Hội thảo khoa học ‘An toàn đập tại Thanh Hóa’ 6/10/2020.[11/10/20]

11/10/2020 10:03

26


Hội thảo khoa học ‘An toàn đập tại Thanh Hóa’



6/10/2020


Ngày 06/10/2020, tại TP Thanh Hoá, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) tỉnh Thanh hoá phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo khoa học: “Đảm bảo an toàn đập (ATĐ), hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá - Thực trạng và giải pháp”.

Dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan Trung ương, gồm: Lãnh đạo Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; TS Hoàng Văn Thắng, UVTV Liên hiệp Hội, Chủ tịch Hội Đập lớn và PT Nguồn nước VN; Lãnh đạo và chuyên viên vụ An toàn đập (Tổng cục Thuỷ lợi); Lãnh đạo và chuyên viên Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT).

Về phía địa phương, có: Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, Lãnh đạo Liên hiệp hội KHKT tỉnh Thanh hoá và Lãnh đạo các Hội thành viên; Lãnh đạo và chuyên viên Sở NN&PTNT; Lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Ban Quản lý Đầu tư & Xây dựng 3, Cty Sông Chu,...).

1- Thực trạng hồ đập thuỷ lợi trên địa bàn Thanh hoá

Thanh Hoá là tỉnh có nhiều hồ, đập. Trên địa bàn tỉnh có 2.524 công trình thuỷ lợi đầu , tưới tiêu cho khoảng 331.000 ha/năm; cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, cắt lũ, phát điện, tạo môi trường sinh thái.

Thanh Hoá có 610 hồ chứa, trong đó có 01 hồ quan trọng đặc biệt (hồ Cửa Đạt), 29 hồ chứa lớn, 84 hồ chứa vừa và 496 hồ nhỏ với tổng dung tích chứa khoảng 2.156 tỷ m3 nước. Có 1.023 đập dâng, trong đó có 01 đập lớn (đập Bái Thượng), 1022 đập nhỏ (có chiều cao dưới 10m). Có 891 trạm bơm (gồm 64 trạm bơm tiêu, 38 trạm bơm tưới tiêu kết hợp, 789 trạm bơm tưới).

1.1- Phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh:

- Các công trình thuỷ lợi vừa và lớn do 3 Cty TNHHMTV (Sông Chu, Bắc Sông Mã, Nam Sông Mã) quản lý 423 công trình phục vụ cho 234.000 ha (chiếm 70% diện tích tưới).

- Các công trình thuỷ lợi nhỏ do các tổ chức khác (489 Hợp tác xã, tổ chức hợp tác dùng nước) quản lý 1.702 công trình phục vụ tưới tiêu cho 85.587 ha;

- Có 03 Ban Quản lý Khai thác công trình thuỷ lợi cấp huyện quản lý 399 công trình phục vụ tưới tiêu cho 11.413ha.

1.2- Công tác quản lý bảo đảm ATĐ hồ chứa:

- Có 290 hồ chứa, 422 đập dâng đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp từ năm 2000 trở lại đây. Năm 2020 đang có 25 hồ chứa, 08 đập dâng đang thi công. Tiếp theo sẽ có 20 hồ, 16 đập dâng sẽ tiếp tục được thi công.

- Có 78 hồ chứa, 103 đập dâng đang có nguy cơ mất an toàn.

- Hồ Cửa Đạt do Ban 3 quản lý;

- 29 hồ chứa lớn (Sông Chu quản lý 19 hồ, UBND các huyện quản lý 10 hồ);

- 84 hồ chứa vừa (Sông Chu 15 hồ, Bác Sông Mã 01 hồ, UBND các huyện quản lý 68 hồ);

- 496 hồ chứa nhỏ (Sông Chu 8 hồ, UBND huyện quản lý 488 hồ chứa)

- Với các đập dâng: có 18 đập có chiều cao >5m, Sông Chu quản lý 18 cái, UBND các huyện quản lý 13 đập.

1.3- Tình hình thực hiện Nghị định 114

UBND tỉnh đã ban hành QĐ số 36/2019/QĐ-UBND ngày 12/11/2019 về việc phân cấp quản lý an toàn hồ đập thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh; QĐ số 1895/QĐ ngày 20/5/2019 về công bố danh mục, phân loại hồ đập, hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Thành lập HĐ tư vấn đánh giá an toàn đập cấp tỉnh.

Thực hiện chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2019, chỉ thị số 1786/CT-BNN-TCTL ngày 10/3/2020 của Bộ NN&PTNT.

Hội nghị đã nghe gần 10 tham luận của Tổng cục Thuỷ lợi, Tổng cục PCTT, Hội Đập lớn &, Hội Thuỷ lợi Thanh Hoá, .... và đặc biệt là báo cáo của TS Hà Ngọc Tuấn về “Vận hành hồ chứa theo thời gian thực, bài học từ Nhật Bản và khả năng ứng dụng vào Việt Nam”.

