Nhận xét nhanh Hội nghị giải trình An ninh nguồn nước sáng 17/8/2020.[21/08/20]
18/08/2020 08:31
Nhận xét nhanh Hội nghị giải trình An ninh nguồn nước sáng 17/8/2020
Tô Văn Trường
Chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường
Buổi sáng hôm nay (thứ hai 17/8) Ủy ban khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tổ chức :” “Hội nghị giải trình về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập”.
Tôi không theo dõi phần mở đầu (Clip nội dung giám sát của Quốc hội) ở một số vùng về an ninh nguồn nước. Phần giải trình báo cáo của 2 vị Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà rất phong phú, bài bản, tổng kết nhiều thông tin tư liệu cụ thể đáp ứng theo mục tiêu của Hội nghị. Nhờ nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của ngành, tự tin nên nội dung trình bầy của 2 vị tư lệnh ngành nói trên thuyết phục được người nghe.
Một số vấn đề cần lưu ý:
-Trong phần giải trình cả 2 vị Bộ trưởng khi nói về an ninh nguồn nước trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không ai nhắc đến nghị quyết 120 của Thủ tương Chính phủ về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Tuy nhiên, trong phần trả lời các câu hỏi của đại biểu dự hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã bổ sung nội dung quan trọng của Nghị quyết 120 này vì giúp chúng ta thay đổi nhận thức về quan điểm tiếp cận phát triển ở ĐBSCL (ưu tiên giải pháp phi công trình, đầu tư không hối tiếc và đảo ngược thứ tự ưu tiên về nguồn nước cho thủy sản, cây ăn trái và lúa vv...)
- Về phương pháp luận và cách tiếp cận quản trị tài nguyên nước trên cơ sở quản lý lưu vực sông, chia xẻ nguồn nước, và hợp tác quốc tế cả 2 vị Bộ trường trình bày là chuẩn xác. Tuy nhiên, vẫn còn chú trọng đến các yêu cầu của các hộ dùng nước (nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt vv...) để yêu cầu đáp ứng nguồn nước. Trái lại, báo cáo chưa nêu bật “bài toán ngược” là phải căn cứ vào khả năng nguồn nước từ số lượng, chất lượng nước, khả năng chịu tải của dòng sông để bố trí lại sản xuất theo khả năng của nguồn nước. Điều này có nghĩa là trong sơ đồ khối (Flow chart) về phát triển phải quan tâm bài toán 2 chiều “top-down và down-top”.
- Tất cả các câu hỏi của đại biểu, đều được 2 vị Bộ trưởng Nông nghiệp & PTNT (NN&PTNT) và Tài nguyên – Môi trường (TNMT) và 1 câu hỏi (Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng) trả lời rõ ràng, thuyết phục. Tuy nhiên có câu hỏi của GSTS Đào Xuân Học (Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam) đề nghị 2 vị Bộ trường giải thích sự giống và khác nhau của khái niệm an ninh nguồn nước và an ninh tài nguyên nước, từ đó giúp chúng ta có các giải pháp thích hợp? Có thể do hạn chế về thời gian Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chưa trả lời. Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích quá ngắn gọn, chưa rõ.
Theo tôi hiểu khái niệm “an ninh nguồn nước” có nghĩa hẹp chỉ chú trọng nói về khả năng cấp nước. “An ninh tài nguyên nước” có nghĩa rộng hơn nhiều bao gồm cả nước mặt, nước ngầm, nước mưa, khả năng khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước vv...
Phần kết luận của hội nghị
-Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ sự cần thiết phải có Nghị quyết của Quốc hội và đại hội Đảng các cấp cần quan tâm đến nội dung an ninh nguồn nước trong chương trình phát triển kinh tế xã hội là cần thiết.
- Nội dung kết luận nhấn mạnh đến yếu tố khả thi về nguồn tài chính (no moner-no action) là rất xác đáng.
- Nếu phần kết luận làm rõ sự giống nhau và khác nhau giữa kết quả nội dung giám sát, kiểm tra thực tế về an ninh nguồn nước của đoàn Quốc hội và 2 báo cáo giải trình của Bộ NN&PTNT và Bộ TNMT sẽ càng thuyết phục hơn.
Đáng tiếc nhất, do không “điều chỉnh” thời lượng phát biểu trước đó của các vị đại biểu tham dự hội nghị , nên khi Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đang phát biểu kết luận (đúng lúc 11 giờ 30) bị truyền hình (VTV1 ) cắt “cái bụp”! Câu hỏi của cử tri đặt ra: Nếu bà Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển cuộc họp này (quá giờ chút ít) có bị truyền hình “hành xử” như thế không? Theo tôi cả 2 phía (Quốc hội và truyên hình) đều phải rút kinh nghiệm để không xẩy ra trường hợp phản cảm, không đáng có nói trên.