu cung, một việc có thể coi là nằm ngoài khả năng kiểm soát của Bộ NN&PTNT, nhất là trong thời gian ngắn chưa phục hồi kịp đàn heo. Nếu vùng nào có đủ điều kiện tăng đàn nhưng Bộ NN&PTNT lại ngăn cản thì mới đáng bị phê bình, kiểm điểm.

5. Không nên trách cứ doanh nghiệp, đòi hỏi họ bán hàng lúc này để giảm căng thẳng thiếu hụt thịt heo. Doanh nghiệp vì lợi nhuận, họ phải tìm mọi cách để bù đắp chi phí đã bỏ ra và có lợi nhuận càng nhiều, càng tốt. Họ phải bán vào lúc giá cao để bù phần lỗ vì heo bị tiêu hủy trong thời gian bị dịch. Nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước là thuế: khi có lãi thì nộp thuế thu nhập, còn khi không có lãi thì vẫn phải thu thuế VAT từ người tiêu dùng để nộp cho nhà nước.

6. Trường hợp gia tăng giá thịt heo là do cung thấp hơn cầu vì dịch bệnh. Trường hợp giá tăng vì nhà nước bơm tiền cho vay, hay để chi tiêu là chuyện khác, tức là vì chính sách, nên cần phê phán. CPI ở VN tăng cao hơn nước khác những năm qua vì nhà nước chi quá đà (thu không đủ chi) nên phải in tiền. Địa chỉ cần phê phán trong trường hợp này không phải là Bộ NN&PTNT, mà là Chính phủ và Quốc hội (trong vai trò giám sát và phê duyệt ngân sách Nhà nước) .

7. Câu hỏi đặt ra là nhà nước làm gì nếu muốn giảm giá thịt heo. Có mấy cách:

Xoá bỏ rào cản về nhập hay giảm thuế nhập.

- Bù lỗ người tiêu dùng. Làm kiểu này thì ngân sách sẽ thiếu hụt lớn hơn. Phải in tiền nhiều hơn. Giá thịt heo thấp nhưng mọi giá khác cao hơn. CPI cao hơn.

- Tương tự như bù giá thì nên đề xuất bỏ cả quỹ bình ổn giá vì ngay đối với những mặt hàng gọi là thiết yếu như xăng dầu thì nay đã thấy là có nhiều bất cập, nên bỏ. Thịt heo là mặt hàng tiêu dùng thường xuyên, rất nhiều người sản xuất nên càng không cần phải có bàn tay nhà nước bình ổn dưới hình thức lập quỹ bình ổn giá, kể cả đối với một số doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp tự có kế hoạch dự trữ sản xuất và kinh doanh của mình.

- Xin lưu ý: Trong kinh tế thị trường cạnh tranh không lành mạnh là điều dễ xảy ra như Massan từng có tiền sự đối với nước mắm truyền thống, nên tôi liên tưởng đến chuyện thịt heo: Liệu dịch bệnh làm tăng giá thịt heo nhưng lại ngăn chặn các biện pháp giảm giá: nhập khẩu hay giảm thuế?. Cục cạnh tranh cần điều tra hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ khâu giống, sản xuất, kinh doanh thịt heo để có giải pháp đồng bộ và hiệu quả vì lợi ích của cả người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Lời kết

Chính phủ phê bình, kiểm điểm Bộ NN&PTNT về giá thịt heo là “không chuẩn cần phải chỉnh”!  Thị trường sẽ tự điều chỉnh, có gì mà lo. Giá lên thì sắp tới người ta sẽ tăng sản xuất, hay nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.