Một số vấn đề trong quản lý an toàn đập năm 2020.[01/07/20]
01/07/2020 09:53
Một số vấn đề trong quản lý an toàn đập năm 2020 (Tham luận của Hội Đập lớn và PT Nguồn nước Việt Nam tại Hội nghị An toàn đập tại thành phố Hạ Long ngày 26/6/2020)
Ngày 26/6/2020, tại Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Tổng cục Thuỷ lợi đã tổ chức hội nghị QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA THUỶ LỢI VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN SỬA CHỮA NÂNG CAO NĂNG LỰC AN TOÀN ĐẬP (WB9) NĂM 2020.
Dự họp có đại diện 19 tỉnh phía Bắc có đập, các đơn vị quản lý hồ đập lớn, Ban Quản lý trung ương Thủy lợi (CPO), các Vụ hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT và Tổng cục Thuỷ lợi,), các Viện, Trường ĐH Thuỷ lợi, Hội đập lớn và PT Nguồn nước Việt Nam.
Hội nghị đã nghe các báo cáo của Tổng cục Thuỷ lợi (Vụ An toàn đập (ATĐ) trình bày), Ban CPO, phát biểu của các địa phương, bài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vận hành đập, hồ chứa nước của Trung tâm công nghệ phần mềm thuỷ lợi.
GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đập lớn và PT Nguồn nước Việt Nam.) đã phát biểu tham luận như sau:
-
Vấn đề ATĐ đã, đang là mối quan tâm của các nước trên Thế giới. Mặc dù vậy năm 2020, tại Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác đã xảy ra vỡ đập.
2. Chủ tịch Hội Hoàng Văn Thắng đã xác định ATĐ là nhiệm vụ trọng tâm của Hội Đập lớn với các định hướng sau đây: (i) Hội là tổ chức Tư vấn cho Chính phủ, các Bộ, Ngành về các vấn đề chiến lược, chính sách ATĐ thuỷ lợi, thuỷ điện; (ii) Hội chủ động đến với Hội viên để cung cấp thông tin về pháp luật, chính sách mới, các tiến bộ KHCN nhằm nâng cao năng lực quản lý ATĐ cho các Hội viên; (iii) Hội là nơi kết nối cung-cầu, giới thiệu cho Hội viên những nhà cung cấp thiết bị, giải pháp, vật liệu, .... có chất lượng và uy tín; (iv) Hội tham gia biên soạn, dịch các Tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật, ... liên quan đến ATĐ; (v) Hội cử các chuyên gia uy tín, chất lượng tham gia các Hội đồng Tư vấn an toàn đập các cấp từ trung ương đến địa phương nhằm nâng cao chất lượng các hội đồng. Cử các giảng viên tham gia giảng dạy các lớp nâng cao năng lực quản lý ATĐ
-
Qua thực tiễn tham gia hoạt động ATĐ trong thời gian qua, Hội có những ý kiến nhận xét như sau:
· Hệ thống các văn bản Quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ATĐ gần đây đã khá đầy đủ, cụ thể là: Luật Thuỷ lợi, Nghị định 114/2018; Nghị định 67/2018; Thông tư 05/2019; Thông tư 05/2019; Thông tư 09/2019 (của Bộ Công thương cho các đập thuỷ điện)...
· Về công tác Tiêu chuẩn có: TCVN 11699:2016- Công trình thủy lợi- Đánh giá an toàn đập; TCVN 8414: 2010- Công trình thủy lợi – Quy trình quản lý vận hành, khai thác và kiểm tra hồ chứa nước; Sổ tay ATĐ thuộc dự án VWRAP do Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước biên soạn; TCVN xxxx:2019- Công trình thủy lợi- Bảo trì công trình thủy lợi (Bản thảo lần cuối).... Nhiều Sổ tay Hướng dẫn kỹ thuật do dự án WB8 tài trợ biên soạn, một số đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước đã cung cấp khá đầy đủ các công cụ cho việc nâng cao năng lực quản lý bảo đảm ATĐ.
· Tuy nhiên, qua rà soát, vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện, cụ thể như:
ü Tiêu chuẩn VN 11699:2016 mặc dù mới ra đời, nhưng cũng cần phải soát xét lại một số vấn đề, ví dụ như: (i) Chưa có tiêu chí đánh giá an toàn liên quan đến công tác quản lý (mới đánh giá về chất lượng qua công tác kiểm tra, khả năng tháo lũ, kết cấu công trình, khả năng chống động đất). Công tác quản lý nên đánh giá theo kết quả thực hiện 16 nội dung quy định trong NĐ 114/2018, làm được hết các nội dung này có lẽ đã giảm nguy cơ mất ATĐ đến 80%, 20% còn lại là do thiếu kinh phí hoặc yếu tố bất ngờ khác; (ii) Các quy định về công tác kiểm tra, kiểm định đập trong TVCVN 11699:2016 còn thiếu chi tiết. Ví dụ: không quy định cụ thể quy trình kiểm tra thăm khám cống dưới đập (là bắt buộc phải chui vào lòng cống để kiểm tra), hoặc kiểm tra cửa van và thiết bị điều khiển mà không vận hành thử là không ổn. Thực tế một số sự cố cống lấy nước vừa qua có nguyên nhân là chưa ai chui vào lòng cống, kể cả tư vấn sửa chữa nâng cấp.
