Hợp tác Mekong: MRC & LMC?[24/02/20]
22/02/2020 08:50
TS.Tô Văn Trường
Tôi trả lời 2 câu hỏi dưới đây liên quan đến hợp tác Mekong như sau:
1.Ước mơ ban đầu của Thỏa thuận MRC (Mekong River Commission - Ủy hội sông Mekong) 1995 là một dòng sông hợp tác quốc tế và chia sẻ công bằng tài nguyên nước. MRC được thành lập 1957 (1957-1975) dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để điều chỉnh tài trợ và quản lý tài nguyên nước trong lưu vực sông. MRC có mục tiêu là thực hiện Hiệp định Mekong 1995: Phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan và mang tính chất tổ chức có vai trò tư vấn, giám sát và khoa học kỹ thuật. Theo hiệp định, MRC không trực tiếp đầu tư xây dựng, thay vào đó các quốc gia tự đầu tư và trông coi sao cho việc sử dụng nguồn nước là công bằng hợp lý, ngăn ngừa và ngừng các tác động có hại đến quyền lợi của các quốc gia ven sông. Chính phủ Việt Nam giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về hợp tác MRC.
Không cứ gì hạn hán gần đây mà từ hồi thương lượng hiệp định MRC (1992-1995) thì cả Việt Nam và Thái Lan đều chinh thức mời Trung Quốc tham gia hợp tác nhưng họ từ chối. Phía MRC đề nghị Trung Quốc trao đổi thông tin về thủy văn, vẫn bị họ khước từ . Mấy chục năm sau, đến gần đây Trung Quốc mới chịu cung cấp thông tin một số trạm thủy văn mùa lũ, chứ không cung cấp thông tin mùa khô và thông tin về sự vận hành của thủy điện cả năm.
Để chủ động khắc phục khó khăn trở ngại, MRC căn cứ vào trạm thủy văn Chiang San của mình để mà ước tính về tình hình vận hành thủy điện phía Trung Quốc. Mặt khác, 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trong MRC vẫn phải tiếp tục đấu tranh yêu cầu Trung Quốc hợp tác theo nguyên tắc quản lý lưu vực sông quốc tế.
2. Trong hợp tác Lan Thương-Mekong (Lanciang-Mekong Cooperation, LMC), do Trung Quốc đã bày ra muốn thi thố sức mạnh của nước lớn và tài trợ các dự án nghiên cứu chung, nhưng không có nội dung cung cấp thông tin về thủy văn và chế độ vận hành của các nhà máy thủy điện.
Với LMC, Trung Quốc coi mình là chủ tịch nghiễm nhiên còn 5 nước khác (Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan) phải là chủ tịch luân phiên. Tại các phiên họp của LMC, các quốc gia MRC đều tỏ rõ quan điểm về nội dung tài nguyên nước, cần hợp tác và dựa vào MRC. Đầu năm 2018, LMC đã xây dựng Kế hoạch hành động 5 năm 2018-2022 và đã được bộ trưởng ngoại giao các nước đồng ý nguyên tắc. Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hợp tác LMC.
Nói cách khác, LMC sẽ dùng kế hoạch 5 năm làm động lực xuyên qua các dự án (project-oriented) để đi dần đến một cơ chế hợp tác mới trên cơ sở có sự "hướng dẫn" của các chính phủ mà không bị sự ràng buộc của các cơ chế hiện hành như MRC.
Nhìn chung. tổ chức MRC có mức độ hỗ tương cao trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với những công ước của LHQ trong lĩnh vực quản lý nguồn nước liên quốc gia và môi trường. Trong khi đó, kế hoạch 5 năm của LMC gắn một vai trò quan trọng cho lĩnh vực nguồn nước trong việc nhằm "thiết lập một cơ chế hợp tác mới cho tiểu khu vực" và do đó kế hoạch 5 năm của LMC sẽ thực hiện việc thiết kế hợp tác sử dụng nguồn nước, đối thoại chính sách nguồn nước ở cấp lãnh đạo, cũng như tổ chức thường xuyên "Diễn đàn hợp tác nguồn nước Lan Thương - Mekong". Do đó, với mục tiêu thiết lập một cơ chế hợp tác mới cho tiểu khu vực của LMC, viễn cảnh về môi trường hợp tác giữa các nước trong tiểu khu vực Mekong sẽ vô cùng phức tạp trong các năm tới, nhất là trong 5 lãnh vực ưu tiên của LMC (bao gồm cả nguồn nước).
Đối với Việt Nam, cả tổ chức liên quan đến sông Mekong MRC và LMC tuy có sự phân công, chịu trách nhiệm chính của các bộ nhưng đều nằm chung trong chiến lược tổng hợp khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong và các dự án phát triển trong khu vực một cách hài hòa, bền vững.