Chủ trì hội nghị, TS Hoàng Văn Thắng tổng kết bế mạc hội thảo, như sau:

1- Có lẽ chỉ sau vùng lưu vực sông Hồng, thì Thanh Hoá cần phải quan tâm đến ATĐ;

2- Trong báo cáo có các huyện cho thấy Thanh Hoá đã rất quan tâm đến ATĐ; Tuy nhiên, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề: (1) Cần có một tổ chức điều phối ở cấp Tỉnh, có lẽ là Ban chỉ huy PCTT&Tìm kiếm cứu nạn, nhưng tính chuyên nghiệp đến đâu?; (2) Với cấp huyện: hiện nay còn rất yếu, chưa rõ phòng ban nào sẽ là đầu mối tham mưu, điều hành, liệu có bao quát được không?

3- Về vận hành hồ chứa theo thời gian thực, Bộ NN& PTNT đã làm thí điểm 40 hồ rồi, nhưng ai sẽ nhân rộng ra? Báo cáo kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, chưa cần gì hiện đại cả, chỉ cần đo mưa thôi đã mang lại hiệu quả rồi. Báo cáo của Kyushu cho thấy cần quan tâm đến quan trắc, dự báo Khí tượng Thủy văn. Bài học 2018 xả lũ sông Đà cho thấy dự báo 16.000 m3/h nhưng thực tế gần 40.000 m3/h. Nếu không dự báo tốt thì hết sức nguy hiểm.

4- Các vấn đề phải làm ngay:

- Phải ra soát lại các Tiêu chuẩn kỹ thuật. Ban hành các hướng dẫn, quan tâm hướng dẫn đến cấp xã.

- Chúng ta nói nhiều về việc nâng cấp sửa chữa, nhưng cần chú ý là hồ tốt rồi vẫn có thể vỡ, tràn không đáp ứng là nguy cơ lớn. ATĐ phải gắn với an toàn hạ lưu.

- Các hồ lớn chưa đặt vấn đề đúng mức đến chẩn đoán bệnh. Thiết bị lắp đặt rồi nhưng phải có người phân tích. Học cách phân tích số liệu của các đập trên sông Đà, học cách làm của Nhật Bản (có 1 người 20 năm chỉ ngồi phân tích và hiệu chỉnh số liệu đo).

- Chúng ta cần một công cụ pháp lý để đưa vấn đề an toàn đập vào trong chương trình phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh. Cách làm là lông ghép trong kế hoạch phòng chống thiên tai (theo Luật phòng chống thiên tai). Cấp TW thì Bộ NN làm, các tỉnh phải làm. Kế hoạch này phải xây dựng cho 5 năm, nhưng được sửa đổi hàng năm. Trong đó quy định trách nhiệm của các ngành: thuỷ lợi, giao thông, tài chính, giáo dục .... Chúng ta đã làm kế hoạch phòng chống thiên tai, nhưng hiện nay còn sơ sài. Nội dung của kế hoạch, như quy định phải có:

+ Tổ chức bộ máy như thế nào?

+ Nâng cao năng lực dự báo thì phải làm gì?

+ Nâng cao năng lực ứng phó của người dân cụ thể là gì?

+ Quy hoạch vùng lũ, bảo vệ phát triển rừng, đường giao thông cản lũ,... như thế nào?

+ Kế hoạch nâng cấp sửa chữa cụ thể, đặt chỉ tiêu 5 năm tới sẽ giải quyết được bao nhiêu hồ, .... trên cơ sở đó ngành tài chính phải bố trí vốn, ....

Cũng qua hội thảo, nổi lên mấy vấn đề:

Vấn đề 1: Phải có một tổ chức chuyên nghiệp về ATĐ ở cấp tỉnh. Có lẽ là Ban chỉ đạo PCTT của tỉnh là hợp lý, nhưng phải có đội ngũ chuyên nghiệp.... đến cấp huyện, cấp xã thì như thế nào?

Vấn đề 2: Phải huy động các cơ quan khoa học cùng tham gia, họ giúp cho tỉnh tính toán các trường hợp cực đoan. Củng cố Hội đồng tư vấn an toàn đập, giúp cho tỉnh rà soát đánh giá.

Vấn đề 3: Dự báo là rất quan trọng. Trong kế hoạch PCTT cần đặt lộ trình để dự báo được.

Vấn đề 4: Xây dựng các kịch bản lớn (như mưa ở Trung Quốc thời gian qua) liệu có xảy ra hay không?

Vấn đề 5: Nâng cấp sửa chữa, lập danh mục ưu tiên. Phải làm được việc quan trắc đập, phân tích số liệu, chẩn đoán bệnh, đào tạo đội ngũ để làm việc này.

Vấn đề 6: Kế hoạch ứng phó thiên tai, quan tâm đến an toàn hạ du. Cần chú trọng đến xây dựng kịch bản các hồ đập lớn nếu xảy ra sự cố. Chủ tịch tỉnh phải phê duyệt kế hoạch này.

Vấn đề 7: Ngoài nguồn lực trung ương cần huy động sức dân. Nguyên tắc quản lý là chính quyền và người hưởng lợi cùng tham gia quản lý.

Cuối cùng, TS Hoàng Văn Thắng cám ơn Hội Liên hiệp KHKT tỉnh đã phối hợp với Hội Thuỷ lợi tỉnh đứng ra tổ chức, Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam đã tài trợ cho Hội thảo.

Lược ghi: GS.TS Nguyễn Quốc Dũng

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đập lớn.