ü Tiêu chuẩn Bảo trì công trình thuỷ lợi viết chung cho tất cả loại công trình thuỷ lợi như: đập, trạm bơm, kênh mương, .. Qua nghiên cứu thấy rằng, mặc dù Tiêu chuẩn đã thông qua bản cuối, nhưng riêng về bảo trì đầu mối hồ đập cũng chưa chi tiết. Ví dụ: thiếu quy định về bảo trì hệ thống ống đo áp đặt trong thân đập, quy định về bảo trì xi lanh thuỷ lực và hệ thống nguồn thuỷ lực, quy định về việc đọc số liệu-xử lý số liệu quan trắc. Nếu Tiêu chuẩn về bảo trì mà không đề cập hết thì sẽ rất khó cho việc xây dựng định mức, việc giao kinh phí duy tu. Riêng về vấn đề tính toán cấp kinh phí cho bảo dưỡng (kiểm tra, duy tu, sửa chữa) cũng còn một số bất cập về chính sách cần giải quyết ở cấp Bộ.
-
Về tình hình thực hiện NĐ114 cho đến nay
Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ lợi tại hội nghị, trong 16 nội dung chủ quản lý khai thác phải thực hiện, có những tiêu chí đáng chú ý, cụ thể: (i) Đăng ký ATĐ đạt 66%; (ii) Lập phương án bảo vệ đạt 15%; (iii) Phương án ứng phó thiên tai 16% (EPP). So với tổng kết năm 2019 tại Vinh, tình hình chưa được cải thiện. Đặc biệt, EPP đạt 16% là hết sức nguy hiểm, tại sao?
Có thể chia sẻ với các chủ đập nhỏ (4.225 hồ nhỏ/tổng số 6750 hồ, chiếm 62%) là hồ sơ lưu trữ không có, nên ngay cả việc đơn giản nhất là Đăng ký ATĐ cũng không có đủ thông tin. Nhưng làm thế nào để cải thiện?
5. Và đây là ý kiến cá nhân:
- Cần có một mẫu Đăng ký ATĐ cho hồ nhỏ mà không phải sử dụng Mẫu 1 trong Nghị định 114 (quá nhiều thông tin chi tiết). Một cách làm khác là hàng năm bố trí một ít kinh phí để khôi phục Hồ sơ đập, làm dần nhiều năm. Kinh nghiệm như cách đây 20 năm, Cục đê điều bắt đầu cho lập hồ sơ lưu trữ của các cống dưới đê (khoảng 3000 cái trên toàn quốc, riêng hệ thống đê sông Hồng, sông Thái bình có 1300 cái, có những cái làm từ thời Pháp), làm nhiều năm và đến nay gần như đã có đủ. Đối với Hồ sơ đập, hồ chứa nước, có một điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều Cty tư vấn thuỷ lợi cổ phần hoá, có nguy cơ các tài liệu lưu trữ tại các cơ quan này (như HEC1) sẽ bị thất thoát. Vì vậy, phải có kế hoạch thu thập, lưu trữ sớm.
- Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đập trước mùa mưa lũ, cá nhân tôi đề nghị các tỉnh quan tâm các ý kiến sau:
+ Trong đoàn kiểm tra nên mời thêm các kỹ sư có kinh nghiệm trong tỉnh, kể cả mời thêm các chuyên gia từ trung ương, và Hội đập lớn và PT Nguồn nước Việt Nam là một địa chỉ tin cậy, có các chuyên gia sâu về các lĩnh vực như: thuỷ văn-thuỷ lực, bệnh học công trình, thiết bị đo, thiết bị cơ khí và nâng hạ, v.v Hội chúng tôi sẽ cử đúng người đúng việc nếu được mời;
+ Phải viết lại yêu cầu, nội dung công tác kiểm tra chi tiết hơn. Nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ, thiết bị mới trong việc thăm khám bệnh học công trình (robot gắn camera để thăm khám cống, thiết bị đo địa vật lý, phương pháp đánh dấu theo dõi vết thấm, v.v.
+ Trong thi công các hạng mục khó, như sửa cống băng phương pháp luồn ống thép bơm vữa tự lèn, cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm giám sát, hướng dẫn (bài học từ đập Xạ Hương - Vĩnh phúc).
+ Hội đập lớn và PT Nguồn nước Việt Nam đang phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi dự định tổ chức một Hội thảo khoa học chuyên đề “Công nghệ mới phục vụ kiểm tra đánh giá an toàn đập” trong một ngày gần đây. Mời các quý vị tham dự.
Cuối cùng, xin được cám ơn Tổng cục Thuỷ lợi thời gian qua đã quan tâm và phối hợp với Hội. Cám ơn Ban tổ chức đã mời Hội đập lớn và PT Nguồn nước Việt Nam tham dự Hội nghị này.