Bình luận bài về sông Tongle Sap không đảo dòng.[27/08/20]

25/08/2020 14:07

25

Bình luận bài về

sông Tongle Sap không đảo dòng

 

TS Tô Văn Trường

 

Nội dung chủ yếu bài viết về Mekong của tác giả Nguyễn Minh Quang trình bày các chỉ số thủy văn xung quanh khu vực dòng Tonlesap và biển Hồ. Số liệu tác giả đưa ra là khá sát thực tế về lưu vực “Tonlesap-Biển Hồ” trung bình nhiều năm từ trước đến gần đây, đối nghịch với số liệu quan trắc thực tại của một vài năm đột xuất trong đó có năm thủy văn 2019-2020, 2020-2021.

Chuyên gia Nguyễn Minh Quang quan tâm lo ngại về Mekong nhất là hiện tượng Tonlesap không đảo ngược dòng chảy là rất đáng hoan nghênh, song trong thủy văn học, khí tượng học, mọi diễn biến của chúng đều chấp nhận theo quy luật của thời gian, không gian, thiên văn và môi trường (nghĩa là vừa ngẫu nhiên vừa tất nhiên, trong đó cái tất nhiên là nền tảng, cái ngẫu nhiên là biến động). 

Do đó, không thể vội vàng lấy cái cực đoan để nhận định xu thế cho tương lai của chúng. Lẽ dĩ nhiên, biến đổi khí hậu, cực đoan thời tiết, môi trường, khai thác tài nguyên nước,.. cần được theo dõi, giám sát, quan trắc kỹ để nắm chắc khả năng tác động của từng thành phần và tổng hợp của chúng đến chế độ thủy văn sông Mekong trong đó có lưu vực “Tonlesap-biển Hồ” luôn là việc làm cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Riêng về tính khả thi của các đề xuất trong kết luận của bài báo nói trên, nếu đem ra thảo luận ở Mekong ta thấy: Để cải thiện việc áp dụng các điều khoản trong Hiệp Mekong MRC 1995, những hướng dẫn này cần được sửa đổi để đảm bảo:

1) Bao gồm lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được trong mùa mưa,

=> Làm sao các nước chấp thuận bảo đảm lưu lượng tối thiểu trong mùa mưa trong khi lượng mưa mỗi năm đều bất thường do biến đổi khí hậu. Lưu lượng mùa khô thì lượng mưa không đáng kể nên còn có thể khống chế được do lượng nước xả từ hồ chứa, hay giảm bơm tưới, còn lưu lượng mùa mưa phụ thuộc nhiều vào lượng mưa, gặp năm hạn thì hồ chứa làm sao bảo đảm bù được, nên để các nước đồng ý với hướng dẫn này rất khó khả thi.

2) Dùng mực nước ở các trạm Phnom Penh Port, Prek Kdam và Kampong Cham để theo dõi việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap:

=> Tại sao không dùng mực nước nhiều trạm từ thượng lưu xuống? Dùng trạm nào còn tùy theo chuỗi số liệu lịch sử đo đạc có tin cậy không, và hiện nay đo đạc hàng năm ra sao. Đạt được thống nhất của các nước về vị trí trạm có số liệu thích hợp cũng là vấn đề cần xem xét.

Tuy nhiên, theo tôi hiểu, trong khi không có đủ dữ liệu có thể sử dụng  mực nước ở 3 trạm Phnom Penh Port, Prek Kdam và Kampong Cham để theo dõi việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap vì (i) Có ảnh hưởng triều và (ii) Căn cứ vào chênh lệch gradien dòng chảy tại Pnomgpenh và PrekDam để tính lưu lượng vào ra.

3) Cứu xét các dòng chảy từ phụ lưu có đập đang hoạt động.

=> Rất nhiều phụ lưu có đập đang hoạt động, nên chọn lọc và thỏa thuận các phụ lưu nào được chọn lựa cũng là vấn đề lớn, nhất là không phải tất cả các phụ lưu đều có số liệu lưu lượng đáng tin cậy.

Xin lưu ý: Việc xem xét tính toán các trạm dòng chính trên sông Mekong đã được xem xét (gián tiếp) các dòng nhánh vì giữa 2 trạm bất kỳ là đã có lưu lượng đóng góp của các dòng nhánh.

4) Duy trì mùa nước nổi cho ĐBSCL, một sự kiện thủy học quan trọng không kém gì việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap.

=> Tại sao chỉ có mùa nước nổi cho ĐBSCL mà không phải cho các vùng khác ở cả lưu vực Mekong? Bài này có nói “lợi ích của mùa nước nổi đã được người dân ở ĐBSCL biết đến từ lâu và được MRC kiểm chứng có giá trị hàng năm từ 8 đến 10 tỉ USD so với thiệt hại từ 60 đến 70 triệu USD cho toàn thể hạ lưu vực Mekong”.

Tuy nhiên, thực tế không có công trình hay biện pháp nào làm mất hoàn toàn mùa nước nổi cho ĐBSCL, nên không có con số nào cho biết thiệt hại do xáo trộn lưu lượng trong mùa lũ là bao nhiêu. Tất nhiên mùa mưa phụ thuộc nguồn nước mưa, không quốc gia nào chủ động được thì việc làm sao có thể đảm bảo cho hạ du có “mùa nước nổi” là điều rất khó khăn.  

Kết luận:  Bài viết : ”Mối lo ngại mới cho Mekong: Tonlesap không đảo ngược dòng chảy” của tác giả Nguyễn Minh Quang rất hữu ích và đáng suy ngẫm.

Nếu tác giả đưa ra thêm các thông tin về lượng mưa các năm trên lưu vực sông Mekong và tương quan của lượng mưa với việc không có dòng chảy ngược trên sông Tonle Sap thì các phân tích sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.